Thứ Hai, 20/10/2008 08:42

Không có lý do gì để thưởng cho EVN!

Cơ sở nào để xin trích tới 36% lãi để chia thưởng? EVN có đáng được chia thưởng khi cả nước đang chuẩn bị phải dùng điện với giá cao hơn? Là người trong nhóm soạn thảo và nhiều năm trong tổ thi hành Luật doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Cung (ảnh) - trưởng Ban nghiên cứu vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - không khỏi bất ngờ với việc EVN đề nghị trích hơn 1.000 tỉ đồng để thưởng cho cán bộ, công nhân viên trong ngành.

Ông Nguyễn Đình Cung nói:

- Ai làm cũng muốn được khen thưởng nhưng trước khi đề nghị, ít nhất họ cũng phải tự hỏi mình có đáng được khen hay không. Nếu không đáng thì ít ai dám đề nghị. Theo tôi, với chỉ một “thành tích” để cho nền kinh tế thiếu điện gay gắt, EVN đã không đáng được thưởng nếu không muốn nói phải phạt, cần xem lại trách nhiệm và năng lực của những vị lãnh đạo tập đoàn này. Có không ít câu hỏi phải đặt ra với lãnh đạo EVN, nhưng câu hỏi đáng nói nhất là người dân có đáng phải bị cắt điện nhiều thế không?

EVN còn “nợ” nhiều vấn đề

* Thưa ông, cắt điện thời gian qua, theo EVN là bất khả kháng. Nên có lẽ điều này không thể được coi là khuyết điểm của họ?

- Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương vừa có một báo cáo trình lên bộ trưởng Bộ Công thương. Theo báo cáo này, số lần cắt điện của các công ty điện lực trên toàn quốc từ tháng 1 đến 25-7-2008 lên tới hơn 3.000 lần. Trong đó 1.218 lần là cắt khẩn cấp do lệnh điều độ, 1.964 lần do hệ thống sa thải tự động. Cá biệt có Công ty Điện lực Đồng Nai cắt đến 420 lần do lệnh điều độ, 627 lần do sa thải tự động. Riêng Điện lực TP.HCM không cắt theo lệnh điều độ lần nào nhưng bị sa thải tự động đến 669 lần… Các con số trên chưa bao gồm các công ty điện lực Hà Nội, Ninh Bình và Khánh Hòa do Cục Điều tiết điện lực chưa kiểm tra.

Trước đây, khi doanh nghiệp, người dân quá bức xúc đòi kiện EVN vì cắt điện bừa bãi, gây tổn thất lớn, EVN nói cắt điện bất khả kháng, Luật điện lực cho phép. Tuy vậy, theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực, có nguyên nhân cắt điện do các công ty điện lực làm sai, gây quá tải vì mục tiêu lợi nhuận.

* Như vậy, EVN còn may khi chưa bị dân kiện?

- Theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực, trong thời gian điện thiếu gay gắt, nhiều công ty điện lực đã không thực hiện cắt đúng như phân bổ, cung cấp trên cả mức được phép, khiến mất cân bằng hệ thống dẫn đến sa thải tự động, gây mất điện không báo trước. Cụ thể, có đến 10/11 công ty điện trong tháng năm đến tháng bảy đã cung ứng vượt 5% công suất được phân bổ.

Điện lực Ninh Bình gần như ngày nào cũng sử dụng vượt 12-25%, có ngày vượt đến 37%. Riêng Điện lực Hải Dương có ngày vượt định mức 50%. Những trường hợp này không phải bất khả kháng đơn thuần mà bất khả kháng do các công ty làm sai. Hành vi đó giải thích theo ý tốt là công ty điện lực cố gắng cung cấp tối đa, nhưng cũng có khả năng họ cố cung ứng vì doanh thu của họ hơn là vì hệ thống.

Hiện người dân kiện được chưa, theo tôi không đơn giản nhưng thực tế đã hội đủ hai yếu tố: có cắt điện không báo trước, đã có thiệt hại và thiệt hại đó hoàn toàn có thể quy ra tiền.

* Có tiền trích thưởng nhưng lại trả Nhà nước 13 dự án tạo nguồn điện vì thiếu vốn, đây là câu hỏi người dân không thể không đặt ra với ngành điện?

- Với tiềm lực mạnh, vị thế độc tôn ở VN, không ai có năng lực hơn EVN ở VN trong việc đầu tư phát triển nguồn điện. Vậy mà họ trả dự án. Không hiểu họ chờ đợi ở một người nào có tiềm lực, có kinh nghiệm hơn? Bản thân EVN, theo tôi, không thiếu năng lực. Sự yếu kém đầu tiên của doanh nghiệp vẫn là sự yếu kém của con người, đặc biệt là những người lãnh đạo.

EVN không thể thiếu tiền được. Vấn đề là anh không biết tích tụ, không biết thu hút để vốn vào. Một doanh nghiệp không thể chỉ biết đi vay ngân hàng, chờ Nhà nước giúp đỡ, vậy ai chẳng làm giám đốc được? Theo đúng nguyên lý, khi anh nhận việc mà không làm được thì anh phải từ chức để người khác làm. Đó là đạo đức kinh doanh. Trên thế giới, không ông chủ, hội đồng quản trị nào để ông giám đốc nhận việc rồi bảo khó quá không làm được, trả lại là xong.

Chưa dám khẳng định hành vi trả lại dự án có phải là gây sức ép không, chỉ biết thái độ đó không thể nói là dũng cảm như một vị bộ trưởng nhận định được. Ngồi vào ghế đó bao nhiêu quyền, không làm được phải từ chức mới là dũng cảm!

Tiền nhà nước, không thể đem chia thưởng

* Có thể số tiền 1.002 tỉ đồng là không lớn đối với nhu cầu đầu tư của ngành điện? Khoản thưởng sẽ giúp tăng động lực cho nhân viên ngành điện làm tốt hơn?

- Khi đã khó khăn thì một xu cũng cần chứ không nói đến cả ngàn tỉ. Một xu của Nhà nước thì cũng phải giữ nó cho Nhà nước, không thể nói vì ít mà đem chuyển của chung thành của chúng ta được.

Nếu nói cần tạo động lực cho nhân viên ngành điện càng không đúng. Nếu không được thưởng không có động lực thì cả xã hội này đều không có động lực hay sao? Bà con nông dân đâu có được thưởng gì ngoài sản phẩm họ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới thu được. Rồi còn công nhân giày da, cán bộ công chức… đang rất khó khăn vì lương thấp. Chẳng lẽ chỉ mấy “ông độc quyền” mới cần động lực để làm việc tốt hơn? Vấn đề là có thành tích nào thì cần thưởng theo đúng thành tích đó. Không thể cứ có nhiều tiền là xin thưởng được.

* EVN đã xin thưởng, Bộ Tài chính cũng đồng ý cho họ trích quỹ thưởng, phúc lợi 668 tỉ đồng. Ông nhận xét ra sao chủ trương này?

- Theo tôi, không có lý do gì để thưởng. Nếu nhận thấy tiền lương không hợp lý thì điều chỉnh toàn hệ thống. Không thể lấy một công cụ không hợp lý để sửa một điều không hợp lý khác. Tôi nghĩ quan điểm Bộ Công thương là đúng. Trước hết phải xem chênh lệch giá điện EVN thu được là bao nhiêu. Một người trước khi tăng giá bán hàng, họ đương nhiên phải biết mình sẽ được dôi ra bao nhiêu. Vì vậy, không thể nói EVN không tính được tăng giá sẽ có khoản chênh lệch bao nhiêu. Có gì mà không tách được? Cái đấy nếu không làm được thì không nên làm nữa.

* Cũng là lời xin, nhưng Bộ Tài chính đồng ý, Bộ Công thương lại không. Điều này chỉ ra rằng chúng ta thiếu thống nhất, thiếu khuôn khổ pháp lý và chưa thật sự quản được các tập đoàn?

- Qua việc này có thể thấy chúng ta chưa có cách nhìn, quan điểm thống nhất về quản lý vốn nhà nước. Nhà nước được quyền gì khi đầu tư, quản lý vốn? Nhà nước đã thực hiện được quyền chủ sở hữu tại các tập đoàn chưa cũng là câu hỏi cần nhìn lại.

Lợi nhuận của tập đoàn đáng ra phải nộp ngân sách và phải chi tiêu theo đúng Luật ngân sách nhà nước. Vì tiền đầu tư cho tập đoàn thật ra là từ tiền đóng góp của dân. Tôi không hiểu Bộ Tài chính căn cứ vào quy định nào mà cho EVN cắt tiền ra như thế. Bộ Tài chính không có quyền đi thưởng cho doanh nghiệp. Nếu cứ làm theo cách này thì càng kinh doanh càng mất vốn của Nhà nước. Lãi thì ông đòi thưởng trước, lỗ ông kêu, đòi người tiêu dùng gánh, đòi Nhà nước hỗ trợ vốn là không thể được.

* Xin cảm ơn ông!

tt

Các tin tức khác

>   1,5 triệu euro nâng cao năng lực Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TPHCM (20/10/2008)

>   Khắc phục thất thoát sau thu hoạch lúa: Cần cái bắt tay của “4 nhà” (20/10/2008)

>   Xăng dầu giảm giá “nhỏ giọt” - Giá cước vận tải… nằm chờ! (20/10/2008)

>   Đến năm 2010: Dung Quất cần 3,2 vạn nhân lực quản lý và kỹ thuật (20/10/2008)

>   Xuất khẩu cá tra, basa sẽ “nhảy vọt” (20/10/2008)

>   Giá bất động sản vẫn còn “trên trời” (20/10/2008)

>   Khi doanh nghiệp xăng dầu gian lận kiểu "thủ công" (20/10/2008)

>   Tăng giá điện – Phải xem lại từ chính sách phát triển (20/10/2008)

>   Quốc hội đã thỏa mãn một phần ý nguyện của dân (20/10/2008)

>   EVN vì lợi ích của ai? (20/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật