Người khổng lồ không thể... tự đi
“Tôi không hiểu sao doanh nghiệp (DN) VN rất thích dùng từ tập đoàn. Trong báo cáo của các DN cổ phần hóa và của cả các công ty tư nhân, mục tiêu trong tương lai gần hay xa đều nhắm đến việc “xây dựng một tập đoàn mạnh”. Trong khi mô hình thích hợp của DN VN nói riêng và ở châu Á nói chung là DN vừa và nhỏ, để dễ thích ứng và cạnh tranh”. Giám đốc một quỹ đầu tư Nhật Bản nhận xét như vậy.
Thực tế ở Hàn Quốc, mô hình các chaebol (tập đoàn lớn do các gia đình lập ra và điều hành, nắm quyền chi phối từng lĩnh vực trong nền kinh tế) đã bắt đầu lung lay. Năm ngoái, chủ tịch Tập đoàn Hyundai bị kêu án biển thủ công quỹ; năm nay, chủ tịch Tập đoàn Samsung vừa buộc phải từ chức vì bị cáo buộc trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm. Những sự kiện trên cho thấy sự nương tay của Chính phủ Hàn Quốc đã đến giới hạn, dù tại Hàn Quốc, 30 chaebol lớn nhất kiểm soát tới 40% nền kinh tế. Còn ở VN, theo một con số vừa công bố của Bộ Tài chính, riêng nhóm DN Nhà nước hiện có 70 tập đoàn, tổng công ty. Các đại gia này chỉ đóng góp 40% GDP, nhưng sở hữu tới 60%-70% vốn vay ngân hàng trong nước và cũng xấp xỉ chừng đó vốn vay nước ngoài. Phần lớn các tập đoàn kể trên đều được độc quyền kinh doanh những lĩnh vực béo bở nhất, như xăng, dầu, điện, than, hàng không, bưu chính viễn thông... Đặc biệt, dù được độc quyền kinh doanh, các đại gia này đều luôn một điệp khúc kêu lỗ, nhất là trong những báo cáo giải trình xin tăng giá!
Độc chiêu hơn, nhiều tập đoàn, tổng công ty rất thích đẻ công ty con, tạo sân sau để khai thác tối đa những ưu đãi độc quyền. Rủi ro từ các đại gia này đương nhiên sẽ kéo theo rủi ro của cả nền kinh tế. Kết quả kiểm toán thời gian qua cũng cho thấy, nhiều tập đoàn, tổng công ty làm ăn không hiệu quả, làm thất thoát vốn Nhà nước. Ở khu vực kinh tế tư nhân, dù một số tập đoàn đã tạo dựng được tên tuổi, nhưng trong trào lưu phát triển kinh doanh đa ngành nghề như hiện nay, nhiều tập đoàn đã bắt đầu bộc lộ sự lúng túng trong quản lý. “Thuyền lớn, sóng lớn”, đó là tự biện của nhiều đại gia. Nhưng theo nhận xét của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, các tập đoàn, tổng công ty của ta như những “chàng khổng lồ chân yếu”- to xác nhưng không đứng vững được trên đôi chân của chính mình, nếu không có sự bảo bọc, ưu ái của Nhà nước. Điều này lại càng bộc lộ rõ khi cánh cửa độc quyền phải dần mở để tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho các tập đoàn nước ngoài vào cuộc theo lộ trình hội nhập.
Phải đặt các tập đoàn trong tầm quản lý theo khuôn khổ pháp luật. Xử lý một số lãnh đạo tập đoàn Nhà nước kinh doanh không hiệu quả, đó là một yêu cầu cấp thiết. Đó cũng là cách làm trong sạch môi trường kinh doanh hiện nay...
nlđ
|