Đi tìm một chiến lược
Từ một năm nay liên tiếp có tin nhiều khu gang thép được cấp phép đầu tư và liên tiếp có báo động sẽ thừa công suất gang thép. Bài này xin trình bày những cơ sở lý luận cho một chiến lược sản xuất gang thép ở Việt Nam.
Bên thuận
Sản lượng gang thép nội địa chưa thỏa mãn được nhu cầu của kinh tế. Nếu nhất thiết phải dùng thép sản xuất ở Việt Nam thì cần tăng cường mạnh khả năng sản xuất.
Nguyên liệu cơ bản của ngành gang thép là quặng sắt, than cốc và năng lượng điện.
Về điện, hiện Việt Nam đang thiếu công suất, phải nhập khẩu điện và không đủ sức đầu tư thêm để đáp ứng nhu cầu. Trừ phi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ồ ạt vào những cơ sở sản xuất điện, nếu không những nhà máy gang thép tương lai sẽ không có điện để chạy.
Than có ở miền Bắc và miền Trung. Tỉnh Quảng Ninh là vùng mỏ than lớn, nhưng đó là than anthraxit chỉ dùng để đốt thành năng lượng nhiệt. Một mỏ than ở Hưng Yên vừa được khám phá, nhưng chưa biết rõ trữ lượng và loại than nào. Ở Thái Nguyên và gần biên giới Việt - Trung cũng có một vài mỏ than cốc nhỏ.
Việt Nam cũng có rải rác vài mỏ sắt. Mỏ tương đối quan trọng nằm ở Thái Nguyên, Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Thỉnh thoảng một vài địa phương phát hiện thêm một mỏ khoáng vật nhưng cần được đánh giá thêm.
Bờ biển Việt Nam có nhiều nơi để xây hải cảng đủ sâu để tàu mang nhiên liệu, than và quặng sắt từ nước ngoài cập bến. Vậy chúng ta có thể tận dụng những tài nguyên mỏ eo hẹp của mình và bổ sung bằng cách mua từ nước ngoài để những nhà máy gang thép xây trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động.
Một nhà máy gang thép cần rất nhiều nhân công. Có tổ hợp lên đến vài chục ngàn người. Nhưng một tổ hợp lớn cũng chỉ cần khoảng một trăm cán bộ quản lý và kỹ thuật còn những người khác chỉ cần biết đọc biết viết và một vài ngày huấn luyện là đủ. Như vậy có nghĩa một nhà máy gang thép tạo ra nhiều công ăn việc làm nhưng tham gia ít vào việc hình thành một xã hội tri thức.
Bên chống
Trong số các ngành công nghiệp, gang thép là ngành gây ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng nhiều nhất.Chọn phát triển ngành gang thép là chọn gia tăng ô nhiễm môi trường và tiêu hao năng lượng. Một tổ hợp sản xuất càng tập trung nhiều khâu sản xuất trong chu trình chế biến bao nhiêu thì càng gây ô nhiễm môi trường và tiêu hao năng lượng bấy nhiêu.
Công nghiệp gang thép cần vốn đầu tư rất lớn, có thể nói là cao nhất trong các ngành công nghiệp nặng. Hiện chúng ta vẫn đang phải gọi vốn nước ngoài dưới mọi hình thức để phát triển các ngành công nghiệp. Ngành gang thép tiêu thụ nhiều điện, trong khi Việt Nam vẫn phải chịu cảnh bị cắt điện tràn lan mà tập đoàn Điện lực thì thiếu vốn để đầu tư giải quyết vấn nạn này. Chúng ta không có vốn để xây những nhà máy điện dành riêng cho ngành gang thép. Đó là chưa kể những hạng mục như nghiền quặng, nghiền than, lò cao, lò luyện thép, các xưởng cán nóng, cán nguội và phương tiện vận chuyển.
Vậy, nếu muốn phát triển ngành gang thép thì chúng ta không có cách nào khác hơn là phải kêu gọi các công ty gang thép và ngân hàng quốc tế đầu tư. Có người chê rằng có những tập đoàn tài chính không có kinh nghiệm về gang thép cũng nộp hồ sơ. Điểm này không quan trọng mấy. Nếu có tiền thì thuê chuyên gia cần thiết. Những ngân hàng đầu tư quốc tế quen làm như vậy và đã thành công.
Thép là một sản phẩm cơ bản (commodity) thiết yếu cho mọi ngành công nghiệp. Như mọi sản phẩm thiết yếu khác, giá thị trường quốc tế lên xuống mau vì đầu cơ. Như mọi sản phẩm cơ bản, nhu cầu và khả năng sản xuất của thế giới biến đổi theo chu kỳ. Trong số các ngành công nghiệp thì gang thép là ngành có thị trường bất ổn nhất, bất ổn hơn cả thị trường dầu khí.
Để tăng tính hiệu quả, một tổ hợp gang thép chỉ có thể là một cơ sở lớn với vốn cố định khổng lồ. Ngoài ra, một khi đã đầu tư rồi thì vốn sẽ bị cầm chân trong cả chục năm, có thể đến hơn nửa thế kỷ. Bây giờ giá thép niêm yết cao, nhưng nếu thị trường thế giới đổi chiều một chút là sẽ có nhiều công ty gang thép gặp khó khăn. Theo các chuyên gia về thị trường gang thép, những công ty sản xuất dưới 10 triệu tấn thép mỗi năm sớm muộn gì cũng sẽ phá sản hay sáp nhập vào một tập đoàn lớn hơn.
Chọn lựa chiến lược
Khi thiết kế một chiến lược kinh tế thì phải đặt ra hai câu hỏi: phát triển ngành kinh tế này để làm gì? Nếu không thì có thể làm gì khác có lợi hơn hay không?
Nói rằng mỗi người Việt Nam bình quân mỗi năm tiêu thụ ngần này cân thép, hay nước Việt Nam xếp hạng này hạng nọ về gang thép chỉ là những nhận xét, không thể là những chỉ tiêu để lập ra một kế hoạch kinh tế.Nhu cầu về nguyên liệu của một nước tùy ở cấu trúc kinh tế của nước đó. Trung Quốc là nước tiêu thụ than và thép nhiều nhất, vì nước này là công xưởng sản xuất hơn một nửa sản lượng thiết bị gia dụng của thế giới. Người Singapore không cần nhiều thép vì kinh tế nước họ dựa trên dịch vụ tài chính, kho hàng phi hải quan và các công nghệ cao.
Nếu chúng ta muốn trở thành một quốc gia công xưởng cạnh tranh với Trung Quốc thì nhu cầu năng lượng và thép dự báo sẽ cao và rất có thể những dự báo của Chính phủ là khiêm tốn. Ngược lại, nếu chúng ta tập trung vào những ngành kinh tế khác như nông nghiệp, công nghiệp lắp ráp, công nghệ cao, dịch vụ... thì nhu cầu về năng lượng và thép sẽ khiêm tốn hơn dự báo.
Nếu chúng ta coi tình trạng một quốc gia công xưởng chỉ là một giai đoạn tạm thời trước khi trở thành một quốc gia công nghệ tiên tiến, thì không nên đầu tư nhiều vào những tổ hợp gang thép. Theo kinh nghiệm các nước Bắc Mỹ và châu Âu, một khi đã đặt chân vào ngành này thì phải mấy chục năm mới rút khỏi được.
Nhiều người đề nghị phải phát triển ngành gang thép để tạo công ăn việc làm cho dân, để có thép mà xuất khẩu và gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Chúng ta không có nguyên liệu thì xây cảng nước sâu để nhập khẩu quặng và than chạy nhà máy. Chúng ta không có vốn thì kêu gọi nước ngoài đầu tư.
Xây tổ hợp gang thép mà không có quặng và than cốc là một việc rất dễ: chỉ cần xây một hải cảng nước sâu để tàu chở những nguyên liệu đó có thể cập bến. Nhiều tổ hợp gang thép đang vận hành có hiệu quả như vậy. Về vốn đầu tư, hiện nay xu hướng của những tập đoàn xuyên quốc gia là chuyển tiềm năng sản xuất sang những nước ổn định về chính trị, giá nhân công thấp và dễ dãi về bảo vệ môi trường. Việt Nam là nước lý tưởng trên ba phương diện đó nên họ đang ồ ạt lập hồ sơ xin xây những tổ hợp gang thép khổng lồ.
Nếu tham vọng của chúng ta chỉ là để có công ăn việc làm cho một số lớn công nhân không có tay nghề thì phải kêu gọi đầu tư nước ngoài vào ngành gang thép. Nhưng giá phải trả là môi trường sẽ bị xâm hại nghiêm trọng và người lao động được tuyển sẽ không có triển vọng tiến thân thành lao động chuyên môn.
Một bài toán mà mọi công ty phải giải thường ngày là mua những gì mình cần dùng hay tự sản xuất lấy. Nếu tự sản xuất mà đắt hơn giá thị trường thì nên mua lại của những công ty có khả năng sản xuất rẻ hơn.
Những ngành công nghiệp đang phát triển mạnh ở nước ta như xây dựng, đóng tàu, cơ khí ô tô, cơ điện thiết bị gia dụng... cần rất nhiều thép. Với xu hướng toàn cầu hóa, đâu cần phải có nhà máy tại chỗ thì mới có thể bảo đảm cung ứng một sản phẩm thiết yếu.
Hiện nay Việt Nam có khả năng sản xuất để xuất khẩu các mặt hàng cơ khí, may mặc, thực phẩm, thiết bị gia dụng... Chúng ta có thể phát triển những ngành đó để xuất khẩu và có ngoại tệ mua thép mà công nghiệp chúng ta cần đến. Ngoài ra, chỉ cần nhập khẩu phôi thép để cán lại. Như thế đỡ ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng ít hơn.
Ngành đóng tàu cần rất nhiều thép và Vinashin tìm liên doanh để xây nhà máy gang thép là một việc có thể hiểu được. Nhưng Vinashin đang phải đi vay vốn lưu động để đóng tàu và triển khai những hợp đồng đã ký. Trên phương diện công nghiệp, xây một nhà máy để cán những thỏi thép mua từ những xí nghiệp khác là đủ rồi. Tại sao lại phải chi vốn để lao vào một nghề mà Vinashin không chuyên?
Kết luận
Mọi việc đều có khía cạnh thuận và nghịch. Không phát triển nhiều ngành gang thép không có nghĩa là không quan tâm đến ngành đó.
Dù sao chúng ta cũng có một số mỏ sắt mặc dù trữ lượng không lớn. Xuất khẩu quặng sắt thì không có lợi bằng xuất khẩu thép, nên phải kêu gọi nước ngoài đầu tư vào tối đa hai tổ hợp gang thép. Nhưng không cho phép họ đầu tư vào những dự án phải nhập khẩu quặng sắt và khi nào những mỏ sắt cạn hết thì tìm cách mời họ dời cơ sở sản xuất sang nước khác.
Ngành luyện kim tiến bộ nhanh chóng: những đặc tính của thép và hợp kim thép về sức bền và kháng hoen gỉ được cải tiến liên tục. Nếu muốn chất lượng sản phẩm công nghiệp của Việt Nam được cải thiện liên tục thì phải có một đội ngũ kỹ sư am hiểu những vấn đề sản xuất, sử dụng kim loại và những vật liệu mới. Vật liệu mới là một ngành ưu tiên của Chính phủ. Nhưng đặt vào danh sách ưu tiên một công nghệ thì chưa đủ. Chúng tôi đề nghị lập một trung tâm nghiên cứu ở cấp trung ương về sản xuất và sử dụng kim loại.
Trở thành số một hay số hai thế giới trong một ngành công nghiệp không phải là một vinh quang. Vinh quang là trở thành một quốc gia giàu mạnh, dân sống ấm no trong một môi trường tự nhiên lành mạnh. Với mục đích đó, phát triển ngành gang thép không phải là một việc cốt yếu.
ĐẶNG ĐÌNH CUNG - Kỹ sư tư vấn - Pháp
Nếu chúng ta coi tình trạng một quốc gia công xưởng chỉ là một giai đoạn tạm thời trước khi trở thành một quốc gia công nghệ tiên tiến, thì không nên đầu tư nhiều vào những tổ hợp gang thép. Theo kinh nghiệm các nước Bắc Mỹ và châu Âu, một khi đã đặt chân vào ngành này thì phải mấy chục năm mới rút khỏi được.
tbktsg
|