Thứ Hai, 28/04/2008 08:47

Bốn câu chuyện về cổ phần hoá

Đã có hàng chục lý do được đưa ra để lý giải cho sự chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch cổ phần hoá DNNN hàng năm và tương ứng là những giải pháp, kiến nghị. Nhưng sự ì ạch vẫn cứ kéo dài suốt từ hơn 15 năm nay, kể từ khi chương trình cổ phần hoá DNNN được triển khai. Nói về chính sách vĩ mô đã nhiều, nay xin kể ra đây vài câu chuyện “dở khóc, dở cười” tại các DNNN đã và đang tiến hành cổ phần hoá.

Câu chuyện thứ nhất

Mặc dù các thủ tục, điều kiện để tiến hành cổ phần hoá và bán cổ phần ra thị trường đã được Bộ Tài chính nhất trí thông qua và việc bán cổ phần cũng đã được tiến hành thành công với mức giá đấu bình quân gấp hơn hai lần giá khởi điểm, vậy nhưng đến nay, Công ty TNHH 1 thành viên Giám định cà phê và Hàng hoá Nông sản XNK vẫn đang như ngồi trên đống lửa trước sự bức xúc của nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Công ty, đơn vị đã đã tiến hành IPO thành công và đã thông báo họp ĐHCĐ lần đầu vào tháng 1/2008 nhưng kế hoạch này đã bị đổ bể. Nguyên nhân là, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 768/BTC-TCDN về hướng dẫn cổ phần hoá, trong đó buộc một số doanh nghiệp đã cổ phần hoá phải tính thêm giá trị lợi thế về đất và giá trị thương hiệu. “Công văn 768 đã đẩy doanh nghiệp vào tình huống hết sức khó xử. Bởi tất cả các điều kiện và thủ tục trước khi tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp, chúng tôi đều thực hiện theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP và đã thông qua Bộ Tài chính. Đến nay, sau khi được tính thêm giá trị doanh nghiệp thì tổng vốn điều lệ sẽ tăng thêm khá nhiều, dẫn đến loãng giá cổ phần của đơn vị. Chúng tôi như ngồi trên đống lửa vì nhà đầu tư đòi bồi thường theo Luật Dân sự”, ông Hải cho biết.

Câu chuyện thứ hai

Công ty Xây dựng số 2 Hacinco lại đang ở tình trạng “dở ông, dở thằng”, không phải là DNNN cũng không phải là công ty cổ phần. Mặc dù, Công ty này đã tiến hành cổ phần hoá từ năm 2004 và là một trong số doanh nghiệp đầu tiên đấu giá cổ phần tại TTGDCK Hà Nội, nhưng sau 4 năm, chữ “cổ phần” vẫn chưa được gắn vào tên công ty vì chưa được thừa nhận. Nguyên nhân là Công ty vẫn còn vướng vào sự nhùng nhằng của việc có được phép chuyển nợ thành vốn góp hay không(?) Đã có khoảng 150 văn bản qua lại giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng và 3 công văn chỉ đạo của Chính phủ, nhưng lời giải cụ thể cho vấn đề vẫn chưa có, nhà đầu tư thì sốt ruột vì nắm cổ phần mà không phải của công ty cổ phần.

Câu chuyện thứ ba

Lại được lý giải như sự lạm dụng quyền lực hành chính của một vài quan chức để can thiệp thô bạo vào tiến trình cổ phần hoá đối với doanh nghiệp, ngay cả khi các đơn vị này đã trở thành công ty cổ phần. Hai quan chức, một tại Khánh Hoà và một tại Ninh Bình đã đình chỉ cuộc họp ĐHCĐ và ban hành công văn không thừa nhận kết quả ĐHCĐ (được thực hiện theo đúng luật) của một doanh nghiệp trên địa bàn.

Câu chuyện thứ tư

Công ty Xi măng đá vôi Phú Thọ được cổ phần hoá từ năm 2005 theo nguyên tắc Nhà nước nắm giữ 51% trong 45 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau đó Công ty đã lập dự án xây dựng nhà máy xi măng lò quay với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng và đã được ngân hàng chấp nhận cho vay, nhưng với điều kiện chủ dự án phải có vốn điều lệ bằng 20% vốn đầu tư của dự án. Như vậy, Công ty cần phải có 61 tỷ đồng vốn điều lệ, với số vốn nhà nước sở hữu là 51% thì địa phương phải “rót” thêm 10 tỷ đồng nữa. Nhưng chủ trương “rót” thêm vốn lại bị địa phương “ngâm cứu” đến 2 năm ròng. Vì thế, việc cổ phần hoá tại công ty này đã phải kéo dài theo thời gian tương ứng...

Theo quy định, sau khi hoàn thành việc bán cổ phần ra công chúng, doanh nghiệp phải tiến hành ĐHCĐ để chuyển thành công ty cổ phần và đăng ký kinh doanh theo loại hình doanh nghiệp mới. Nhưng thực tế, rất nhiều doanh nghiệp không đảm bảo đúng tiến độ thực hiện theo quy định vì thiếu sự hợp tác của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, quá trình cổ phần hoá thời gian qua không hoàn thành không chỉ vì cơ chế, mà còn do sự lạm dụng quyền lực vì mục đích cá nhân của một số người. Theo ông Nhưỡng, để đảm bảo thực hiện cổ phần hoá theo đúng tiến độ hàng năm, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành, cơ quan hữu quan. Đồng thời, cần kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc thực thi các quy định về cổ phần hoá nhằm khắc phục những thiếu sót và sơ hở, tránh việc lợi dụng chính sách cổ phần hoá để trục lợi, làm thất thoát nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quyền lợi nhà đầu tư.

đtck

Các tin tức khác

>   Thêm một công ty bảo hiểm phi nhân thọ (28/04/2008)

>   ĐHCĐ Vietcombank: Cổ đông rối bời vì giá cổ phiếu (27/04/2008)

>   Bình Định: Xây dựng các công trình thuỷ điện Vĩnh Sơn 3,4,5 (27/04/2008)

>   Vietcombank: Sẽ nâng tỷ lệ chia cổ tức cho cổ đông (27/04/2008)

>   Thành lập Cty CP thương mại Viglacera (26/04/2008)

>   Trèo rào vào nhà... người? (26/04/2008)

>   Gia Lai: Cổ phần hóa Nhà máy thuỷ điện Sê San 4 (26/04/2008)

>   "Vinatex xin lùi thời hạn cổ phần hóa sang năm 2009" (26/04/2008)

>   Ốc đảo... công ty đại chúng (26/04/2008)

>   Sắp xếp đổi mới DNNN: Cần sự bứt phá (26/04/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật