ĐHCĐ Vietcombank: Cổ đông rối bời vì giá cổ phiếu
Ngày 26/4, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã tổ chức Đại hội cổ đồng lần thứ nhất. Tại đây, lần đầu tiên cái tên Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam đã chính thức xuất hiện đánh dấu cho một giai đoạn chuyển đổi và phát triển mới của Vietcombank.
Tuy nhiên, để thực sự đổi mới, ngoài vấn đề thời gian, Vietcombank và các cổ đông còn phải vượt qua rất nhiều thách thức. Và ngay trong lần đại hội đầu tiên này, bản lĩnh của DN trong cơ chế mới và cũng như của nhà đầu tư đã bị thử thách khi thị chứng khoán đi xuống và giá cổ phiếu Vietcombank đã giảm gần một nửa.
Giá bán bình quân của cổ phiếu Vietcombank qua đợt IPO vừa qua là 107 ngàn đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trong xu hướng sụt giảm chung của toàn thị trường, giá trên OTC, cổ phiếu Vietcombank chỉ còn 50 - 60 ngàn đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư đã đến với đại hội cổ đông trong tâm trạng rất xót xa và rối bời khi cổ phiếu mất giá và tính thanh khoản trên thị trường cũng rất kém.
Một nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu được chuyển đổi từ trái phiếu đã phát biểu, theo tính toán và cảm nhận của ông, mức giá trên 107 ngàn đồng/cổ phiếu mà cổ đông đã mua là quá cao. Theo tính toán bằng các công thức thông thường dựa trên vốn, lợi nhuận, thị trường chứng khoán... nhà đầu tư này cho rằng, mức giá thực có thể ở 14 - 22 ngàn đồng/phiếu. Chúng ta nhận định cổ phiếu đang đi về giá trị thực, vậy mức giá trước đây là thế nào?
Theo nhà đầu tư này, với thực tế thị trường hiện nay thì nhà đầu tư trong nước đang thiệt hại rất lớn khi giá cổ phiếu được định giá quá cao. Ông đề xuất, nên có phương thức nào đó để bán tiếp cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu để giảm giá. Mức giá mới thấp hơn không chỉ giảm bớt thiệt hại cho nhà đầu tư mà còn có sơ sở để đàm phán với nhà đầu tư chiến lược và tính giá niêm yết. Nếu cứ duy trì mức giá như IPO thì các mục tiêu khác sẽ rất khó thực hiện.
Một nhà đầu tư khác cũng nhấn mạnh rằng: Mức giá IPO có thể là một sai lầm. Ngay sau khi IPO, giá cổ phiếu Vietcombank đã rớt theo chiều thẳng đứng và hiện chỉ còn một nửa. Phải có cách để giảm thiệt hại cho nhà đầu tư và cũng là gỡ khó cho ngân hàng trong việc chọn đối tác chiến lược và tính giá lên sàn.
Có cổ đông đề xuất, ngay từ bây giờ, Vietcombank phải tính đến việc mua cổ phiếu quỹ để giữ giá cổ phiếu đồng thời đảm bảo tính thanh khoản. Nếu không giá cổ phiếu sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Theo các nhà đầu tư, nếu cứ theo quy định lấy giá IPO thành công để đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược vào thời điểm này tin rằng khó thành công. Các nhà đầu tư nước ngoài trước đây cũng đã không chấp nhận mua với mức giá cao như thế, nay tình hình thế này thì lại càng khó. Trong khi đó, nếu chấp nhận bán với giá thấp, ví dụ mức 50 - 60 ngàn đồng/cổ phiếu theo mức thị trường thì thật là xót xa cho nhà đầu tư trong nước. Và chắc chắn lãnh đạo Vietcombank không muốn làm điều này vì phạm luật và gây hại cho nhà đầu tư trong nước.
Trả lời về vấn đề này, Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho rằng, việc đàm phán với đối tác chiến lược theo quy định của Nghị định 109 về cổ phần hóa hiện nay là rất khó. Tuy nhiên, vẫn phải cố gắng làm, mức giá bao nhiêu, chọn ai là vấn đề còn bàn bạc và tất nhiên Vietcombank cũng không thể quyết mà chỉ đề xuất lên Chính phủ. Nhưng có một thực tế mà ông Thanh cũng tính đến là nếu bán với giá 50 - 60 ngàn đồng thì không hay và rõ ràng cổ đông trong nước đã mua với giá đắt; còn không có đối tác chiến lược thì không hoàn thành kế hoạch CPH, không bán thêm được cổ phiếu ra ngoài.
