Thứ Ba, 10/06/2008 06:40

Hậu trường việc đổi thương hiệu của Pacific Airlines

Đằng sau việc Pacific Airlines đổi tên thành Jetstar Pacific là gì? Thanh Niên đã trao đổi với ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Jetstar Pacific. Ông Nam cho biết:

- Việc đổi tên và thương hiệu của Pacific Airlines thành Jetstar Pacific được thực hiện theo Hợp đồng nhượng quyền thương hiệu (Brand Agreement) ký giữa Pacific Airlines (BL) và Jetstar Airways Pty Ltd của Úc (JQ) - hãng hàng không giá rẻ do Qantas Airways (cổ đông của Pacific Airlines) sở hữu. Theo hợp đồng này, bằng việc trả một khoản phí thương hiệu (0,2% doanh thu hằng năm của Pacific Airlines), công ty được quyền sử dụng thương hiệu Jetstar trong các hoạt động kinh doanh của mình. Hợp đồng nhượng quyền thương hiệu giữa Pacific Airlines với Jetstar Airways và việc đổi tên, thương hiệu của công ty phù hợp với các quy định của Luật Hàng không, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại của Việt Nam và thực tiễn, thông lệ quốc tế.

Bên cạnh Hợp đồng nhượng quyền thương hiệu, Pacific Airlines và Jetstar Airways còn có hợp đồng dịch vụ, theo đó Jetstar Airways cung cấp cho Pacific Airlines (tức Jetstar Pacific hiện nay) một số dịch vụ thương mại. Cục Hàng không dân dụng VN đã khẳng định các hợp đồng nhượng quyền thương hiệu và hợp đồng dịch vụ giữa Pacific Airlines (Jetstar Pacific) và Jetstar Airways không liên quan đến thương quyền vận chuyển hàng không của Pacific Airlines theo quy định của Luật Hàng không.

* Vậy có hay không việc bán thương quyền bay (nội địa, quốc tế) cho hãng hàng không nước ngoài ?

- Không có việc bán thương quyền bay cho Úc (Qantas Airways với mã QF, hoặc Jetstar với mã JQ). Jetstar Pacific (theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) - mang mã BL) là doanh nghiệp vận chuyển hàng không Việt Nam theo quy định của Luật Hàng không và Nghị định 76/2007 ngày 9.5.2007, được hưởng thương quyền bay nội địa, quốc tế theo luật Việt Nam. Tất cả các chuyến bay của Jetstar Pacific, mang mã BL của một hãng hàng không Việt Nam, không mang mã của hãng hàng không Úc (mã QF của Qantas Airways, hay mã JQ của Jetstar Airways). Theo Luật Hàng không và các hiệp định Chính phủ về hàng không giữa Việt Nam và các nước, mã chuyến bay là cơ sở xác định thương quyền khai thác của nhà vận chuyển (kể cả quyền khai thác theo hình thức liên danh "code share"). Điều đó khẳng định Qantas Airways và Jetstar Airways không được hưởng và không được khai thác thương quyền bay của Jetstar Pacific.

* Nhiều người lo ngại, Qantas Airways sẽ thu hồi vốn đầu tư thông qua phí thương hiệu, sau đó thôn tính doanh nghiệp trong nước?

- Jetstar Airways không phải là nhà đầu tư (investor) và cổ đông (shareholder) của Jetstar Pacific, mà là người nhượng quyền thương hiệu (lincensor). Ngoài ra, phí thương hiệu Jetstar Pacific (BL) trả cho Jetstar Airways (JQ) quá thấp để có thể nói đến việc thu hồi vốn đầu tư thông qua phí thương hiệu (nếu doanh thu năm của Jetstar Pacific đạt 100 triệu USD thì phí thương hiệu là 200.000 USD).

* Từ bài học của Coca Cola trước đây, người ta cho rằng rất dễ xảy ra tình trạng phía Việt Nam mất quyền kiểm soát doanh nghiệp?

- Khác với lĩnh vực nước giải khát, Luật Hàng không và Nghị định 76 cho phép đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp vận tải hàng không Việt Nam tối đa 49% (một nhà đầu tư tối đa 30%). Nếu điều này bị vi phạm, doanh nghiệp hàng không ngay lập tức bị thu hồi mọi thương quyền bay nội địa, quốc tế và phải ngừng hoạt động. Mặt khác, cơ cấu nhân sự của công ty không có bất kỳ thay đổi nào khi mang tên Pacific Airlines hay khi mang tên Jetstar Pacific. Nhân sự Hội đồng quản trị và Ban điều hành do các cổ đông (SCIC, Qantas Airways, Saigon Tourist) bổ nhiệm, không liên quan đến các hợp đồng ký với Jetstar Airways. Hội đồng quản trị công ty có 4 ủy viên Việt Nam (kể cả Chủ tịch), 2 ủy viên Úc. Ban điều hành có 4 vị trí chủ chốt người Việt Nam (tổng giám đốc, phó tổng giám đốc kỹ thuật, phó tổng giám đốc thương mại, kế toán trưởng), 2 vị trí người Úc (phó tổng giám đốc điều hành, phó tổng giám đốc tài chính) theo đúng quy định của Nghị định 76.

Ngoại trừ màu sơn máy bay, toàn bộ các hoạt động khai thác bay, khai thác mặt đất, bảo dưỡng máy bay, an toàn - an ninh hàng không không có gì thay đổi do việc đổi tên và thương hiệu từ Pacific Airlines sang Jetstar Pacific.

* Hiện tại trong các chương trình quảng cáo, tiếp thị, người ta chỉ thấy thương hiệu Jetstar chứ không thấy Jetstar Pacific. Điều này có vi phạm quy định của Cục Hàng không Việt Nam?

- Với Hợp đồng nhượng quyền thương hiệu, thương hiệu Jetstar (vốn là thương hiệu của Úc) trở thành thương hiệu của Jetstar Pacific (BL) - Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines. Jetstar Pacific cung ứng dịch vụ dưới thương hiệu Jetstar hoàn toàn giống các nhà máy bia ở Việt Nam cung ứng các loại bia dưới thương hiệu Heineken, Tiger... Theo yêu cầu của Cục Hàng không, thay vì chỉ sử dụng thương hiệu Jetstar để quảng cáo, công ty đã bổ sung tên giao dịch "Jetstar Pacific" hoặc tên đầy đủ Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines vào các quảng cáo.

 tn

Các tin tức khác

>   Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam (09/06/2008)

>   Vi phạm pháp luật, tham nhũng bị thu hồi cổ phiếu (09/06/2008)

>   Sacomreal hợp tác với Tín Nghĩa (09/06/2008)

>   EVN Telecom cổ phần hoá trong năm 2008 (09/06/2008)

>   Ðưa dây chuyền sản xuất thùng các-tông vào hoạt động (09/06/2008)

>   Eximbank: Tăng vốn điều lệ (09/06/2008)

>   CTCP Đầu tư & Phát triển Đa Quốc Gia IDI: Chốt DSCĐ tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2008 (09/06/2008)

>   Cổ đông PHG phản ứng việc chia lợi nhuận (09/06/2008)

>   Vạn Thịnh Hưng phải trả lại tiền cho khách hàng bị lừa mua căn hộ ảo tại dự án The Adonis 2 (09/06/2008)

>   Nhà máy thủy điện Ngòi Xan II hòa lưới điện quốc gia (09/06/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật