Chạy theo thị trường
Đã có doanh nghiệp đề nghị nên chuyển hướng tư duy của các cơ quan quản lý nhà nước với loại thuế này, chuyển sang đánh thuế theo lợi nhuận thay vì đánh thuế theo giá như hiện nay.
Hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan cũng như để bắt kịp thị trường giá khoáng sản kim loại tăng đột biến được coi là những nguyên cớ chính lý giải cho việc sửa đổi điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên quy định về biểu khung thuế suất thuế tài nguyên đang được Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua vào tháng 11 tới. Song cách đặt vấn đề này đã không nhận được sự đồng thuận của cả giới doanh nghiệp lẫn các cơ quan nghiên cứu. Thậm chí, nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, Ban soạn thảo dự thảo Pháp lệnh sửa đổi này đã đặt lệch vấn đề. Mục tiêu tăng thuế suất thuế tài nguyên hoàn toàn không có tác động hay không chịu ảnh hưởng nhiều từ các vấn đề được nêu trên.
Việc chạy theo giá cả thị trường để sửa đổi các biểu thuế là không thể, khi thị trường đang có những dấu hiệu khá bất thường và khó dự đoán. Trong khi có rất nhiều loại khoáng sản tăng giá đột biến như khoáng sản kim loại, than…, thì một số lại giảm giá chưa từng có như nikel. Nếu vì lý do giá cả thị trường tăng cao để đặt vấn để nâng cao thuế suất thì chắc chắn, doanh nghiệp và thị trường sẽ "lãnh đủ" do sự thay đổi đột ngột và khó đoán định của chính sách.
Hơn thế, một số chuyên gia nghiên cứu cũng cho rằng, số tiền thuế tài nguyên được thu trên một đơn vị tài nguyên của người khai thác tăng hay giảm phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là giá tính thuế tài nguyên và mức thuế suất áp dụng. Như vậy, khi giá cả thị trường tăng đột biến, thì giá bán tài nguyên tại nơi khai thác cũng sẽ tăng theo, tức là giá tính thuế sẽ tăng trong khi thuế suất không đổi. Nếu thuế suất tăng đột ngột như dự thảo Pháp lệnh đưa ra, có nhóm gấp tới cả chục lần như than từ 1-3% lên 5-20%, thì bên cạnh khoản thu thuế tài nguyên của Nhà nước tăng, chi phí của doanh nghiệp khai thác cũng tăng, sản phẩm đầu ra sẽ tăng theo tương ứng. Và sự tăng giá sẽ như một phản ứng dây chuyền tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu đầu vào là các khoáng sản này.
Trong khi đó, mục tiêu kiểm soát việc khai thác khoáng sản không vì lý do thay đổi thuế suất thuế tài nguyên mà đạt được. Thậm chí, khá nhiều ý kiến cho rằng, khi thuế suất tăng quá cao, lợi ích từ trốn thuế sẽ rất lớn và điều này lại kích thích các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Và đương nhiên là hậu quả về môi trường cũng vì thế mà tiếp tục nặng nề hơn.
Thực ra, lâu nay trong khá nhiều buổi tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý cho các văn bản pháp luật, các ý kiến trái chiều với ban soạn thảo thường là nhiều và dễ hiểu khi mục tiêu nhóm lợi ích được đặt ra. Song sự "phản pháo" về mục tiêu đặt ra cho một chính sách kiểu như trên không nhiều. Có vẻ như sự chuẩn bị thiếu cẩn trọng của Ban soạn thảo đã khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy bất an. Từ sự thiếu thuyết phục của những lý giải về mục tiêu, các doanh nghịêp lo ngại đến tính khoa học của các đề xuất chính sách cụ thể. Ở đây, không chỉ là khoảng cách mà còn là sự thay đổi ở mức quá cao, dự kiến thời gian áp dụng quá nhanh khiến nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản cảm thấy ngỡ ngàng, nhất là các doanh nghiệp vừa bắt đầu hoạt động. Các bài toán kinh doanh đã được nghiên cứu cẩn trọng trước đây sẽ bị thay đổi hoàn toàn. Các tính toán về suất đầu tư, lợi nhuận, thời gian thu hồi vốn…, đương nhiên biến đổi theo hướng khó lường khi mức thuế suất cụ thể được đề nghị để ngỏ cho Chính phủ quy định tùy theo tình hình. Trong khi đó, rủi ro trong khai thác khoáng sản rất lớn, chi phí ban đầu cao… Tất nhiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng cao không kém khi gặp đúng thời, song điều đó không có nghĩa là họ luôn sẵn sàng với những thay đổi chính sách quá lớn như theo dự thảo này.
Đã có doanh nghiệp đề nghị nên chuyển hướng tư duy của các cơ quan quản lý nhà nước với loại thuế này, chuyển sang đánh thuế theo lợi nhuận thay vì cách đánh thuế theo giá như hiện nay. Với cách đánh thuế này, mục tiêu phân chia lợi nhuận khi thị trường thuận lợi và cả rủi ro khi thị trường gặp khó khăn giữa doanh nghiệp và Nhà nước sẽ đạt được. Áp lực về chạy theo thị trường của chính sách khi đó sẽ được giải toả.
đtck
|