Tại đại hội, các đại biểu cũng đã thông qua phương án niêm yết cổ phiếu Vietcombank lên sàn chứng khoán ngay trong năm 2008. Tuy nhiên, điều này cũng bị nhiều cổ đông nghi ngờ mà nguyên nhân chính cũng bắt đầu từ giá cổ phiếu. Nếu không có một phương án nào để quyết định về giá để đáp ứng yêu cầu của đối tác chiến lược, đồng thời đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư trong nước thì Vietcombank không bán được thêm cổ phiếu để đạt yêu cầu tối thiểu có 20% bán ra ngoài mới được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Các lãnh đạo cứ nói mạnh là niêm yết mà không cần nhà đầu tư chiến lược nhưng với khoảng trên 7% cổ phần phát hành ra ngoài thì niêm yết làm sao. Nói là xin Chính phủ cơ chế đặc biệt nhưng Chính phủ cũng không thể đứng trên luật đã quy định được. Đây là câu chuyện rất khó.
Bên cạnh đó, nếu lên sàn chứng khoán với tình hình chứng khoán thế này thì mức giá niêm yết tính thế nào. Nếu để thấp hơn giá IPO không chỉ nhà đầu tư bị thiệt mà với quy mô của mình, không cẩn thận, cổ phiếu Vietcombank lại là nguyên nhân khiến thị trường thêm đi xuống. Còn nếu giữ mức giá như IPO chắc sẽ không ai chịu. Dường như, trong con mắt các nhà đầu tư, giá cổ phiếu xuống thấp đang gây ra rất nhiều hệ luy mà rất khó để vượt qua.
Cũng tại đại hội lần này, một lần nữa, vấn đề sử dụng nguồn vốn có được từ 30% thặng dư qua IP mà nhà nước để lại cho Vietcombank như thế nào cũng được đặt ra. Tuy nhiên, câu trả lời cuối cùng vẫn chưa rõ ràng khi đại diện Vietcombak cho biết, việc phân chia sẽ phải xin ý kiến của các cơ quan quản lý cao hơn.
Cần đối xử công bằng với cổ đông nhỏ lẻ
Vietcombank hiện có khoảng 15.500 nhà đầu tư nhưng tất cả các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu qua IPO, trái phiếu chuyển đổi, cán bộ nhân viên mua ưu đãi... chỉ chiếm khoảng 9%. Nhà nước vẫn nắm giữ hơn 90%. Cho nên trong tất cả mọi vấn đề chỉ cần 3 đại diện vốn nhà nước mà quyết là mọi vấn đề coi như xong.
Rất nhiều nhà đầu tư đã mang nặng tâm lý này đến đại hội và bày tỏ yêu cầu phải tôn trọng các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhà đầu Nguyễn Duy Lộ cho rằng, cần phải hết sức tôn trọng cổ đông nhỏ lẻ. Họ đã rất kỳ vọng khi bỏ vốn vào Vietcombank và hiện đang chấp nhận thua lỗ để gắn bó với ngân hàng. Theo ông, không chỉ tiếp thu ý kiến các cổ đông tại hội nghị mà ngân hàng nên có thư xin ý kiến các cổ đông không đến dự bằng đường bưu điện để đóng góp thêm cho chiến lược phát triển của mình. Số vốn của họ nhỏ nhưng họ có chất xám và tâm huyết cũng cần được trân trọng.
Có 15.500 cổ đông nhưng đến giờ khai mạc chỉ có khoảng gần 700 cổ đông có mặt tham dự, thấp hơn con số dự kiến 2.000 mà Vietcombank đã chuẩn bị. Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia chỉ được sử dụng khoảng 1/3 trong lần đại hội này. Rất nhiều cổ đông đã hoàn tất thủ tục bỏ phiếu và ra về sớm trước khi phần thảo luận về phương án kinh doanh và bầu Hội đồng quản trị chính thức diễn ra.
vnn
|