Thứ Năm, 10/04/2008 11:16

Báo cáo của HSBC: Chỉ mang tính tham khảo!

Ngày 7/4 vừa qua, trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang vùn vụt đi lên, HSBC đã công bố một bản báo cáo không mấy khả quan về chứng khoán thế giới và châu Á, trong đó có Việt Nam. Bản báo cáo này khiến cho không ít nhà đầu tư và giới quan sát đặt câu hỏi về tính chất nhất quán của HSBC trong các tuyên bố của mình. Còn trên thị trường Việt Nam, diễn biến các phiên giao dịch gần đây cho thấy có vẻ như báo cáo này chỉ mang đậm tính tham khảo.

Linh hoạt hay bị động?

Trong báo cáo hồi đầu tháng 1/2008 về chiến lược đầu tư trong quý I/2008, HSBC nhận định thị trường Việt Nam không mấy lạc quan, rủi ro từ lạm phát khá lớn, giá cổ phiếu (đặc biệt là kết quả IPO Vietcombank) quá cao. Theo đó, Tập đoàn này giảm tỷ lệ danh mục đầu tư trên TTCK Việt Nam từ 2% xuống còn 0,5%, tuy nhiên vẫn cho rằng thị trường Việt Nam sẽ đạt 1.100 điểm vào cuối năm 2008. Báo cáo này có tên “Pan-Asian Equity Strategy: Snakes and Ladders” (Chiến lược đầu tư xuyên Á: Con rắn và cái thang).

Suốt trong Quý I, tập đoàn này liên tục đưa ra các báo cáo có liên quan và đánh giá về thị trường Việt Nam. Ngày 29/2/2008, lần đầu tiên HSBC xếp Việt Nam vào danh mục được khuyến nghị tỉ lệ đầu tư ưu tiên cao nhất châu Á cùng với 6 nước khác - được HSBC ghi là OverWeight. Đặc biệt là việc tổ chức này nhận định rằng TTCK Việt Nam đã ở vào giai đoạn cuối chu kỳ suy giảm (tổng mức sụt giảm khi đó là 48%). Chính vì vậy, HSBC khuyến cáo các nhà đầu tư nên mạnh tay mua vào tại đây, tập trung vào cổ phiếu ngành công nghệ. Báo cáo này mang tên “AI-Asia Insight”.

Trong các báo cáo “Vietnam monitor” riêng về TTCK Việt Nam (mới đây nhất là số 12, ngày 2/4/2008), Tập đoàn này tỏ ra khá kiên định với đích đến 1.100 điểm vào cuối năm nay của VN-Index.

Như vậy, tính đến hết Quý I, quan điểm của HSBC về TTCK Việt Nam tỏ ra khá nhất quán và ổn định mặc dù diễn biến trên các sàn chứng khoán trong thời gian đó không hề ổn định một chút nào!

Đùng một cái, báo cáo Quý II ngày 07/4 vừa rồi lại nhận định: "Thế giới đầu tư đã thay đổi. Chúng tôi tin rằng cả thị trường châu Á giờ đây đang trong trạng thái suy giảm". Cùng với đó, dự báo về đích đến của hầu hết các chỉ số chứng khoán tại châu Á đều được điều chỉnh giảm. TWSE Index của Đài Loan là chỉ số duy nhất được điều chỉnh tăng (từ 8.200 điểm lên 9.000 điểm).

Theo mạch điều chỉnh giảm chung đó, VN-Index của Việt Nam cũng được thay đổi mức dự báo từ 1.100 điểm xuống còn 600 điểm vào cuối năm 2008 và từ 1.300 điểm xuống còn 750 điểm vào cuối năm 2009. Các cổ phiếu đầu tư được chuyển hướng sang các ngành tiêu dùng, viễn thông, cơ sở hạ tầng và y dược.

Đi hơi xa một chút, để ý đến nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo Quý I và Quý II, có thể thấy không có nhiều thay đổi về nhân sự. Nhóm nghiên cứu về châu Á trong báo cáo ngày 29/2 gồm 6 cái tên: Garry Evans, Steven Sun, Akane Nishizaki, Jacqueline Tse, Vivek Misra, Leo Li. Còn những thành viên đưa ra báo cáo mới nhất ngày 7/4 này vẫn là 5 trong số 6 nhân sự trên, không có cái tên Vivek Misra.

Như vậy, bỏ qua các thay đổi về nội dung, ít nhất thì vấn đề nhân sự vẫn có sự nhất quán! Và có lẽ lý do cho việc thay đổi quan điểm của nhóm nghiên cứu này chính là sự thay đổi thực tế của thị trường. Vậy là đã có sự linh hoạt trong các báo cáo và nghiên cứu của HSBC hay đây là một sự bị động?

Liệu có khách quan?

Theo dõi ý kiến của các chuyên gia, các nhà đầu tư cũng như những người quan tâm đến thị trường có thể thấy rằng, đã có không ít nghi vấn về tính khách quan của các báo cáo từ HSBC khi tổ chức này có sự thay đổi quan điểm lớn đến như vậy.

Đồng ý rằng HSBC là một tập đoàn tài chính – ngân hàng lớn, họ có những khách hàng là các nhà đầu tư toàn cầu, bản thân họ có lẽ cũng là một nhà đầu tư lớn trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, ở các tổ chức tài chính – ngân hàng lớn trên thế giới, mỗi khi họ đưa ra báo cáo, có một số điểm đáng lưu ý như sau:

Thứ nhất, báo cáo, nghiên cứu, nhận định, dự báo,… về kinh tế toàn cầu hay một nền kinh tế, một thị trường (chứng khoán) nào đó là việc khá phổ biến, được tiến hành thường xuyên. Không cần biết các báo cáo đó được đánh giá thế nào, nhưng bản thân chúng là sản phẩm của tổ chức đó nên không ít thì nhiều nó phải đảm bảo được uy tín của họ.

Thứ hai, các báo cáo này thường được xây dựng dựa trên các mô hình, các công cụ tính toán hiện đại và mang tính tự động khá cao. Vấn đề quan trọng nhất là các yếu tố, số liệu đầu vào.

Thứ ba, các tổ chức tài chính nước ngoài khi đưa ra bản báo cáo thường đứng trên quan điểm các công ty quản lý quỹ lớn. Họ thường có một danh mục đầu tư toàn cầu, bao gồm các TTCK của các nước phát triển và cả những nền kinh tế mới nổi. Việt Nam là một thị trường mới nổi khá nhỏ bé, tỷ lệ trong danh mục nếu có cũng ở mức khiêm tốn, thực tế là trong báo cáo vừa rồi của HSBC, Việt Nam cũng chỉ được đề cập đến trong khoảng 1 trang.

Thứ tư, các tổ chức nước ngoài này thường tiếp cận TTCK theo hướng từ trên xuống. Tức là họ nhìn tổng thể nền kinh tế vĩ mô và vị trí của nó đối với TTCK toàn cầu và sau đó đi sâu vào các ngành kinh tế chính, cuối cùng mới là các công ty cụ thể để đầu tư. Việt Nam là một nền kinh tế và một TTCK chưa thực sự tiếp cận được với những đặc điểm chung của các nền kinh tế và TTCK phát triển trên thế giới. Chính vì vậy, việc tiếp cận theo hướng đó tại thời điểm hiện nay chưa hẳn sẽ mang lại những hiệu quả cao như đối với các nước phát triển khác.

Một đặc điểm nữa là, các báo cáo của các tổ chức tài chính nước ngoài thường mang tính độc lập khá cao. Mặc dù là báo cáo do một tổ chức đưa ra (HSBC chẳng hạn) nhưng bản thân báo cáo đó mang đậm quan điểm cá nhân của nhóm nghiên cứu. Các nhận định, dự báo được đưa ra dựa trên các số liệu thu thập, các kết quả tính toán của các thành viên nhóm nghiên cứu. Thông thường, kết quả nghiên cứu không cần phải thông qua lãnh đạo duyệt!

Bên cạnh đó, khách quan mà nhận xét, trước bối cảnh TTCK thế giới nói chung và TTCK Việt Nam hiện nay, nếu cứ giữ nguyên một quan điểm lạc quan như trước thì thật khó thuyết phục được người đọc.

