Cổ phiếu Vietcombank: “Kịch bản” nào?
Ngày 26/4, Vietcombank (VCB) đã tổ chức Đại hội cổ đông lần thứ nhất. Diễn biến của đại hội cho thấy các cổ đông chưa hài lòng, đặc biệt là nhiều cổ đông trong tâm trạng niềm tin bị phản bội, khi không có cơ quản quản lý nào đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ. Vậy kịch bản nào cho giá cổ phiếu VCB, nhất là khi... lên sàn?
Phải thừa nhận rằng cổ phiếu của VCB có tầm ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán Việt Nam, xét trên giác độ các yếu tố nền tảng cũng như các diễn biến thị trường.
Nhìn lại quá trình cổ phần hoá VCB và diễn biến của giá cổ phiếu VCB trong mối liên kết với toàn bộ diễn biến của thị trường chứng khoán niêm yết cũng như thị trường OTC người ta đều có thể thấy khá rõ rằng cổ phiếu VCB đã, đang và sẽ là một cổ phiếu "đại gia" được lưu tâm nhiều trên thị trường.
Tổ chức đấu giá quy mô lớn, được nhà đầu tư quan tâm, cân nhắc, tuy có phần thất vọng ở mức giá khởi điểm 100.000 đồng/CP. Nhưng đây cũng là mức giá khởi điểm cao nhất từ trước đến nay so với các đợt IPO Tập đoàn và Cty lớn nhà nước được cổ phần hoá. Với "niềm tin" về một thương hiệu có bề dày như VCB, toàn bộ số lượng cổ phần đã được nhà đầu tư trong nước đăng ký mua hết với giá bình quân là 107.572 đồng/CP. Kể từ sau khi đấu giá đến nay giá VCB liên tục sụt giảm, thấp nhất xấp xỉ 50.000 đồng/CP, kéo theo toàn bộ giá cổ phiếu của các DN ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm xuống theo. Một sự thất vọng ngập tràn trong giới đầu tư đối với cổ phiếu Ngân hàng.
Giá bán nào cho nhà đầu tư chiến lược?
Theo phương án cổ phần hoá và kế hoạch năm 2008, VCB sẽ lựa chọn đối tác chiến lược và đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là VCB sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược với giá nào và sẽ chào sàn với giá bao nhiêu. Việc lựa chọn mức giá VCB trong cả hai trường hợp không chỉ giới hạn trong giao dịch cổ phiếu VCB mà sẽ tác động mạnh tới toàn bộ diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam. Vậy kịch bản nào sẽ diễn ra đối với giá cổ phiếu VCB? Xin được mạnh dạn nêu ra một số tình huống đối với cổ phiếu VCB và kiến nghị giải pháp tháo gỡ.
Kịch bản thứ nhất: Nếu áp dụng giá bán cho đối tác chiến lược theo Nghị định 109.
Theo quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ/CP của Chính phủ ban hành ngày 26/6/2007 về việc chuyển đổi DN 100% vốn nhà nước thành Cty cổ phần, VCB sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược theo mức giá không thấp hơn giá đấu bình quân là 107.572 đồng/CP. Với mức giá này, mặc dù là một phương án giá bình đẳng giữa các nhà đầu tư, nhưng VCB sẽ không thể tìm được đối tác chiến lược chấp thuận giá mức giá này. Lý do đơn giản là các nhà đầu tư chiến lược chủ yếu là nhà đầu tư có tổ chức và hoạt động trên thị trường sơ cấp, họ khó lòng chấp nhận giá bán đấu giá thành công cho các nhà đầu tư nhỏ là những nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp. Chính vì vậy, Các đối tác tham gia đàm phán trước đây trả giá từ 40.000 đồng/CP đến 60.000 đồng/CP sẽ khó chấp nhận trả mức giá cao hơn ở thời điểm hiện tại, nhất là khi VN-Index đang ở mức xấp xỉ 500 điểm còn mức giá nêu trên được đưa ra ở thời điểm VN-Index đang nằm trên ngưỡng 900 điểm. Việc tìm kiếm đối tác chiến lược mới sẽ tốn khá nhiều thời gian, quá trình đàm phán sẽ tiến hành lại từ đầu. Hơn nữa trong giai đoạn hiện tại, cổ phiếu ngành tài chính ngân hàng đang bị đánh giá thấp thì việc tìm được đối tác mới chấp nhận mua cổ phiếu VCB với giá trên mức giá đấu bình quân dường như là điều không thể.
Kịch bản thứ hai: Nếu giá bán thấp hơn giá đấu bình quân IPO
Trường hợp VCB không tìm được đối tác chiến lược nước ngoài ở mức giá đấu thành công, thì sẽ phải cân nhắc, lựa chọn phương thức giảm giá bán.
Tuy nhiên, ngoài việc vi phạm Nghị định 109, phương án này sẽ làm các nhà đầu tư trong nước khi tham gia đấu giá lần đầu mất niềm tin vào cổ phiếu VCB và hệ thống chính sách nhà nước về cổ phần hoá. Một khi niềm tin bị xói mòn thì... chẳng thể nói được hậu quả sẽ xảy ra thế nào.
Giá chào sàn: Mức nào hợp lý?
Không những gặp khó khăn trong việc chào bán cho đối tác chiến lược mà VCB cũng đang đứng trước những khó khăn trong việc xác định giá chào sàn.
Sau khi đấu giá thành công với mức giá 107.572 đồng/CP, giá cổ phiếu VCB được ví như cỗ xe không phanh đang lao dốc. Tới thời điểm hiện tại giá VCB chào bán trên thị trường OTC là 50.000 đến 55.000 đồng/CP mà không có nhiều giao dịch thành công. Như vậy giá cổ phiếu VCB đã giảm khoảng 50% so với giá bình quân, và với tình hình hiện tại thì xu hướng giảm giá của cổ phiếu này sẽ còn tiếp diễn. Vậy cổ phiếu VCB sẽ chào sàn với mức giá bao nhiêu?
Kịch bản thứ nhất: Giá chào sàn bằng giá đấu bình quân.
Cổ phiếu VCB sẽ chào HoSE theo giá bình quân đấu giá thành công, nghĩa là giá chào sàn của Vietcombank thấp nhất cũng phải là 107.000 đồng/CP. Một điều chắc chắn rằng với mức giá này thì giá cổ phiếu VCB sẽ liên tục mất giá và sẽ trở lại mức giá 50.000 đến 60.000 đồng/CP, thậm chí còn thấp hơn nữa.
Thử làm một phép tính: giả thiết giá chào sàn VCB là 107.000 đồng/CP, vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng. Khi đó mức vốn hoá thị trường của VCB sẽ là 160,5 ngàn tỷ đồng. Tại thời điểm hiện tại mức vốn hoá thị trường của HoSE khoảng 230 ngàn tỷ đồng, nghĩa là với mức giá này thì giá trị vốn hoá thị trường của VCB bằng 69,78% giá trị vốn hoá HoSE tại thời điểm hiện tại. Vậy điều gì sẽ xảy ra với thị trường chứng khoán Việt Nam nếu giá cổ phiếu VCB sẽ liên tục rớt giá khi chào sàn. VN-Index sẽ giảm mạnh, tâm lý nhà đầu tư sẽ bị tác động, qua đó tác động tới giá của cổ phiếu mới, thị trường sẽ xuất hiện đợt tháo chạy mới.
Kịch bản thứ hai: Dựa theo giá giao dịch trên thị trường OTC ở cùng thời điểm
Cổ phiếu VCB chào sàn dựa theo giá giao dịch trên thị trường OTC ở thời điểm chào sàn. Giá hiện tại của VCB chào bán trên thị trường đã giảm 50% so với giá khởi điểm, việc chấp nhận mức giá chào sàn này phần nào sẽ làm cho mọi người lầm hiểu rằng VCB gián tiếp thừa nhận sai lầm trong khâu định giá chào bán cổ phiếu ra công chúng của mình, điều này phần nào ảnh hưởng tới các cuộc chào bán cổ phần ra công chúng của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.
Rõ ràng rằng với các kịch bản nêu ra ở trên, cổ phiếu VCB đang đứng trước những thách thức rất lớn. Việc đi theo hướng nào trong các kịch bản trên đều gây những tác động nhất định tới thị trường chứng khoán và tới chính VCB.
dddn
|