CPI giảm còn do cộng hưởng từ thế giới
Tháng 10, lần đầu tiên kể từ đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,19%. Ngoài những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, diễn biến trên còn có sự cộng hưởng với biến động trên thế giới.
Bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 27/10, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã trao đổi thêm với báo giới về sự cộng hưởng này.
Bộ trưởng nói:
“Với chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ thực ra đã phát huy cách đây từ mấy tháng rồi. Tuy nhiên, nguyên nhân chỉ số CPI giảm còn được cộng thêm bởi những biến động tài chính, tiền tệ trên thế giới tác động đến sản xuất của thế giới và đang có biểu hiện trì trệ, kéo theo giá cả thế giới cũng biến động thất thường.
Tôi lấy ví dụ như giá dầu chưa bao giờ giảm nhanh như thế. Đấy cũng là biểu hiện của nền kinh tế thế giới đang lâm vào tình trạng trì trệ”.
Như vậy chỉ số CPI giảm do một phần “cộng hưởng” từ sự suy giảm của kinh tế thế giới. Vậy theo Bộ trưởng, nếu giảm phát xẩy ra trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế trong nước?
Theo tôi, nếu giảm phát có hệ thống thì không tốt. Lạm phát thường có hai mặt, tăng cao quá hay hạ thấp quá cũng không tốt bởi vì chỉ số này chính là biểu hiện đến vấn đề cung cầu, sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Và tác động chung của giảm phát toàn cầu sẽ dễ dẫn đến những bất lợi cho nền kinh tế, như sản xuất bị trì trệ, chậm phát triển, và sẽ tác động đến những chỉ số kinh tế vĩ mô chung.
Hiện nhiều mặt hàng đang bắt đầu giảm giá theo xu hướng giá cả thế giới đang giảm mạnh. Chính phủ chưa có những đánh giá cụ thể nguy cơ giảm phát ảnh hưởng đến kinh tế trong nước hay không nhưng trước mắt vẫn sẽ điều tiết giảm giá các mặt hàng theo xu hướng chung của thế giới.
Nhưng gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp chỉ mua nguyên liệu đầu vào nhưng lại… tạm ngừng sản xuất để chờ giá tăng, thưa Bộ trưởng?
Điều này có rất nhiều yếu tố, phải phân tích tổng thể, phân tích kỹ lưỡng xem nguyên nhân của nó là gì. Về nguyên lý, khi giá giảm thì chi phí đầu vào cũng giảm. Và việc sản xuất kinh doanh phải tính trên quan hệ cung cầu. Cung cầu vẫn có thì vẫn hoạt động, vẫn sản xuất được.
Gần đây giá nguyên liệu nhiều mặt hàng trên thế giới giảm mạnh nhưng giá sản phẩm đầu ra trong nước chỉ giảm rất ít. Bộ trưởng có thể giải thích thêm điều này?
Thực tế nhiều mặt hàng có biểu hiện giảm. Nhưng người ta có thể vì quyền lợi của một nhóm, một bộ phận nên người ta chưa muốn giảm; cũng có thể giữ giá là để cân đối nguyên liệu đầu vào. Bởi họ mua ở thời kỳ cao bán thời kỳ thấp nên họ phải tính bình quân, vì thế tốc độ giảm của nó cũng phải tính toán một cách vừa phải.
Bên cạnh đó, đứng về phía quản lý, hiện nay Nhà nước đang có yêu cầu kiểm soát, kiểm tra việc giữ giá. Ví dụ vừa rồi, giá xăng dầu giảm nhưng giá vận tải không giảm nhanh, Chính phủ đã có chỉ đạo, nhiều địa phương kiểm soát đã không chấp nhận giá đăng ký của doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải giảm giá.
Nhưng nhiều doanh nghiệp như thép, thức ăn chăn nuôi đã không giảm giá, hoặc chỉ giảm nhẹ, trong khi giá đầu vào giảm mạnh. Thậm chí doanh nghiệp thép còn kiến nghị Chính phủ tăng thuế nhập khẩu để giữ giá. Phải chăng sự điều tiết của Nhà nước vẫn chưa thực sự hữu hiệu trong những trường hợp này?
Việc tính thuế chỉ là một biện pháp để điều tiết. Tuy nhiên thuế không phải là dựa trên cảm nhận giá cao thì hạ xuống, thấp thì tăng lên, mà phải tính toán từ cung cầu, từ sản xuất trong nước đến nhập khẩu, cơ cấu xem hàng hóa đảm bảo được đến đâu để điều tiết cung cầu hợp lý, từ đấy tính toán mới áp mức thuế chuẩn xác được.
Ví dụ như mặt hàng trong nước không sản xuất được thì phải khuyến khích vào, hay nguyên liệu cho sản xuất mà trong nước không sản xuất được hoặc trong nước sản xuất được rồi thì đều có những chính sách điều tiết lại khác nhau.
Còn về việc kiến nghị, vì đứng trên những quyền lợi, góc độ khác nhau nên người ta đề xuất khác nhau. Cụ thể như anh nhập khẩu sẽ đề xuất khác anh sản xuất. Vì thế chính sách điều tiết của Chính phủ sẽ luôn phải tính toán để đưa ra một mức chuẩn xác nhất.
tbktvn
|