Luồng thông, nhà thầu tắc vốn
Do cảng Cái Lân (Quảng Ninh) không đảm bảo độ sâu thiết kế, chỉ tiếp nhận được tàu 2 vạn tấn (trong khi thiết kế để tiếp nhận tàu 4 vạn tấn) gây lãng phí lớn trong đầu tư, Bộ GTVT đã có quyết định nạo vét luồng, đảm bảo cho tàu 4 vạn tấn vào cảng.
Tháng 11.2007, TCty Xây dựng đường thuỷ đã trúng thầu nạo vét luồng cảng với giá trị hơn 261 tỉ đồng. Đến nay luồng đã thông, dự kiến khánh thành vào tháng 11.2008, song cái sự "tắc" vốn lại nảy sinh gây khó khăn cho nhà thầu...
Luồng thông nhưng...
Ngày 25.7.1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 4383/QĐ-Ttg về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cảng Cái Lân. Theo đó, cảng có 7 bến với tổng chiều dài là 1.461m cho tàu có trọng tải 40.000DWT cập cảng làm hàng. Luồng tàu biển vào cảng có chiều rộng khoảng 130m, độ sâu -10m để tàu hàng 40.000DWT có thể qua lại được.
Việc xây dựng bến số 5-6-7 cảng Cái Lân và nạo vét đoạn luồng trong từ cảng Cái Lân ra đến Cửa Lục đã được hoàn thành từ tháng 1.2004. Song do đoạn luồng ngoài từ Cửa Lục đến Hòn Một dài 11km có cao trình tự nhiên - 6,5m và bề rộng luồng khoảng 80m nên chỉ có các tàu có trọng tải dưới 20.000DWT ra vào được, còn các tàu có trọng tải lớn hơn 20.000DWT đều phải giảm tải trước khi đi qua đoạn luồng trên để vào cảng Cái Lân gây lãng phí rất lớn trong đầu tư.
Vì đầu tư xây dựng một cảng lớn cho tàu 40.000DWT mà chỉ các loại tàu 20.000 DWT mới vào thẳng được cảng còn lại hàng hoá phải cõng thêm phí chuyển tải. Ngoài ra, theo dự báo của tỉnh Quảng Ninh, năm 2010, lượng hàng thông qua cảng sẽ là trên 10 triệu tấn/năm cho nên cảng Cái Lân nếu chỉ tiếp nhận tàu 20.000 tấn sẽ không thể đáp ứng được.
Sự lãng phí đầu tư đã được sửa sai khi Thủ tướng chỉ đạo cấp bách nạo vét tuyến luồng ngoài từ Cửa Lục đến Hòn Một đạt độ sâu thiết kế - 10m. Ngày 6.11.2007, Bộ GTVT đã chấp thuận kết quả đấu thầu gói thầu số 1: Nạo vét luồng ngoài (đoạn Hòn Một - Cửa Lục ) - dự án xây dựng cảng Cái Lân của TCty Xây dựng đường thuỷ với giá trị trúng thầu là 261.696.021.096 đồng.
Theo ông Vương Đình Lam - Cục trưởng Cục Hàng hải VN, sau gần một năm thi công dự án đã hoàn thành. Dự kiến cục sẽ tổ chức khánh thành luồng trong tháng 11.2008.
...đẩy nhà thầu tắc vốn
Ông Lưu Đình Tiến - TGĐ TCty Xây dựng đường thuỷ (Vinawaco) giãi bày : Trúng thầu dự án nạo - vét luồng cảng Cái Lân là một dấu ấn đặc biệt với TCty bởi đây là lần đầu tiên Vinawaco được làm tổng thầu một dự án có quy mô lớn. Thông thường các dự án nạo vét luồng tại các cảng có vốn nước ngoài Vinawaco chỉ được làm thầu phụ. Đây là một cơ hội để khẳng định thương hiệu vươn khỏi thân phận làm thuê cho nước ngoài.
Cái khó nhất của công trình là nằm ở khu du lịch, thắng cảnh thiên nhiên của thế giới nên phải đặc biệt giữ gìn môi trường. Trong khi luồng tàu vừa thi công, vừa khai thác ngoài việc nhà thầu phải đảm bảo về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ lại phải lo bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các phương tiện tham gia giao thông vận tải và du lịch. Sau gần một năm, Vinawaco đã trả lại luồng thông, nhưng lại tắc vốn.
Cũng theo ông Tiến, khi đấu thầu giá nhiên liệu mới 8.900 đ/lít. Nhưng chỉ vài ngày sau khi khởi công, ngày 22.11.2007 giá nhiên liệu đã tăng 10.250 đ/lít. Ngày 25.2.2008 tăng tiếp lên 13.950 đ/lít và ngày 21.7.2008 là 15.950 đ/lít. Nhiều công trình do các đơn vị khác thi công đã phải dãn hoặc tạm dừng do nguồn vốn theo giá cũ không đáp ứng nổi cho việc cung ứng nhiên, nguyên vật liệu theo giá thị trường. Do bị Nhà nước chậm thanh toán chênh lệch giá, chậm thanh toán khối lượng, nên Vinawaco còn bị nợ khoảng hơn 100 tỉ đồng, phải chịu lãi ngân hàng, gây thiếu vốn dây chuyền cho các công trình khác.
Trong khi trượt giá và lạm phát đang làm teo tóp đồng vốn DN, lãi suất ngân hàng cao, việc chậm thanh toán vốn khác nào đẩy DN vào thua lỗ. Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự thua lỗ này.
lđ
|