Chính vì vậy, cũng không có nhiều cơ sở để cho rằng báo cáo và quan điểm của HSBC lần này nhằm mục đích có lợi cho một hoặc một nhóm đối tượng nào đó, ít nhất là trên thị trường Việt Nam. Khắt khe nhất cũng chỉ có thể cho rằng đây là một báo cáo dựa trên quan điểm cá nhân của nhóm nghiên cứu và thể hiện sự bị động của một tổ chức tài chính lớn như HSBC.

Và có lẽ, đây cũng là lý do tại sao HSBC không được xếp trong top 10 các nhóm nghiên cứu TTCK toàn cầu và khu vực (Lehman Brothers, Citigroup, Merrill Lynch, Morgan Stanley, UBS, Bear Stern...).

Chỉ mang tính tham khảo

Đầu tháng 1/2008, khi VN-Index vẫn còn loay hoay quanh mức 900 điểm thì HSBC đưa ra báo cáo rằng chỉ số này sẽ về đích ở 1.100 điểm vào cuối năm 2008. Bắt đầu từ đó chỉ số này liên tục đi xuống, dần phá tan các ngưỡng kháng cự 870, 850, rồi đến 800 điểm,…

Cuối tháng 2, tại thời điểm HSBC “hô hào” mua vào thì thậm chí thị trường còn giảm điểm mạnh mẽ hơn. VN-Index đã về tới đáy của đáy ở mức 496,64 điểm ngày 25/3.

Và đến báo cáo mới nhất này, bản tiếng Anh đề ngày 7/4, nhưng có lẽ chính thức đến với bạn đọc Việt Nam trong buổi sáng 9/4 với bản tóm tắt tiếng Việt của một số báo điện tử. Khuyến nghị giảm mua vào tại Việt Nam của HSBC hoàn toàn không được các nhà đầu tư trên thị trường thực hiện theo khi mà khối ngoại trong 2 phiên liên tiếp đều đẩy mạnh mua vào. Phiên 9/4, mặc dù có giảm so với phiên trước nhưng khối này đã mua vào gần 1/3 tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường tại sàn HOSE!

Đối với các nền kinh tế phát triển trên thế giới, các nhà đầu tư tại đây hàng quý, hàng tháng hay thậm chí hàng tuần đều nhận được nhiều báo cáo từ nhiều tổ chức uy tín khác nhau với những nội dung nhận định, những công cụ và phương pháp tính toán khác nhau. Thị trường càng phát triển thì càng có nhiều báo cáo như vậy. Và đối với họ, các nhà đầu tư, những báo cáo này chỉ là tham khảo.

Thời gian gần đây, sự vươn lên của nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng đã khiến cho nhiều nhà đầu tư chú ý. Những báo cáo của các tổ chức tài chính quốc tế cũng được đưa ra ngày một nhiều hơn (Merrill Lynch, J.P.Morgan, HSBC,…). Cùng với đó, nhà đầu tư Việt Nam cũng có sự trưởng thành hơn, càng ngày họ càng không bị ảnh hưởng nhiều bởi những báo cáo này. Một phần vì những đặc điểm “chẳng giống ai” của chứng khoán Việt Nam, và cũng một phần vì bản thân những báo cáo này chưa thật sát với thực tế của Việt Nam.

Vì những lẽ đó, vì cả thực tế đã diễn ra trên thị trường, nhà đầu tư cũng chỉ nên nhìn nhận báo cáo của các tổ chức tài chính quốc tế như một tài liệu tham khảo trong quá trình ra quyết định đầu tư của mình.

vnn

Các tin tức khác

>   Niêm yết cổ phiếu: "Đại gia" có đúng hẹn (10/04/2008)

>   Lợi nhuận 2008: Áp lực và kỳ vọng (10/04/2008)

>   Lạc quan với cơ hội đầu tư vào Việt Nam (10/04/2008)

>   Vàng, chứng khoán hay bất động sản? (10/04/2008)

>   Lượng mua của các nhà đầu tư nước ngoài tăng cao (09/04/2008)

>   SDT: BC thường niên năm 2007 (10/04/2008)

>   TKU: TB ngày đăng ký cuối cùng cổ phiếu (09/04/2008)

>   VC6: TB về giao dịch cổ phiếu quỹ (09/04/2008)

>   VC7: Báo cáo thường niên năm 2007 (10/04/2008)

>   VSP: Báo cáo thường niên năm 2007 (10/04/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật