Thứ Năm, 10/04/2008 11:04

Niêm yết cổ phiếu: "Đại gia" có đúng hẹn

Nhiều NĐT từng hào hứng tham gia đấu giá cổ phần của những doanh nghiệp tầm cỡ như Vietcombank, PVFC, trước đó là Bảo Việt, Vinaconex với một niềm tin rằng, hàng tốt chẳng phụ công người bỏ vốn. Thế nhưng, TTCK đang diễn ra ngược với dự tính của nhiều người, trong đó có cả những đại gia trên. Lời hứa niêm yết của các doanh nghiệp trên sẽ được thực hiện ra sao và liệu năm 2008 này có là năm không hẹn mà gặp của nhiều hàng "khủng" trên sàn chứng khoán?

Đại gia cố gắng

Giở lại bản công bố thông tin của Vietcombank cũng như tuyên bố của các vị đứng đầu ngân hàng này, lộ trình gia tăng tính thanh khoản của cổ phiếu Vietcombank rất rõ ràng: tháng 4 ĐHCĐ, tháng 6/2008 niêm yết cổ phiếu trên sàn TP. HCM. Khi bóng dáng nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chưa thấy đâu, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank trong lần trao đổi với ĐTCK hồi tháng 2/2008 đã khẳng định, trong trường hợp cơ cấu cổ đông của Vietcombank  không đủ điều kiện niêm yết tại sàn TP. HCM thì Vietcombank sẽ xin phép Thủ tướng được đặc cách để lên sàn. Giờ quay trở lại đề tài trên, bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, họ không quên những gì đã nói. Cụ thể, Vietcombank đang chuẩn bị tài liệu cũng như thủ tục cần thiết để ĐHCĐ trong tháng 4, kế hoạch niêm yết vào tháng 6 có thể không diễn ra đúng như lịch trình, song Vietcombank đang xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Đề cập đến việc tìm kiếm đối tác ngoại, bà Hà cho hay, Vietcombank đang nối lại đàm phán với 2 tổ chức tài chính lớn. Nhưng dường như những diễn biến trên thị trường cũng như khó khăn của nền kinh tế đang không mấy ủng hộ Vietcombank, ngân hàng này cũng đã chào bán cho các đối tác có mối quan hệ thâm tình trong nước nhưng đều bị từ chối khéo là "áp theo giá trúng bình quân thì e hơi cao".

Một định chế tài chính tầm cỡ khác là Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm Bảo Việt cũng có kế hoạch niêm yết trong năm 2008 và nội dung này đã được ĐHCĐ  đầu tiên của Tập đoàn hồi cuối năm 2007 thông qua. Theo như lời ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Bảo Việt, thì việc lên sàn sẽ không mấy khó khăn, quan trọng là chọn được thời điểm, bởi Tập đoàn đã ký thỏa thuận hợp tác với Sở GDCK TP. HCM. Hiện HĐQT Tập đoàn đang xem xét các phương án để có kế hoạch cụ thể.

Chia sẻ nỗi niềm của những NĐT đang chịu thiệt hại từ việc giá cổ phiếu giảm mạnh, ông Bình nói: "TTCK suy giảm, chúng tôi biết giá cổ phiếu của Bảo Việt cũng như các doanh nghiệp khác giảm mạnh, nhưng cách hỗ trợ duy nhất đối với cổ đông là đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh. Chúng tôi cũng đã nói rằng, đầu tư vào Bảo Việt là đầu tư dài hạn, vì thế hàng ngày những NĐT dài hạn không nên quá quan tâm đến diễn biến giá lên xuống".

Trước thềm ĐHCĐ năm 2007, dự kiến tổ chức vào ngày 17/4, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã đưa nội dung xin ý kiến cổ đông về kế hoạch niêm yết trong năm 2008 ra bàn thảo. Theo kế hoạch, đơn vị này sẽ tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, trong đó một tỷ lệ khá lớn sẽ dành bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thông qua sự tư vấn của Credit Suisse. Lãnh đạo của Vinaconex cho biết, bản thân họ chưa bao giờ hứa hẹn niêm yết trong năm 2007, mà đó là quyết định và ý muốn của Bộ Xây dựng (đơn vị chủ quản của doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa), nay việc niêm yết đã trở thành yêu cầu cần thiết và tại ĐHCĐ sắp tới, HĐQT sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua.

Nỗi niềm khổ chủ

TTCK không phải là nơi muốn hứa thì hứa, bởi những lời nói đó có thể được đánh đổi bằng tiền bạc của NĐT và dù ý muốn chủ quan của những người đứng đầu Vietcombank mong muốn thực hiện những gì đã tuyên bố thì kế hoạch niêm yết chưa chắc đã đúng hẹn. Khi tiến hành IPO, việc Vietcombank đưa ra giá khởi điểm 100.000 đồng/CP đã gây ra nhiều tranh cãi, song đến phút chót, đợt IPO cũng thành công với mức giá bình quân 107.000 đồng/CP. Nay giá giao dịch trên thị trường OTC chỉ còn 58.000 đồng/CP, một NĐT chua chát tâm sự: "Nhà đầu tư trúng giá VCB đã tính đến chuyện "bỏ của chạy lấy người", hy sinh 10% tiền cọc, song giữa lúc còn đang lưỡng lự thì Vietcombank tung ra chiêu "hỗ trợ hào hiệp" cho các NĐT trúng đấu giá vay vốn để nộp tiền mua gần hết số cổ phiếu này. Nay họ bất lực nhìn ngân hàng phát mại cổ phiếu của mình: Mua 107.000 đồng/CP, cộng lãi vay ký với Vietcombank, hiện bán giá 58.000 đồng/CP. NĐT trong nước thiệt đơn thiệt kép. Lúc này, NĐT nước ngoài chẳng cần đàm phán, chẳng cần là đối tác, có tiền cứ nhặt dần, nhặt dần với giá mỗi ngày một rẻ thêm trong lượng room cho phép".

NĐT có nói quá thì cũng do "của đau con xót", nhưng để niêm yết trong năm 2008 này thì xác định giá khởi điểm đang là câu hỏi khó đối với những đại gia trên. Với Vietcombank, giả sử được đặc cách niêm yết, họ sẽ chọn giá khởi điểm thế nào: 107.000 đồng/CP (để bảo vệ quyền lợi của đa số cổ đông) hay 58.000 đồng/CP (giả định giá đang giao dịch thực tế hay) đưa ra một mức trung hòa. Vẫn biết, NĐT phải có trách nhiệm với quyết định của mình, nhưng chọn cách thứ hai thì quá thiệt thòi cho NĐT và nhìn vào đó, liệu các đợt IPO lớn sau này có tạo ra tâm lý dè dặt nơi họ

Một trường hợp khác là PVFC, trong hồ sơ xin niêm yết gửi tới Sở GDCK TP. HCM, PVFC chọn giá khởi điểm là giá trúng thầu bình quân. Lấy mức giá như vậy, so với giá trên thị trường OTC hiện tại khoảng 37.000 đồng/CP, là khoảng cách khá xa, không ít cổ đông lo ngại thị trường sẽ điều chỉnh để xác lập mức giá đúng với giá trị của nó. Và như vậy, có thể gây ra tình trạng tranh bán trên sàn và tạo ra hình ảnh không mấy tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong vòng 3 tháng chọn ngày niêm yết, diễn biến thị trường có thể thay đổi bất ngờ và biết đâu, mức giá trên lại được chấp nhận!

Vietcombankcó đủ điều kiện niêm yết?

Một trong những điều kiện để DN được niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM (theo Nghị định 14/2007/NĐ-CP, Điều 8, Mục 1) là "Tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông nắm giữ". Theo đại diện Phòng Quản lý niêm yết (HOSE), nếu chiếu theo quy định này, VCB hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết mà không cần phải chào bán thêm cho đối tác nước ngoài cũng như xin Chính phủ một cơ chế đặc cách niêm yết. Đơn cử, chọn bất kỳ nhóm 100 cổ đông nào của VCB nếu trong đó có cổ đông Nhà nước thì đều thoả mãn điều kiện nhóm này nắm tối thiểu 20% cổ phiếu VCB.

Trong khi đó, theo cách hiểu hiện nay của VCB cũng như lãnh đạo UBCK thì VCB nhất định phải có tối thiểu 100 cổ đông bên ngoài (trừ cổ đông Nhà nước) sở hữu 20% cổ phiếu mới được niêm yết và như vậy để đáp ứng điều kiện này, VCB cần xin Chính phủ "đặc cách". Hiện vẫn chưa có một cách hiểu thống nhất về vấn đề này.

đtck

Các tin tức khác

>   Lợi nhuận 2008: Áp lực và kỳ vọng (10/04/2008)

>   Lạc quan với cơ hội đầu tư vào Việt Nam (10/04/2008)

>   Vàng, chứng khoán hay bất động sản? (10/04/2008)

>   Lượng mua của các nhà đầu tư nước ngoài tăng cao (09/04/2008)

>   SDT: BC thường niên năm 2007 (10/04/2008)

>   TKU: TB ngày đăng ký cuối cùng cổ phiếu (09/04/2008)

>   VC6: TB về giao dịch cổ phiếu quỹ (09/04/2008)

>   VC7: Báo cáo thường niên năm 2007 (10/04/2008)

>   VSP: Báo cáo thường niên năm 2007 (10/04/2008)

>   DAE: TB họp ĐHCCĐ thường niên năm 2008 (09/04/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật