Thứ Ba, 10/06/2008 10:43

“SCIC gặp khó vì doanh nghiệp đầu tư dàn trải”

Với tư cách là đại diện duy nhất chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) gặp nhiều khó khăn trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Chính vì vậy, theo ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc SCIC, cần phải có những hình thức quản lý và kinh doanh vốn linh hoạt hơn thì quá trình cổ phần hóa mới đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả.

Đầu tư dàn trải quá!

SCIC đánh giá thế nào về những tồn tại của doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa, thưa ông?

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước gặp phải những tồn tại trước khi cổ phần hoá nhưng không được giải quyết dứt điểm, nên khi chuyển sang công ty cổ phần lại phải gánh chịu những khoản nợ không có khả năng thu hồi, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tài chính.

Bên cạnh đó, khi chuyển sang hình thức cổ phần thì việc xử lý quyền và lợi ích của các cổ đông cũng chưa được giải quyết tốt nên xảy ra hiện tượng một nhóm cổ đông lớn thâu tóm, quyết định mọi việc của công ty.

Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp khi còn thuộc quản lý của Nhà nước thì được hưởng nhiều ưu đãi nhất định trong việc cho thuê đất, cấp quỹ đất, vay vốn, nhưng khi chuyển sang công ty cồ phần thì dễ phải đối mặt với việc bị thu hồi quỹ đất, vay vốn khá khó khăn.

Về phía các doanh nghiệp, vấn đề gì là khó khăn nhất sau cổ phần hóa mà họ đã phản ánh với SCIC, thưa ông?

Hầu hết các doanh nghiệp đều phản ánh khó khăn lớn nhất của họ gặp phải sau cổ phần hóa là những vấn đề về quản trị doanh nghiệp.

Sở dĩ như vậy là bởi, sau khi cổ phần hóa, ngoài những thuận lợi nhất định thì vẫn còn những tồn tại, khó khăn chưa thể giải quyết dứt điểm, kể cả vấn đề quản trị, quản lý doanh nghiệp.

Vì vậy, theo tôi, những doanh nghiệp này cần phải được tiếp cận với phương thức quản trị tiên tiến của thế giới. Đặc biệt là phải có chiến lược cơ cấu lại cổ đông, vốn điều lệ… để các nhà đầu tư có năng lực về vốn, kinh nghiệm quản trị cùng tham gia giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn.

Trở ngại lớn nhất của SCIC trong việc quản lý vốn ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa là gì, thưa ông?

Trở ngại lớn nhất của SCIC hiện nay là phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp đang được đầu tư dàn trải quá.

Chính vì vậy, để sử dụng và quản lý nguồn vốn này hiệu quả hơn, trước mắt cũng như lâu dài, cần bán bớt hoặc bán hết phần vốn Nhà nước đầu tư ở các công ty, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Số tiền thu được sẽ dùng để đầu tư vào các dự án có hiệu quả hơn.

Hiện SCIC đang tiếp xúc với hơn 100 tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Đây là những tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, quản trị doanh nghiệp. SCIC đã mời nhiều tổ chức giúp các doanh nghiệp mà SCIC có đầu tư vốn thực hiện nghiên cứu chiến lược phát triển, cơ cấu lại công ty.

Cần mở thêm hình thức bán vốn

Việc bán bớt vốn Nhà nước có tác động thế nào đến hoạt động của SCIC?

Theo tôi thì không ảnh hưởng nhiều bởi vai trò của SCIC là một công cụ hỗ trợ Chính phủ trong cải cách và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Việc bán bớt vốn Nhà nước ở các công ty cổ phần cũng là quá trình tiếp theo của cổ phần hóa và cổ phần hóa cũng là quá trình tiếp theo của cải cách doanh nghiệp Nhà nước.

Do đó, việc bán bớt vốn sẽ giúp tập trung nguồn lực cho các dự án lớn, dự án tốt nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn cũng như giúp cho quá trình cổ phần hóa hiệu quả hơn.

Dưới góc độ công ty cổ phần, khi danh mục đầu tư càng lớn trong khi có càng nhiều công ty kinh doanh không tốt thì rủi ro càng lớn. Chính vì vậy, cần tăng cường bán bớt vốn ở những đơn vị nhỏ hoạt động không hiệu quả và về lâu dài Nhà nước không cần nắm giữ vốn ở đó. Trên thực tế, có nhiều công ty có tỉ suất lợi nhuận rất cao nhưng chúng tôi vẫn bán.

Theo ông, SCIC cần cơ chế như thế nào để quản lý vốn Nhà nước hiệu quả hơn?

Về cơ chế, chúng tôi cũng đang nghiên cứu xây dựng nhưng vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành. Hiện SCIC đang kiến nghị làm thế nào để thoái vốn một cách nhanh nhất, có hiệu quả nhất thông qua việc mở rộng các hình thức bán vốn.

Có nghĩa là, ngoài hình thức bán cổ phần Nhà nước qua đấu giá như hiện nay, cần mở thêm một số hình thức như: bán thỏa thuận, căn cứ vào giá niêm yết trên thị trường chứng khoán để đàm phán bán vốn cho các nhà đầu tư khác.

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý vốn của Nhà nước ở các công ty sau cổ phần hóa cũng là vấn đề đáng phải quan tâm. Để việc quản lý có hiệu quả, SCIC phải thực sự là một cổ đông được thực hiện quyền và nghĩa vụ của cổ đông đúng theo Luật Doanh nghiệp và theo quy định điều lệ của các công ty này. Khi doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thì vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp này cũng sẽ tăng trưởng theo.

tbktvn

Các tin tức khác

>   "Phớt lờ" chỉ thị của Thủ tướng (10/06/2008)

>   CTCP Công nghiệp Tàu thuỷ và Vận tải Cần Thơ: Chuyển đổi từ DNNN sang CTCP (10/06/2008)

>   ĐHĐCĐ thành lập Tcty cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội (10/06/2008)

>   Góp tiền đền bù vào dự án: Làm sao để lợi cả đôi bên? (10/06/2008)

>   Hậu trường việc đổi thương hiệu của Pacific Airlines (10/06/2008)

>   Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam (09/06/2008)

>   Vi phạm pháp luật, tham nhũng bị thu hồi cổ phiếu (09/06/2008)

>   Sacomreal hợp tác với Tín Nghĩa (09/06/2008)

>   EVN Telecom cổ phần hoá trong năm 2008 (09/06/2008)

>   Ðưa dây chuyền sản xuất thùng các-tông vào hoạt động (09/06/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật