4 “cú hích” cho giá cổ phiếu ngân hàng
Cổ phiếu ngân hàng trên thị trường tự do (OTC) đang bước vào một đợt tăng mới, do 4 “cú hích” chính.
Trên cơ sở các giao dịch thành công, khảo sát giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC cho thấy một xu hướng tăng giá đang hình thành.
Theo tổng hợp của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), giá cổ phiếu của hầu hết các nhà băng đều đã tăng khá mạnh so với thời điểm đầu tháng 8 và tiếp cận mốc đỉnh của đợt sôi động trung tuần tháng 7 trước đó.
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán sụt giảm kéo dài. Cùng nằm trong mạch vận động này, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng đã sụt giảm mạnh, nhiều trường hợp có thị giá xuống sát và dưới cả mệnh giá.
Nhưng nay, tình hình đã cải thiện. Giá cổ phiếu của Ngân hàng Quân đội (MB) có thời điểm từng xuống mức 13.000 đồng/cổ phiếu, nay đã lên mức 17.000 đồng (mức cao nhất theo số liệu của SSI). Trên thị trường OTC, một số thông tin rao có giá lên tới 19.700 đồng/cổ phiếu trong ngày 12/8. Trong đợt phục hồi trung tuần tháng 7, mức giá cao nhất của cổ phiếu này ghi nhận ở mốc 16.000 đồng/cổ phiếu.
Tăng mạnh nhất trong nhóm “cổ phiếu vua” này hiện là của Ngân hàng Kỹ thương Techcombank, với mức cao nhất lên tới 3 lần mệnh giá, vượt cả đỉnh phục hồi trong tháng 7 là 2.5 lần mệnh giá.
Giá cổ phiếu của một số ngân hàng khác như Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank), Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng Đông Á (EAB), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank)… cũng đã tăng trở lại so với thời điểm đầu tháng 8 này.
Diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC phản ánh khá sát với xu hướng chung của thị trường niêm yết. Ngoài ra, diễn biến phục hồi nói trên có thể xác định từ 4 “cú hích” chính ở thời điểm này.
Thứ nhất, xuất phát từ yếu tố nội tại của các ngân hàng. Sau một thời gian dài khó khăn về thanh khoản, từ cuối tháng 7 đến nay, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, khó khăn trên cơ bản đã được khắc phục, vốn khả dụng của hệ thống đã dư thừa, hoạt động của các thành viên đã dần ổn định hơn.
Một biểu hiện cụ thể là lãi suất huy động VND của tất cả các ngân hàng đã giảm mạnh, hiện phổ biến dưới 18%/năm; nhiều thành viên đồng loạt áp dụng dưới mốc 17%/năm. Điểm đáng chú ý là lãi suất huy động đã được cơ cấu hợp lý hơn theo các kỳ hạn, thay vì việc áp dụng đồng loạt trong thời điểm khó khăn thanh khoản, “gọi vốn bằng được” thời gian qua.
Lãi suất huy động USD cũng đã giảm mạnh xuống dưới mốc 6,5%/năm (kỳ hạn 6 tháng), thay cho đỉnh lên tới 8,5%/năm của cuộc đua nóng sốt trước đó. Báo cáo những tuần gần đây cho thấy các ngân hàng không còn nhu cầu đăng ký mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định tạm ngừng cấp phép thành lập các ngân hàng mới. Thông tin này được đánh giá cao ở khả năng giảm thiểu sức ép cạnh tranh và khó khăn trong ngắn hạn đối với hoạt động ngân hàng, xét ở khía cạnh số lượng và thị phần. Xa hơn, một số lượng thành viên hợp lý sẽ tạo sự ổn định hơn trong những năm tới đối với hoạt động và triển vọng phát triển của các thành viên.
Hiện thời điểm Ngân hàng Nhà nước “mở cửa” trở lại chưa xác định, nhưng chắc chắn sẽ có một khoảng thời gian để cơ quan này xây dựng và điều chỉnh lại những điều kiện cấp phép mới, cũng như có thêm thời gian để các đề án, hồ sơ xin lập ngân hàng đối chiếu để đáp ứng những sửa đổi đó.
Thứ ba, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước có thông tin khẳng định các ngân hàng thương mại được phép mua lại cổ phiếu của chính mình. Mặc dù thực tế thời gian qua một số ngân hàng như Ngân hàng An Bình (ABBank), Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), hay Sacombank trên sàn niêm yết đã thông báo mua lại cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu giảm sâu (đầu năm 2008), nhưng thông tin này vẫn được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao ở tính cơ chế với hy vọng có những giao dịch lớn hỗ trợ giá thời gian tới.
Thứ tư, liên tiếp trong khoảng một tháng trở lại đây, thông tin giao dịch của những cổ đông lớn đến với thị trường được xem như một nguồn lực tiếp sức mới.
Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) chính thức bán thêm 5% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược OCBC (tập đoàn tài chính lớn thứ 3 tại Singapore). Mỗi nhà đầu tư tiếp nhận và xem xét giao dịch này với những quan điểm khác nhau, nhưng mức giá 4,05 lần mệnh giá mà OCBC trả cho VPBank là một yếu tố để tham khảo (mức giá này được điều chỉnh từ 4,5 lần của lần đàm phán trước đây do phản ảnh sự pha loãng giá trị sau khi ngân hàng này tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng).
Tương tự, thông tin được chú ý nhất hiện nay trong nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC là sự kiện HSBC tăng tỷ lệ sở hữu tại Techcombank. Đây cũng là trường hợp đầu tiên một ngân hàng ngoại được nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% tại một ngân hàng nội. Mức giá cụ thể chưa công bố, nhưng có thể xem đây là một yếu tố thúc đẩy cổ phiếu Techcombank tăng giá mạnh nhất trên thị trường OTC thời điểm này.
Trước đó, một trường hợp khác là Ngân hàng Maybank (Malaysia) mua lại cổ phần của Ngân hàng An Bình (ABBank) với giá lên tới 5,5 lần mệnh giá, dù giá thực tế cổ phiếu ngân hàng này thấp hơn nhiều trên thị trường tự do.
Về giá từ những giao dịch trên, có những nhận định khác nhau, nhưng có một giá trị không thể phủ nhận là các đối tác chiến lược tiếp tục thể hiện sự quan tâm và gắn bó với các ngân hàng Việt Nam, dù đã và đang trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ cuối những năm 90 trở lại đây.
Tất nhiên, giá cổ phiếu của một doanh nghiệp luôn gắn với tình hình hoạt động thực tế cũng như triển vọng phát triển trong tương lai, cũng như chịu tác động từ nhiều yếu tố khác trên thị trường. Nhưng với sự nhạy cảm của thị trường chứng khoán, những “cú hích” trên đã và đang có những tác động nhất định.
tbktvn
|