Lương Sơn, Hoà Bình:
"Phớt lờ" chỉ thị của Thủ tướng
Mặc dù đã có lệnh cấm của Thủ tướng Chính phủ, nhưng UBND tỉnh Hoà Bình vẫn ra quyết định thu hồi hơn 71.490,8m2 đất tại xóm Dân Lập, xã Yên Bình, huyện Lương Sơn để giao cho Cty CP thương mại quốc tế Thành Như làm dự án biệt thự nhà vườn. Vụ việc đang gây bức xúc dư luận.
Chính phủ cấm, tỉnh vẫn... cứ làm
Ngày 4.3.2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Chỉ thị số 260, trong đó nêu rất rõ: Các dự án quy hoạch liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội thuộc địa giới Hà Nội mở rộng được lập, nhưng chưa được phê duyệt thì tạm dừng lại.
Đối với các đồ án quy hoạch, các dự án khu đô thị, khu dân cư và các dự án khác liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội thuộc địa giới Hà Nội mở rộng được lập từ sau ngày chỉ thị này có hiệu lực, khi xem xét phê duyệt phải được sự thoả thuận của Bộ Xây dựng.
Vậy mà chỉ 17 ngày sau khi có chỉ thị nêu trên, UBND tỉnh Hoà Bình đã ra Quyết định 682/QĐ-UBND (ký ngày 21.3) để thu hồi và giao 71.490,8m2 đất tại xóm Dân Lập, xã Yên Bình, huyện Lương Sơn cho Cty CP thương mại quốc tế Thành Như để Cty này thực hiện dự án biệt thự nhà vườn.
Theo phản ánh của người dân địa phương, đây là khu đất nằm trong vùng quy hoạch mở rộng Hà Nội, do đó phải chấp hành theo Chỉ thị 260 của Thủ tướng, bởi vậy việc UBND tỉnh Hoà Bình thu hồi và giao đất cho Cty CP thương mại quốc tế Thành Như theo quyết định nêu trên là có dấu hiệu cố ý làm trái với chỉ thị của Thủ tướng.
Cũng theo phản ánh của những người dân, việc thực hiện Quyết định 682/QĐ-UBND đang đẩy hàng mấy chục hộ dân đứng trước nguy cơ vô gia cư, không có nơi sinh sống. Bởi việc thu hồi đất cho dự án nêu trên, người dân đang sử dụng đất bị thu hồi không được đền bù với lý do: Dân sử dụng đất không có sổ đỏ (?).
Ông Đặng Hồng Phong - người dân của xóm Dân Lập - bức xúc: "UBND tỉnh Hoà Bình ra quyết định thu hồi đất để bán đấu giá và cho Cty tư nhân kinh doanh, đẩy chúng tôi ra đường mà không bố trí tái định cư thì chúng tôi biết đi đâu bây giờ?".
Quyền hợp pháp bị từ chối
Từ năm 1988, hàng chục hộ dân tới khu Lô Cốt đất bỏ hoang hoá ở xã Yên Bình, huyện Lương Sơn để khai khẩn và dựng nên một xóm dân cư sinh sống ổn định cho tới nay mà không hề xảy ra tranh chấp.
Ông Đặng Văn Quý (46 tuổi) - ở thôn Dân Lập - cho biết: "Gia đình tôi và nhiều bà con ở xóm Dân Lập được Đảng uỷ và UBND xã Yên Bình cho phép khai hoang tại khu Lô Cốt vào những năm Đảng và Nhà nước khuyến khích khai khẩn đất hoang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. 20 năm, chúng tôi bỏ ra nhiều công sức để khai khẩn đất hoang, xây dựng nhà cửa, trồng cây ăn quả... trên mảnh đất này".
Việc số hộ dân này đến đây khai hoang xây dựng nhà cửa, vườn tược để trồng trọt, chăn nuôi và không có tranh chấp đã được chính quyền xã Yên Bình xác nhận và chứng thực.
Theo Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 84/2007/NĐ-CP (ngày 25.5.2007) thì đất của các hộ dân xóm Dân Lập đủ tiêu chuẩn để cấp sổ đỏ. Theo điều 29 của Nghị định 84 thì: Đất kinh doanh phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không phải do Nhà nước giao, cho thuê đã sử dụng trước ngày 1.7.2004, được tiếp tục sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích phi nông nghiệp, không phải nộp tiền sử dụng đất khi được phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở, được bồi thường về đất theo giá đất ở khi Nhà nước thu hồi đất.
Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Văn Hà khẳng định: "Chúng tôi đã làm công văn kiến nghị với UBND huyện Lương Sơn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho số hộ dân sinh sống tại xóm Dân Lập, nhưng không được chấp thuận (?)".
Ngày 22.5, khi chúng tôi đến UBND huyện Lương Sơn để tìm hiểu việc vì sao người dân xóm Dân Lập không được cấp sổ đỏ thì ông Chủ tịch UBND huyện đã từ chối trả lời và còn nói với chúng tôi: "Ai cho các chú vào đây? Lên tỉnh mà hỏi...".
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hoà Bình Bùi Quang Khành (ngày 30.5) thì nếu đất của những hộ dân này không có tranh chấp thì đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Nhưng ở đó đang xảy ra tranh chấp đất giữa các hộ dân và một đơn vị quân đội.
Trước câu hỏi "vì sao đang xảy ra tranh chấp với đơn vị quân đội mà UBND tỉnh Hoà Bình vẫn ra quyết định thu hồi đất để giao cho Cty Thành Như làm dự án?", ông Khành đã phải "tiết lộ": "Đơn vị quân đội này cũng không có giấy tờ chứng minh sở hữu hợp pháp của mình".
Tức là, cũng không có sự tranh chấp giữa đơn vị quân đội và các hộ dân, bởi đơn vị này không có tư cách pháp nhân trong vụ việc. Vậy nhưng đó lại là cái cớ để các cấp chính quyền tỉnh địa phương trì hoãn việc cấp sổ đỏ cho người dân. Và giờ đây, chính quyền địa phương đã lấy lý do đất dân không có sổ đỏ để thu hồi và cấp đất cho DN mà bất chấp lệnh cấm của Chính phủ.
Về việc người dân đang sinh sống ổn định tại xóm Dân Lập, ông Khành cho biết: "Khi tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất, tôi đã đi kiểm tra và không thấy có người dân sống ở khu vực này".
Nhưng với những hình ảnh về những ngôi nhà kiên cố của người dân trong khu xóm Dân Lập do chúng tôi cung cấp, ông Khành phải thừa nhận: "Khu vực này tôi chưa đến. Có lẽ họ đã đưa tôi đến không đúng chỗ".
Vậy thì ngoài việc cấp đất cho DN trái lệnh Chính phủ, liệu việc ra Quyết định 682/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hoà Bình để thu hồi đất của người dân nêu trên có đúng với Luật Đất đai?
lđ
|