Thứ Năm, 10/04/2008 07:50

Lạc quan với cơ hội đầu tư vào Việt Nam

Thị trường chứng khoán (TTCK), lạm phát, vốn đầu tư nước ngoài là những vấn đề được tập trung thảo luận tại hội thảo "Các cơ hội đầu tư vào Việt Nam" diễn ra trong hai ngày 8 và 9.4 tại TP.HCM.

TTCK đang được trả về giá trị thật

TTCK Việt Nam dù đã sụt giảm hơn 40% giá trị kể từ hồi cuối năm ngoái nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Biện pháp tác động đến TTCK thông qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong thời gian qua được nhiều NĐTNN cho là không nên. Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi, nhận xét: "TTCK Việt Nam hiện như một đứa trẻ đang chập chững bước đi, cần sự chăm sóc cho đến khi có thể tự đứng được. Những biện pháp ngắn hạn vừa qua của Nhà nước có thể giúp nhà đầu tư lấy lại sự tự tin, nhưng về lâu dài sự can thiệp của Nhà nước vào một thị trường tự do là điều không nên". Ông Ayumi Konishi cho rằng tốt hơn cả, Nhà nước nên giải quyết những vấn đề vĩ mô để qua đó hỗ trợ cho TTCK.

Một số NĐTNN cho rằng sau khi bị thổi phồng quá mức trong năm 2007, TTCK hiện nay đang được trả lại với giá trị vốn có. Các nhà đầu tư nhỏ chỉ nhìn vào giá cổ phiếu rồi cho rằng thị trường đang sụt giảm trong khi kết quả kinh doanh của các công ty vẫn rất khả quan. Ông Bradley Lalonde dự đoán TTCK vẫn là một thị trường tài chính đầy tiềm năng phát triển, trong vòng 10 năm nữa, TTCK sẽ huy động được từ 50 - 200 tỉ USD cho nền kinh tế Việt Nam.

Vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2007 đã có 21,3 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam, tuy nhiên, số vốn thực hiện chỉ đạt trên 8 tỉ USD. Theo các chuyên gia nước ngoài, tăng tốc độ giải ngân FDI cũng là một trong những biện pháp kiềm chế lạm phát. Theo tính toán của ADB, nếu tất cả các biện pháp chống lạm phát của Chính phủ Việt Nam đạt hiệu quả thì mức lạm phát của cả năm nay cũng sẽ ở mức trung bình là 15,6%. Đây là tính toán của ADB giả định trong tình hình kinh tế Việt Nam không xảy ra thêm một cú sốc nào như dịch bệnh, thiên tai... ADB cũng dự đoán trong năm 2008, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chỉ đạt mức cao nhất là 7%. Hiệu quả trong đầu tư nên được rà soát lại vì đây cũng là một nguyên nhân gây ra lạm phát. Ông Ayumi Konishi đưa ra một thống kê: "Trong những năm vừa qua, Việt Nam đầu tư đến 40% GDP nhưng chỉ thu lại con số phát triển trên 8%. Trong khi đó, cùng với mức đầu tư này thì nền kinh tế Trung Quốc lại phát triển trên hai con số".

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), ông Kamran Khan, nói: "Tăng trưởng nhanh như thời gian vừa qua thì Việt Nam phải chấp nhận những khó khăn nảy sinh như lạm phát". Theo đánh giá của WB, trong khu vực Đông Á, Việt Nam tuy vẫn xếp thứ 2 sau Trung Quốc về số lượng các dự án đầu tư nước ngoài, nhưng Nhà nước cần có những hành lang pháp lý, thuế suất rõ ràng hơn nữa. Hiện nay Hoa Kỳ là nơi hấp thu 21% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, những dấu hiệu đi xuống của nền kinh tế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Theo WB, hiện nay nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) chiếm trên 37% trong tổng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Đây là một tỷ lệ rất lớn do đó những biến động của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến Việt Nam.

Tuy vậy, cả WB và ADB đều thống nhất dự đoán rằng trong thời gian tới nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam. Dù vậy, phải đến cuối năm 2008, đầu năm 2009 thì nền kinh tế Việt Nam mới có thể vượt qua lạm phát để tìm lại con số tăng trưởng GDP trên 8%.

Ngày 8.4, Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam đã có những nhận định về tình hình kiểm soát lạm phát ở Việt Nam cũng như đưa ra những đề xuất nhằm giúp Việt Nam ổn định tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Eurocham tại Việt Nam ông Alain Cany cho biết cộng đồng doanh nghiệp châu Âu rất lạc quan về kinh tế của Việt Nam ngay cả khi nền kinh tế ở trong tình trạng căng thẳng nhất do lạm phát. Ông Cany nói rằng lạm phát không phải là vấn đề của chỉ riêng Việt Nam mà là cơn di chấn toàn cầu, xuất phát từ nền kinh tế Mỹ.

Ông Thomas Grunzke, thành viên Ban điều hành Eurocham Việt Nam, cho biết cộng đồng doanh nghiệp Euro rất tin tưởng vào những biện pháp kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế của Chính phủ. Các thành viên của EuroCharm dự đoán tình hình kinh tế Việt Nam sẽ ổn định trở lại trước tháng sáu năm nay vì những biện pháp của chính phủ phải mất vài tháng mới phát huy tác dụng.

Ông Alain Cany cho rằng những biến động của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong những tháng đầu năm sẽ không ảnh hưởng đến dòng đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam và những nhà đầu tư hiện tại vẫn tin tưởng vào những cơ hội đầu tư mà họ đã nhìn thấy ngay từ khi bước chân vào Việt Nam.

Ông Grunzke, một thành viên của Eurocham, cho rằng Việt Nam cần có những chính sách tiếp theo để duy trì sự ổn định. Ông đưa ra những ví dụ như Việt Nam cần tăng cường năng suất lao động vì đó là cách hạ giá thành sản phẩm và giảm bớt hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Chính phủ nên tiếp tục quan tâm đến nông thôn. Hệ thống phân phối cũng nên được chú trọng phát triển để đẩy nhanh lưu thông hàng hóa, đó cũng là cách giảm nguy cơ gia tăng chi phí trong sản xuất. Trong khi đó ông Alain Cany mong muốn Chính phủ có biện pháp khuyến khích DN trong nước sử dụng đồng Euro như biện pháp sử dụng rổ tiền tệ trong thanh toán ngoại thương (dự báo đồng Euro sẽ chiếm khoảng 30-40% trong tổng thanh toán thương mại toàn cầu vào 2010). Thứ nữa, châu Âu cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam vì vậy ít nhất đồng tiền chung châu Âu này phải được sử dụng trong thanh toán tương đương với tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

tn

Các tin tức khác

>   Vàng, chứng khoán hay bất động sản? (10/04/2008)

>   Lượng mua của các nhà đầu tư nước ngoài tăng cao (09/04/2008)

>   SDT: BC thường niên năm 2007 (10/04/2008)

>   TKU: TB ngày đăng ký cuối cùng cổ phiếu (09/04/2008)

>   VC6: TB về giao dịch cổ phiếu quỹ (09/04/2008)

>   VC7: Báo cáo thường niên năm 2007 (10/04/2008)

>   VSP: Báo cáo thường niên năm 2007 (10/04/2008)

>   DAE: TB họp ĐHCCĐ thường niên năm 2008 (09/04/2008)

>   SDC: Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2008 (09/04/2008)

>   CJC: BCTC năm 2007 (10/04/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật