CPH chưa thoát cảnh “bình mới rượu cũ”
Nhiều công ty cổ phần chưa có sự đổi mới thực sự trong quản trị công ty, phương pháp quản lý, lề lối làm việc, tư duy quản lý vẫn còn như DNNN. Những thông lệ về quản trị công ty tốt nhất vẫn chưa được áp dụng, nhiều nội dung của cơ chế, chính sách quản lý công ty cổ phần như chính sách tiền lương, tiền thưởng vẫn còn áp dụng như DNNN. Nhận xét của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Trung ương cho thấy, đã đến lúc cần có những thay đổi quyết liệt để DN cổ phần hóa thay đổi hẳn về chất.
“Nhiều công ty cổ phần vẫn hoạt động theo phương thức DNNN, từ phương án kinh doanh đến sử dụng lợi nhuận, vẫn ông giám đốc ấy nên cung cách quản lý về cơ bản không thay đổi”, ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội, người từng nhiều năm gắn bó với công tác cổ phần hóa cũng chia sẻ quan điểm trên.
Lề lối làm việc chưa thoát khỏi vỏ bọc DNNN là một trong những điểm gây bức xúc nhất tại cuộc họp ĐHCĐ của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) mới đây. “Năm qua, phần lớn công ty trong ngành xây dựng và bất động sản có kết quả kinh doanh tốt. Nhiều công ty con trong Vinaconex có kết quả kinh doanh tương đối khả quan, có công ty đạt lợi nhuận trên 50%. Trong khi đó, Vinaconex với rất nhiều dự án tiềm năng nhưng lợi nhuận không tăng nổi 20%, điều này khiến chúng tôi thất vọng”, một nhà đầu tư cho biết.
Một trong những nguyên nhân khiến cho cổ phần hóa chưa thoát cảnh nửa vời được nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị toàn quốc về vấn đề này là Nhà nước còn giữ tỷ trọng lớn trong vốn điều lệ ở nhiều DN không thuộc diện giữ cổ phần chi phối, phổ biến nhất là trong các tổng công ty nhà nước thuộc ngành xây dựng, giao thông, vì thế cổ đông chiến lược không có nhiều cơ hội để tham gia vào phát triển sản xuất, kinh doanh của DN. Trên thực tế, tiếng nói của cổ đông bên ngoài (không phải cổ đông nhà nước) gần như không có tác dụng xoay chuyển tình thế ở DN.
Theo nhận xét của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Phí Thái Bình, tại nhiều DN đã cổ phần hóa, đa phần lãnh đạo công ty cổ phần đều muốn trì hoãn tiến độ đăng ký công ty đại chúng, đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết do tâm lý lo ngại sự tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài.
Để cải thiện tình hình trên, ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, kinh nghiệm tại TP. HCM cho thấy, sau khi chuyển thành công ty cổ phần, nếu DN hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cổ đông về kết quả sản xuất, kinh doanh; việc kiểm tra giám sát của các cổ đông tại DN cổ phần hóa công khai minh bạch về tình hình tổ chức hoạt động và tài chính của công ty, cổ đông có điều kiện để phát huy quyền làm chủ DN thì DN đó hoạt động tốt hơn rất nhiều so với trước. Thống kê của UBND TP. HCM cho thấy, so với trước khi cổ phần hoá, vốn điều lệ bình quân của DN tăng 59,28%, doanh thu bình quân tăng 65,96%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ bình quân là 23%, thu nhập của người lao động bình quân tăng 24,33%, cổ tức đạt bình quân 12,23%.
Một phương thức nữa có thể thực hiện để thay đổi quản trị tại DN cổ phần hoá là HĐQT và bộ máy điều hành (những người sở hữu số lượng cổ phần lớn) có quyền lợi gắn chặt với quyền lợi của DN, làm cho phương thức quản lý thay đổi sâu sắc. Với đội ngũ lãnh đạo như thế, các DN đã áp dụng nhiều biện pháp rà soát, bố trí lại hợp lý lực lượng lao động, tiết kiệm các loại chi phí, điều chỉnh chính sách lương thưởng phù hợp theo năng suất lao động và hiệu quả công việc, do đó năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tăng lên.
Nhiều lãnh đạo địa phương và DN đều cho rằng, Nhà nước nên giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ ở các DN không thuộc diện giữ cổ phần chi phối. “Đã đến lúc cần thống nhất nhận thức, Nhà nước nắm giữ các DN đến mức độ nào, có công ty Nhà nước chỉ cần nắm 30%, thậm chí 20% vẫn có thể chi phối. Có như vậy mới thu hút được nhà đầu tư chiến lược, giúp DN đổi mới công nghệ thực sự, chứ hiện nay họ vẫn loay hoay trong phạm vi quản trị cũ”, ông Thanh nói.
Đẩy mạnh cổ phần hoá, thay đổi phương thức quản trị tại các DNNN vốn nặng về sức ì cơ chế, xoá bỏ các ưu đãi cho DNNN tạo ra sự trong sạch bình đẳng của môi trường kinh doanh có ý nghĩa quan trọng nhiều về mặt kinh tế, tạo ra tính chủ động linh hoạt cho DN. DN trở thành chủ thể của quá trình sản xuất, kinh doanh, không còn nặng ám ảnh khái niệm DN tư nhân hay DNNN sẽ là một yếu tố giúp môi trường kinh doanh thăng hạng.
đtck
|