Thứ Hai, 20/10/2008 07:10

Khắc phục thất thoát sau thu hoạch lúa: Cần cái bắt tay của “4 nhà”

Sau khi Báo SGGP các ngày 9, 10, 11-10-2008 phản ánh tình hình thất thoát lúa gạo sau thu hoạch gây thiệt hại lớn qua loạt bài “Thất thoát sau thu hoạch lúa - lỗi và trách nhiệm của bốn nhà”, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, doanh nghiệp… để giải bài toán “hạt ngọc” thất thoát  hàng trăm triệu đôla mỗi năm.

Ông Phan Thanh Dũng, Phó phòng Kỹ thuật – xây dựng cơ bản thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam: Phải xây dựng kho chứa 1 triệu tấn gạo

Trong kinh doanh xuất khẩu lúa gạo, phẩm chất gạo là yếu tố quyết định giá thành cạnh tranh. Lâu nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn Thái Lan và một số nước mà các nhà kinh doanh gạo gọi là thất thoát trị giá lúa gạo cả khi gạo đã thành phẩm và đem ra buôn bán trên thị trường. Hiện nay, Tổng Công ty Lương thực miền Nam có hệ thống kho bãi vớiù sức chứa khoảng 700.000 tấn gạo thì không thấm vào đâu khi vào cao điểm thu hoạch vụ lúa.

Để ổn định lương thực trong nước, trong kho bao giờ cũng phải lưu trữ một lượng gạo chiếm 50% sức chứa của kho nên không đủ kho để thu mua thêm. Đó là chưa kể trong những thời điểm lúa, gạo còn tồn kho nhưng vẫn phải thu mua vào thì kho chứa trở nên quá tải. Gạo trữ càng nhiều mà chưa bán được thì doanh nghiệp phải gánh lãi suất vay của ngân hàng, một số công ty lương thực tỉnh phải đóng lãi ngân hàng 6 - 7 tỷ đồng/tháng.

Để thực hiện chủ trương của Chính phủ phải thu mua hết lúa của vụ hè-thu cho người dân, tổng công ty phải xây dựng kho chứa đạt 1 triệu tấn lúa đến năm 2010. Nhưng theo tính toán, để xây dựng 1m2 kho chứa phải tốn trên 5 triệu đồng, đó là chưa kể khó khăn trong tìm quỹ đất để xây dựng kho, khó có thể khấu hao được vốn xây dựng kho trong một thời gian ngắn.

Theo tôi, cần có sự phối hợp đồng bộ của cả “4 nhà”: Nhà quản lý cần có cơ chế quy định việc thu mua lúa gạo, phổ biến những quy chuẩn về chất lượng lúa gạo cho nông dân, đồng thời khống chế giá lúa theo chất lượng để bình ổn thị trường; các công ty lương thực và doanh nghiệp thu mua lúa gạo đúng quy định và nhu cầu thị trường; các nhà khoa học cần hỗ trợ  thiết bị máy móc, kỹ thuật sản xuất và bảo quản lúa gạo đến nông dân; người nông dân cùng ra sức nâng chất lượng lúa, gạo sau thu hoạch mà tiêu biểu là kho phơi sấy và bảo quản. Họ phải tự cứu lấy “hạt ngọc” của chính mình.

Ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vinh Phát: Nông dân phơi sấy lúa tốt sẽ giảm thất thoát đáng kể

Mỗi năm Công ty Vinh Phát xuất khẩu khoảng 200.000 tấn gạo ra thị trường quốc tế. Hàng ngày, công ty  thu mua trên 1.000 tấn lúa, gạo từ  thương lái, nông dân về lưu trữ và chế biến tại 3 nhà máy có năng suất trên 350.000 tấn/năm đặt tại Cần Thơ, An Giang. Những nhà máy này có khả năng lưu trữ trên 40.000 tấn lúa, gạo trong khoảng 3 tháng.

Cho nên trong những vụ thu mua cao điểm chúng tôi không lo ngại kho bãi không đủ sức chứa mà vấn đề là không mua được lúa, gạo tốt để trữ và chế biến. Gạo thành phẩm có chất lượng kém, tỷ lệ gạo trọng nguyên để xuất khẩu giảm đáng kể. Vì vậy vấn đề tổn thất sau thu hoạch bắt nguồn từ gốc là người nông dân trồng và thu hoạch lúa. Nếu nông dân phơi, sấy lúa đủ khô sẽ lợi cả đôi đường. Doanh nghiệp dễ bảo quản và chế biến ra gạo đẹp, giá cao thì cả nông dân và doanh nghiệp đều có lợi.

Theo tôi, cơ quan chức năng nên quy hoạch kho, bãi tại địa phương hoặc đầu tư, hỗ trợ cho một số doanh nghiệp phát triển công nghệ lưu trữ và chế biến tại địa phương để giúp nông dân sản xuất ra lúa, gạo đủ chất lượng xuất khẩu. Trong năm 2009, Công ty Vinh Phát sẽ phát triển thêm nhà máy, silo chứa tại đồng ruộng của nông dân để tiện thu mua và bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu và thí điểm hình thức bao tiêu sản phẩm .

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Khuyến khích dùng giống chất lượng cao

Giống lúa là một trong những yếu tố quyết định năng suất, chất lượng lúa, gạo thành phẩm. Vì vậy, việc lựa chọn giống lúa xác nhận sẽ giảm sâu bệnh thường xảy ra ở vùng Ô Môn, Cờ Đỏ - TP Cần Thơ và tăng độ thuần của hạt gạo. Nếu dùng giống thường, độ thuần không đạt yêu cầu. Do vậy, cần phải có cơ chế, chính sách để khuyến khích nông dân sử dụng giống xác nhận trong gieo sạ.

Hiện nay toàn vùng ĐBSCL mới sử dụng khoảng 34% giống xác nhận trong gieo sạ. Mỗi năm, ĐBSCL cần khoảng 400.000 tấn giống lúa xác nhận, nhưng nguồn giống từ các viện, trường, trung tâm... chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Năm 2006, dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá bùng phát, nông dân tìm giống xác nhận rất khó khăn. Đến nay ĐBSCL chỉ có một trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận giống lúa nên thực hiện mục tiêu có 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam đến năm 2010 là thách thức lớn.

Trên thực tế, giống xác nhận chính quy có quy trình kiểm định, kiểm nghiệm đạt chuẩn chỉ khoảng 9%. Số còn lại do các cơ quan, trung tâm giống tự chứng nhận. Viện Lúa ĐBSCL đang xin Bộ NN-PTNT thành lập trung tâm và sắp tới sẽ có một số tỉnh cũng thành lập trung tâm kiểm định giống lúa. Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, từ năm 2008, Viện Lúa ĐBSCL chỉ nghiên cứu lai tạo giống đầu dòng ra siêu nguyên chủng và nguyên chủng rồi chuyển giao quy trình nhân giống xác nhận cho các trung tâm, hợp tác xã, câu lạc bộ... ở các địa phương. Như vậy, sản lượng nhân giống nhanh hơn, với số lượng nhiều, giá thành giảm sẽ khuyến khích người dân sử dụng.

Viện đã thực hiện dự án nhân giống lúa xuất khẩu với Bộ NN-PTNT từ năm 2000 (từ năm 2000 đến 2010) và đang làm giai đoạn 3 để đạt 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở khu vực phía Nam. Bước đầu, dự án đạt hiệu quả. Hiện nay, khoảng 70%-80% giống lúa của viện đưa ra đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trước đây, giá gạo của Việt Nam kém Thái Lan khoảng 50 USD/tấn. Còn hiện tại, gạo cùng cấp, giá bán ngang bằng Thái Lan.

sggp

Các tin tức khác

>   Xăng dầu giảm giá “nhỏ giọt” - Giá cước vận tải… nằm chờ! (20/10/2008)

>   Đến năm 2010: Dung Quất cần 3,2 vạn nhân lực quản lý và kỹ thuật (20/10/2008)

>   Xuất khẩu cá tra, basa sẽ “nhảy vọt” (20/10/2008)

>   Giá bất động sản vẫn còn “trên trời” (20/10/2008)

>   Khi doanh nghiệp xăng dầu gian lận kiểu "thủ công" (20/10/2008)

>   Tăng giá điện – Phải xem lại từ chính sách phát triển (20/10/2008)

>   Quốc hội đã thỏa mãn một phần ý nguyện của dân (20/10/2008)

>   EVN vì lợi ích của ai? (20/10/2008)

>   Việt Nam gia tăng đầu tư vào tỉnh Savannakhet (20/10/2008)

>   Dùng tên nước mắm Phú Quốc phải xin phép (20/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật