Không nên cổ phần hóa lấy được
Trước thực trạng cổ phần hoá (CPH) khó có thể bảo đảm đúng lộ trình, đã có nhiều đề xuất đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sở hữu DNNN. Tuy nhiên, PGS. TS Đặng Văn Thanh (ảnh), nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, tiến trình CPH không được phép nóng vội.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, để đẩy nhanh tiến trình CPH, Nhà nước nên tiến hành CPH và giữ cổ phần tuyệt đối (90 - 95%), thậm chí giữ tới 99% vốn trong DN?
Tiến trình CPH đã được luật hoá, tuy nhiên việc CPH trong hơn 1 năm vừa qua chậm trễ có nhiều lý do. Mặc dù dấu hiệu không hoàn thành mục tiêu CPH đã dần hiện rõ, nhưng không vì thế mà lại nóng vội, điều quan trọng trong lúc này là phải bám sát vào mục tiêu đã đặt ra. Nhà nước chỉ nên giữ cổ phần chi phối đối với DN hoạt động sản xuất - kinh doanh trong những lĩnh vực cần nắm giữ, còn lại phải để cho các thành phần khác tham gia. Nếu Nhà nước nắm giữ 80 - 90% cổ phần, chứ chưa nói tới tỷ lệ 95 - 99% như một số đề xuất nêu, thì với số cổ phần còn lại, cổ đông (chủ yếu là người lao động trong DN) không có tác dụng gì trong việc thay đổi quản lý, đổi mới quản trị DN. Và như vậy, dù có CPH đi chăng nữa thì mục tiêu quan trọng nhất trong CPH là huy động vốn của NĐT trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn không đạt được.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc tìm được cổ đông chiến lược mất nhiều thời gian nên cứ CPH trước, rồi khi nào có cổ đông chiến lược, Nhà nước bán cổ phần của mình cũng chưa muộn?
Cổ đông chiến lược là nhân tố vô cùng quan trọng, nếu thực hiện theo đề xuất này thì ai dám chắc khi nào mới tìm được cổ đông chiến lược. Giả sử sau CPH một thời gian mà không có cổ đông chiến lược tham gia vào DN thì câu hỏi đặt ra là CPH để làm gì? Tôi cho rằng, để bảo đảm lộ trình sắp xếp, đổi mới DNNN thì trước mắt phải chuyển đổi DNNN thành công ty TNHH nhà nước một thành viên và tuỳ vào tình hình thực tế sẽ đưa ra tiến trình CPH phù hợp, chứ không nên CPH lấy được, sẽ chẳng có ý nghĩa gì trong việc đổi mới, sắp xếp DNNN.
Tuy nhiên, nếu không CPH theo đúng tiến độ thì vi phạm Luật Doanh nghiệp, thưa ông?
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, việc chuyển đổi DNNN được thực hiện theo lộ trình hàng năm, nhưng chậm nhất trong thời hạn 4 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực (ngày 1/7/2006), DNNN phải chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Như vậy, Luật đâu có bắt buộc DNNN phải CPH mà còn được lựa chọn phương thức chuyển thành công ty TNHH. Theo tôi, trong bối cảnh CPH khó khăn thì nên đẩy mạnh việc chuyển DNNN thành công ty TNHH, bởi mô hình mới cũng thay đổi đáng kể phương thức quản lý, quản trị DN. Tất nhiên, CPH vẫn là mục tiêu xuyên suốt nên khi nào có điều kiện, công ty TNHH phải tiến hành CPH ngay.
Có nghĩa là, mặc dù tiến trình CPH gặp khó khăn, nhưng vẫn phải bám chặt vào Nghị định 109/2007/NĐ-CP?
Quá trình CPH đã đi được một khoảng thời gian tương đối dài với nhiều lần thay đổi cơ chế, chính sách. Chính sách ban hành sau đều tạo thuận lợi hơn để thúc đẩy CPH từ việc định giá DN, quy trình CPH, giải quyết chính sách, chế độ cho người lao động... Nghị định 109 vẫn còn phù hợp, vì thế tôi cho rằng, nên tiếp tục áp dụng các biện pháp CPH theo nghị định này, trong đó phải dành một tỷ lệ cổ phần tương xứng để bán cho cổ đông bên ngoài, còn một phần dành cho người lao động, tỷ lệ này ít nhất là 20 - 30%. Nếu bán cổ phần với tỷ lệ quá nhỏ thì NĐT chiến lược, đặc biệt là NĐT chiến lược nước ngoài, không muốn tham gia vì họ không dại gì bỏ vốn vào mà lại không được tham gia quản lý, điều hành.
Gắn CPH với TTCK là mục tiêu chiến lược mà Bộ Tài chính theo đuổi, thế nhưng trong bối cảnh thị trường hiện nay, làm sao DN có thể IPO được, thưa ông?
Tôi nghĩ, trong bối cảnh hiện nay vẫn có thể gắn CPH với TTCK. Thực tế cho thấy, TTCK từ nửa cuối năm 2006 đến hết năm 2007 không phản ánh đúng giá trị thực của DN, NĐT tham gia IPO chủ yếu là những người muốn "đánh nhanh thắng nhanh", không quan tâm đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, chiến lược phát triển của DN, mà chỉ quan tâm giá cổ phiếu tăng thế nào. Còn với tình hình hiện nay, NĐT muốn gắn bó lâu dài với DN mới tham gia IPO và chỉ có cổ phiếu của DN hoạt động tốt, có chiến lược phát triển vững chắc mới có thể IPO thành công. Tôi cho rằng, đây là thời điểm tốt nhất để DN và NĐT tìm đến nhau.
TTCK đang "rất yếu", nếu tiếp tục IPO sẽ khiến thị trường "yếu" thêm?
Tôi không lo ngại việc IPO sẽ khiến TTCK tiếp tục đà suy giảm. TTCK Việt Nam chưa thể hy vọng tăng trưởng như thời kỳ 2006 - 2007, nhưng nhiều yếu tố cho thấy, thị trường sẽ dần ổn định trở lại. Lý do là, trong thời kỳ suy giảm vừa qua, hàng loạt cổ phiếu đã về đúng giá trị thực của nó, thậm chí có không ít cổ phiếu xuống thấp hơn giá trị thực, nên sẽ phải tăng trở lại. Câu hỏi đặt ra là: nếu tiếp tục IPO thì TTCK sẽ phản ứng thế nào? Tôi chắc rằng, NĐT sẽ đón nhận một cách tích cực. Thứ nhất, lượng tiền nhàn rỗi trong dân chúng không thiếu. Thứ hai, giá cổ phiếu đã về giá trị thực, chứ không bị "làm giá" như thời kỳ TTCK tăng trưởng nóng nên NĐT dài hạn yên tâm với khoản đầu tư của mình.
đtck
|