Tranh chấp tài nguyên thuỷ điện giữa Gia Lai - Bình Định:
Trèo rào vào nhà... người?
"Bỏ qua" ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Định (BĐ) tự ý lên lịch khởi công Thuỷ điện Vĩnh Sơn 2 vào ngày 27.4; giấy mời đã gửi khắp địa phương, trung ương. Bất ngờ, ngày 16.4, Bộ Công thương ra văn bản yêu cầu tỉnh BĐ và Cty CP thuỷ điện (TĐ) Vĩnh Sơn huỷ bỏ buổi lễ.
Đằng sau chuyện này là ý đồ thao túng tài nguyên và "miếng bánh thuỷ điện" rõ ràng đã đủ hấp dẫn để sứt mẻ nghĩa tình.
"Mía ngọt đánh cả cụm"
Dự án công trình thuỷ điện (TĐ) Vĩnh Sơn 2 do Cty CP TĐ Vĩnh Sơn (BĐ) xây dựng. Theo đó, cả nhà máy và hồ chứa phát điện đều nằm trên nhánh suối Đắc Rông Bung (nhánh cấp I của sông Kôn, thuộc địa phận Vĩnh Thạnh, BĐ).
Để tăng công suất từ 45MW lên 90MW, chủ đầu tư sẽ phải xây dựng "cụm đầu nguồn" trên địa bàn Gia Lai (GL), gồm hồ điều tiết nước trên suối Say (nhánh cấp I của sông Kôn thuộc địa phận xã Sơn Lang, Kbang, GL) và đào đường hầm dài 10km chuyển nguồn nước (tức đổi dòng chảy) từ suối Say về hồ Đắc Rông Bung. Đập suối Say có cao trình tới 804m, chiều cao đập tới 40m, vì vậy để mở lòng hồ, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thuộc GL sẽ bị ngập tới 265ha rừng.
Đây là một trong nhiều lý do mà sau nhiều lần có công văn qua lại giữa hai tỉnh, và sau 3 lần Cty CP TĐ Vĩnh Sơn có đơn xin, tỉnh GL vẫn không đồng ý cho BĐ khởi công TĐ Vĩnh Sơn 2 (trong mối tương quan với "cụm đầu nguồn").
Và theo kế hoạch đã bị chặn lại, ngày 27.4, BĐ vẫn đơn phương lên lịch khởi công trọng thể, không chỉ TĐ Vĩnh Sơn 2 mà khởi công liên hoàn các TĐ Vĩnh Sơn 3, 4, 5 (?).
Câu chuyện đạo lý
Trước và cùng thời điểm Cty CP TĐ Vĩnh Sơn dòm ngó "cụm đầu nguồn" của GL để "lấy thêm" 45MW cho công trình Vĩnh Sơn 2, tỉnh GL đã xây dựng tại đây dự án 2 công trình TĐ Sơn Lang 1 và Sơn Lang 2 - cũng có công suất 45MW và toàn dự án nằm trên địa phận xã Sơn Lang của GL.
Do tận dụng dòng cơ bản và lưu lượng tự nhiên cùng sự chênh cao địa hình khu vực suối Say để phát điện, nguồn nước sau đó sẽ lại đổ vào suối Say ra sông Côn nên chiếm ưu thế vượt trội cả về kinh tế- xã hội lẫn môi sinh: Về giá trị kinh tế, cả 2 dự án (của GL và BĐ) đều cung ứng lên lưới quốc gia nguồn điện đạt công suất 45MW. Về hiệu quả xã hội, dự án "trọn gói" tại GL sẽ đem lại việc làm, nâng cao dân trí cho người dân xã vùng sâu Sơn Lang; tăng thu ngân sách cho địa phương.
Quan trọng hơn, việc xây dựng Nhà máy Sơn Lang 1 và 2 còn trực tiếp cấp điện cho dự án công nghiệp khai quặng bôxít và luyện nhôm (vốn có trữ lượng rất lớn tại Sơn Lang) khởi động nay mai, (điều mà dự án Vĩnh Sơn 2 không thể đảm nhiệm được); làm nhân tố trung tâm cho cụm công nghiệp ở huyện vùng xa - Kbang của GL. Trong khi đó, dự án Vĩnh Sơn 2 của BĐ một mặt, làm ngập 265ha rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tại GL, tác động dữ dội đến hệ động thực vật phong phú bậc nhất quốc gia; mặt khác, với hạng mục đào 10km đường hầm xuyên núi, đổi dòng tự nhiên của suối Say để lấy nước về BĐ, toàn vùng hạ lưu khu vực này của GL sẽ hoàn toàn khô kiệt.
Tác động môi trường sẽ rất khắc nghiệt. Chưa kể, BĐ khởi công Vĩnh Sơn 2 trong bối cảnh nhà đầu tư chưa hề có động thái khoa học nào (đo đạc, khảo sát, khoan dò địa chất, được cấp đất, mở rừng... trên địa bàn GL), ngược lại, tỉnh "chủ nhà" đã xúc tiến hầu hết các phần việc chuẩn bị động thổ Sơn Lang 1 và 2.
TĐ Vĩnh Sơn và tỉnh BĐ quyết không chịu thua GL tại công trình này là do dựa vào một bản quy hoạch cũ được duyệt về hệ thống thuỷ điện thượng nguồn sông Côn đã ít nhiều nhầm lẫn về địa lý. Công trình nhà máy TĐ Vĩnh Sơn hoàn thành, khai thác từ nhiều năm qua, với sự ưu đãi của GL khi mà nhà máy đặt tại Vĩnh Thạnh- BĐ, nhưng cả ba hồ chứa đều mở trên đất Kbang- GL, hàng vạn người dân tại đây đã hy sinh vì Vĩnh Sơn. Nay đến Vĩnh Sơn 2, người dân Kbang lại tiếp tục chịu thiệt thòi? Mà không chỉ ở đầu nguồn, trên toàn tuyến sông Ba của GL, nhiều đoạn đã bị nắn dòng, chia sẻ tài nguyên cho các công trình TĐ ở BĐ, Phú Yên; hàng vạn người dân GL phải di dời phục vụ công trình ở tỉnh bạn.
Rõ ràng, cái đạo lý nhường nhịn cũng cần được trân trọng từ nhiều phía!
Ngày 24.4, trao đổi với PV Báo Lao Động, Chủ tịch UBND tỉnh GL, ông Phạm Thế Dũng, cho biết: "Hiện Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao cho Bộ Công Thương làm việc với tỉnh GL để báo cáo Thủ tướng giải quyết. Việc này sẽ được triển khai trong tuần tới. Riêng việc BĐ đơn phương chuẩn bị khởi động công trình chính là đặt GL vào chuyện đã rồi, nhưng cả lý và tình đều không phải lẽ".
lđ
|