Lao động ngành dệt may: Biến động cả về lượng và chất
Công nhân (CN) lành nghề "nhảy" việc, CN mới dễ nản lòng vì áp lực công việc. DN, dĩ nhiên phải liên tục tuyển dụng... Tìm hiểu LĐ dệt may tại một số DN hiện nay, mới thấy rõ một thực tế nhãn tiền: Đội ngũ LĐ không chỉ biến động về số lượng mà còn yếu trầm trọng về chất lượng.
Thạo việc = 2 tháng ĐT + 2 năm KN
Cty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex) có hơn 3.100 LĐ thì CN trực tiếp sản xuất (SX) chiếm 90%. LĐ trẻ liên tục được tuyển thế chỗ cho số LĐ nghỉ việc chỉ sau 1 - 2 tháng đầu. Đã có 600 CN nghỉ việc, song Cty mới tuyển bù hơn một nửa. Cty thậm chí sẵn sàng nhận LĐ trình độ... tiểu học, riêng CN có tay nghề thì nhận ngay không qua thử việc.
Bà Nguyễn Kim Ngân - Phó phòng QTNS lý giải: "Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác, trong khi các đơn hàng liên tục chồng chất, buộc phải tuyển CN rồi tiến hành ĐT dần". Tuy nhiên, theo bà Ngân, thời gian ĐT 2 tháng xem ra... không nhằm nhò gì vì CN chưa bắt nhịp được công việc, thậm chí phải mất hai năm mới có thể đảm bảo hiệu quả SX.
Tình trạng này cũng diễn ra tại Cty CP Dệt kim Đông Xuân (Doximex), bởi kể cả CN đã qua ĐT cũng phải mất một năm mới thạo việc. Theo bà Nguyễn Kim Trang - chuyên viên ĐT phòng Nghiệp vụ, LĐ đã qua ĐT vẫn lúng túng khi làm quen với quy trình SX, chưa có ý thức tiếp thu công việc. Dệt may là ngành đòi hỏi ở người LĐ sự tỉ mỉ, kiên trì và năng khiếu, chính vì vậy những ai thiếu kiên trì và thiếu khéo léo sẽ bị loại thải.
Ngay ở Nam Định - địa bàn có số DN ngành dệt may khá lớn với gần 40 DN, việc biến động CN vẫn thường xuyên xảy ra. Cty TNHH Youngone Nam Định có gần 1.500 CN bỏ việc trong năm qua. LĐ chủ yếu tận dụng lúc nông nhàn, làm việc thời vụ, tình trạng CN tự ý bỏ việc như... cơm bữa, khiến nhiều DN đành chấp nhận thế bị động.
Thực tế, dệt may vẫn là ngành thu nhập thấp nên khó hấp dẫn LĐ. Một CN tên Tuyên ở Hanosimex chia sẻ: "Liên tục tăng ca thì mỗi tháng tôi mới được 2,5 triệu. CN nữ không thể làm nhiều công hơn nam do sức khỏe, con mọn, cố hết sức cũng chỉ được 1,7 triệu". Nhiều LĐ có tay nghề, kinh nghiệm tại đây cho biết đang có ý định "nhảy" việc. LĐ ngoại tỉnh cũng đang có xu hướng bỏ việc về quê vì mức sống "dễ thở" hơn. DN đành lâm vào tình thế vừa "lo làm chuồng", lại vừa "sợ mất bò".
Vừa ĐT, vừa "giữ chân" người tài
Hanosimex bỏ ra hai tháng ĐT miễn phí cho CN mới. Doximex cũng dành 3 tháng đầu cho CN mới học nghề miễn phí, được bù lương học việc. Riêng lĩnh vực dệt kim thì Cty cũng phải bỏ thêm thời gian để ĐT từ đầu bởi hiện chưa có nhiều cơ sở ĐTN dạy về ngành này. Ngoài ra, để nâng cao tay nghề cho CN, Cty xây dựng các dây chuyền làm việc nhóm. "CN làm việc nhóm sẽ hỗ trợ nhau về nghiệp vụ, biết thêm nhiều công đoạn SX để hoàn thiện tay nghề" - bà Trang cho biết.
ĐT là một nhẽ, việc tích cực giữ chân LĐ lành nghề cũng được DN đặt lên hàng đầu.
Các Cty CP chủ yếu vẫn đặt ra các hình thức thi đua CN đảm tay nghề, bình xét có thưởng cho thợ giỏi... Còn DN có vốn đầu tư nước ngoài thì đóng 100% BHXH cho CN, thưởng cao để khích lệ CN, chú trọng đến đời sống tinh thần của CN như tổ chức ca nhạc, dạ tiệc, xây dựng SVĐ để CN vui chơi giải trí. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những biện pháp trước mắt. Về lâu dài, nhiều DN đang hướng đến việc chuyển xưởng sản xuất về các địa phương hoặc liên kết với đối tác ở địa phương gia công sản phẩm nhằm tận dụng nguồn LĐ tại chỗ.
lđ
|