Thứ Năm, 07/08/2008 12:45

Quản chặt giao dịch cổ phiếu ngân hàng, vì sao?

Ngân hàng Quân đội (MB) mới đây ra thông báo, từ ngày 31/7 Ngân hàng tạm thời ngưng làm thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét có văn bản chấp thuận mới tiếp tục. Tháng trước, cổ phiếu này cũng phải tạm ngưng chuyển nhượng gần chục ngày với lý do tương tự. Việc làm này là tuân theo Quyết định 1122 của NHNN về quản lý cổ đông, cổ phiếu tại các ngân hàng thương mại, thế nhưng cũng gây cho không ít NĐT thiếu thông tin hiểu nhầm và đồn đoán MB "có chuyện" gì chăng?

Trong vòng 2 tháng trở lại đây, MB được đánh giá là cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường OTC. Có mặt tại trụ sở của ngân hàng này tại Liễu Giai (Hà Nội) mới thấy, khu vực làm thủ tục chuyển nhượng tấp nập đến nhường nào, người ta mang cả valy, bao tải đựng tiền rồi cả máy đếm tiền để giao dịch cho tiện. Ngoài hoạt động kinh doanh của Ngân hàng được đánh giá tương đối tốt, tính thanh khoản của cổ phiếu MB nằm ở chỗ, thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu đơn giản, thuận tiện và cực nhanh. Tại đây, người ta chỉ cần có chứng minh thư của cổ đông, chứ không cần người đó phải có mặt trực tiếp như những ngân hàng khác, thời gian chỉ mất vài phút là có thể sang tên, hoàn tất thủ tục chuyển nhượng.

Cả dân môi giới và NĐT lướt sóng do vậy đều khoái nhập, xuất hàng MB. Những ngân hàng khác phải mất tới 7 ngày, thậm chí có ngân hàng tới 2 tuần thì mới có thể sang tên, chuyển nhượng được. Nhắc đến những vụ mua bán liên quan đến cổ phiếu VCB chẳng mấy tay môi giới thích làm bởi Ngân hàng và CTCK VCBS, đơn vị được ủy quyền quản lý sổ cổ đông VCB quy định thủ tục rất chặt chẽ.

Trên thị trường, khi MB có thông báo tạm ngưng làm thủ tục chuyển nhượng, một số NĐT kháo nhau rằng, có đại gia từ miền Nam ra gom tới 1 triệu cổ phiếu MB mà HĐQT không nắm được, nên Ngân hàng phải tạm ngừng xác nhận thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, theo thông báo của MB, họ dừng xác nhận thủ tục chuyển nhượng từ ngày 31/7 là thực hiện theo đúng quy định của NHNN. Điều 14, Quyết định 1122 quy định, khi tổng mức chuyển nhượng cổ phiếu có ghi tên (kể từ lần chuyển nhượng gần nhất được đăng ký tại NHNN) vượt quá 20% vốn điều lệ phải được NHNN chấp thuận. Một cán bộ Phòng Quản lý cổ đông, MB cho biết, trong gần một tháng qua, giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu MB đã vượt 400 tỷ đồng (tính theo mệnh giá), chạm ngưỡng 20% vốn điều lệ, thời gian cổ phiếu tiếp tục được giao dịch chuyển nhượng chưa thể xác định được, mà phải chờ NHNN - Chi nhánh Hà Nội xem xét hồ sơ, xác nhận và ra thông báo chấp thuận, cổ phiếu mới được giao dịch tiếp.

Tại sao giao dịch cổ phiếu ngân hàng lại chịu quy định chặt chẽ như vậy? Lý do chính, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến sự vận hành của cả nền kinh tế, nên cần có sự kiểm soát đặc biệt. Theo quy định, ngân hàng phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó ghi rõ tên cổ đông, địa chỉ, số lượng cổ phần từng loại của mỗi cổ đông, tổng số cổ phần của mỗi cổ đông, ngày đăng ký cổ phần. Sổ đăng ký cổ đông phải được lưu giữ tại trụ sở chính của ngân hàng thương mại cổ phần. Định kỳ 6 tháng một lần, ngân hàng phải có báo cáo bằng văn bản cho Chi nhánh NHNN, nơi ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính biết nếu có sự thay đổi.

Với trường hợp giao dịch sôi động như trên, MB phải lập hồ sơ gửi tới NHNN, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, NHNN - Chi nhánh Hà Nội sẽ kiểm tra việc chuyển nhượng cổ phần trước khi thay đổi để đảm bảo vốn cổ phần của cổ đông là hợp pháp và có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng được chuyển nhượng cổ phần hoặc không chấp thuận (nếu xét thấy hồ sơ không đảm bảo quy định, việc thay đổi cổ phần có nguy cơ mất ổn định trong hoạt động ngân hàng).

Một quy định chặt chẽ nữa đối với các ngân hàng so với doanh nghiệp thông thường khác là giá chào bán cổ phần không được thấp hơn mệnh giá cổ phần tại thời điểm chào bán. Năm 2008, không ít ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ, trong khi thị giá cổ phiếu hiện dưới mệnh giá. Trong khi đó, Điều 87, Luật Doanh nghiệp quy định về chào bán và chuyển nhượng cổ phần của các doanh nghiệp nói chung không có điều kiện nào ràng buộc doanh nghiệp phải bán cổ phần với giá lớn hơn mệnh giá.

đtck

Các tin tức khác

>   Không nên cổ phần hóa lấy được (07/08/2008)

>   Thông báo bán đấu giá cổ phần của SCIC tại CTCP Thương mại IA GRAI ngày 22/08/2008 (07/08/2008)

>   Thông báo bán đấu giá cổ phần của SCIC tại CTCP Vật liệu xây dựng ĐăkNông ngày 21/08/2008 (07/08/2008)

>   SCIC: Bán đấu giá cổ phần CTCP TM Vật tư Nông nghiệp Krong Buk ngày 21/08/2008 (07/08/2008)

>   SCIC: Bán đấu giá cổ phần tại CTCP In Nam Định (07/08/2008)

>   Lao động ngành dệt may: Biến động cả về lượng và chất (07/08/2008)

>   Đắc Lắc: Xuất khẩu 7 triệu USD mật ong, đứng đầu cả nước (07/08/2008)

>   Doanh nghiệp thời lạm phát: “Giữ chân” công nhân bằng nhà ở (07/08/2008)

>   CTCP XNK Thủy sản Năm Căn bị phạt 30 triệu đồng (07/08/2008)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Giao nhận vận tải và thương mại (06/08/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật