"Vinatex xin lùi thời hạn cổ phần hóa sang năm 2009"
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết
Năm 2008, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có kế hoạch cổ phần hóa nốt 6 đơn vị trực thuộc và cũng là doanh nghiệp duy nhất được Chính phủ cho phép cổ phần hóa toàn bộ Tập đoàn, nhưng thời điểm phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hiện nay không thuận lợi nên chúng tôi đang xin ý kiến cơ quan chủ quản cho dời tiến độ IPO các đơn vị thành viên sau 3 - 5 tháng nữa, còn công ty mẹ sẽ thực hiện IPO vào năm 2009.
Có hai vấn đề chúng tôi đang quan tâm. Thứ nhất, các đơn vị trong Tập đoàn đang rất cần cổ đông chiến lược để cải tiến phương thức quản trị, công nghệ, nhân lực. Theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, cổ đông chiến lược phải mua cổ phần theo giá đấu bình quân, nhưng với tư thế như vậy, họ không chấp nhận mức giá trên. Hiện Vinatex đang chào mời các tập đoàn bán lẻ, có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đầu tư vào Tập đoàn, nhưng họ không mặn mà. Vì thế, Tập đoàn kiến nghị những trường hợp đặc thù, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài theo một cơ chế linh hoạt hơn, thay vì bán theo giá đấu bình quân như hiện nay. Vấn đề thứ hai là, nguồn nhân lực quản trị vốn nhà nước của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa hiện nay rất yếu. Cán bộ quản trị vốn hoàn toàn khác với quản lý doanh nghiệp. Họ phải có năng lực, có kiến thức pháp luật và giỏi hơn cả người quản lý, để nếu cần thiết thì có thể thuê người quản trị tốt cho doanh nghiệp. Trong chương trình đào tạo quốc gia nên có thêm đào tạo cán bộ quản trị vốn đầu tư. Tập đoàn cũng đã đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng kinh phí trong kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp để đào tạo cán bộ quản trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thành viên cũng như cả Tập đoàn.
Trong tình hình hiện nay, về phía doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn Chính phủ phải mạnh tay hơn nữa để ổn định lưu thông tiền tệ, bởi có dự án Tập đoàn đề xuất với ngân hàng vay USD để nhập khẩu máy móc nhưng ngân hàng yêu cầu Tập đoàn phải vay VND, sau đó mua USD. Hay với lãi suất vay 15 - 20%/năm, doanh nghiệp khó thể thực hiện được dự án đầu tư, cho dù tính toán cho thấy dự án rất hiệu quả.
đtck
|