Thiếu công bằng trong phương án tăng vốn của Sữa Mộc Châu?
Tuần qua, Báo Đầu tư Chứng khoán tiếp nhận phản ánh của một số nhà đầu tư về những bức xúc xung quanh việc làm mà họ cho là “vi phạm nghiêm trọng Luật Chứng khoán và phớt lờ quyền lợi cổ đông nhỏ” của Ban lãnh đạo CTCP Giống bò sữa Mộc Châu. Vậy thực hư của sự việc này ra sao?
CTCP Giống bò sữa Mộc Châu có trụ sở đóng tại Thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Công ty này nguyên là doanh nghiệp nhà nước với kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh khá khả quan nên đang được Nhà nước đầu tư thành Trung tâm Giống bò sữa của cả nước.
Ngày 28/9/2004, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn đã có quyết định chuyển doanh nghiệp nhà nước Công ty Giống Bò sữa Mộc Châu thành CTCP Giống bò sữa Mộc Châu. Từ tháng 1/2005, Công ty chính thức đi vào hoạt động với số vốn điều lệ là 7.100.000.000 đồng. Trong đó, Nhà nước (do Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam đại diện chủ sở hữu) chiếm 51% (3.621.000.000 đồng); người lao động trong Công ty sở hữu 3.231.100.000 đồng (chiếm tỷ lệ 45,5%) và các cổ đông khác sở hữu 247.900.000 đồng (3,5% vốn điều lệ).
Năm 2007, CTCP Giống bò sữa Mộc Châu đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên 17.100.700.000 đồng. Trong đó, Nhà nước chiếm 8.721.000.000 đồng; cổ đông khác: 247.900.000 đồng; vốn cổ đông người lao động trong Công ty: 8.131.800.000 đồng.
Mọi việc chỉ trở nên phức tạp khi các cổ đông nhận được Phiếu lấy ý kiến cổ đông (đề ngày 9/4/2008) của Công ty về việc phát hành cổ phiếu để tiếp tục tăng vốn điều lệ. Theo đó, sau khi trích nội dung Nghị quyết ĐHCĐ thường niên ngày 15/3/2008 (nguyên văn) “phát hành 6 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho các đối tượng là các nhà phân phối sữa Mộc Châu, các cổ đông chiến lược là cán bộ chủ chốt của Công ty với giá bán bằng hai lần mệnh giá”; Công ty cho rằng, “do sự biến động của giá cả thị trường cũng như biến động không có lợi của thị trường chứng khoán” nên “để đem lại lợi ích cao nhất cho các cổ đông”, việc bán cổ phần được lấy ý kiến với các nội dung như sau:
1. Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam mua 51% số cổ phần phát hành với giá bán bằng 1,5 lần mệnh giá;
2. Các nhà phân phối sản phẩm sữa Mộc Châu mua với giá bán bằng 2 lần mệnh giá;
3. Các cổ đông chiến lược là cán bộ chủ chốt của Công ty mua với giá bán bằng 1,5 lần mệnh giá.
Chưa nói đến việc giá bán cổ phần bị thay đổi không đúng với Nghị quyết ĐHCĐ (tất cả đều mua với giá bằng hai lần mệnh giá) thì với danh sách đối tượng được mua cổ phần như trên, đương nhiên là cán bộ công nhân viên (thường) và cổ đông hiện hữu ngoài Công ty sẽ “đứng ngoài” đợt phát hành tăng vốn này.
Được biết, mặc dù đã có khá nhiều phiếu lấy ý kiến cổ đông tích vào ô “không đồng ý”, nhưng việc phát hành cổ phiếu tăng vốn vẫn đang được tiến hành và dự kiến, tháng 6 năm nay sẽ thu tiền của những đối tượng được quyền mua với giá bán được quyết như tại phiếu lấy ý kiến cổ đông.
Về phương án phát hành tăng vốn như trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện phần vốn nhà nước tại CTCP Giống bò sữa Mộc Châu. Ông Chiến cho biết, do nhu cầu vốn đầu tư và cũng để thắt chặt mối quan hệ với các đối tác là nhà phân phối nên ban đầu Công ty chỉ dự định phát hành cổ phiếu cho nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, sau đó Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam đã “đòi hỏi quyền lợi” bởi họ vẫn muốn là cổ đông có quyền sở hữu chi phối. “Việc phát hành này đã được ĐHCĐ thông qua với trên 90% số phiếu biểu quyết đồng ý”, ông Chiến nói và cho biết thêm: “Chúng tôi chưa nhận được ý kiến thắc mắc nào về phương án phát hành này!?”.
Tuy nhiên, dù không có ý kiến thắc mắc gì thì vấn đề đặt ra là, theo luật pháp hiện hành, các cổ đông có quyền lợi và trách nhiệm ngang nhau. Nếu cổ đông lớn “dành phần” trong số cổ phiếu phát hành thêm thì tại sao lại “phớt lờ” quyền lợi này của các cổ đông nhỏ? Liệu có phải cổ đông nhà nước và cổ đông chiến lược (là các cán bộ chủ chốt) liên minh với nhau để “biến hình” quyền lợi của cán bộ công nhân viên thường - những người trực tiếp tạo nên sự phát triển của Công ty và cổ đông ngoài doanh nghiệp - dù không nhiều nhưng có tác dụng quan trọng đến sự phát triển thương hiệu Sữa Mộc Châu? Mặt khác, cho dù có lấy lý do là giữa Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam và Sữa Mộc Châu có quan hệ mẹ - con nên sẽ phát hành theo phương án trên thì cũng không hợp lý, hợp tình đối với cổ đông nhỏ.
Và một câu hỏi nữa cần đặt lên bàn ban lãnh đạo doanh nghiệp, sự pha loãng đến gần 30% giá trị cổ phiếu này (tăng vốn 6 tỷ/17,17 tỷ đồng vốn điều lệ) ai sẽ là người gánh chịu? Theo ông Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sữa Mộc Châu, phương án phát hành tăng vốn đang được trình UBCK và ông tin rằng, phương án này sẽ được thông qua. Như đúng như lời ông Chủ tịch thì quyết định phát hành sẽ được đẩy đến UBCK; cổ đông nhỏ lẻ chờ đợi những quyết sách công bằng từ cơ quan này.
Trường hợp của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương gay gắt cho rằng, nếu phương án phát hành tăng vốn điều lệ như trên được thực thi thì đây là một sự chiếm đoạt tài sản rất rõ rệt. Bởi luật pháp quy định quyền bình đẳng của tất cả cổ đông, dù lớn hay nhỏ chứ không có chuyện “con ghét, con thương” như thế này. “Dù ĐHCĐ đã thông qua nhưng cổ đông nhỏ có quyền kiện ra toà những việc làm trái luật như trên”, ông Cung khẳng định.
đtck
|