Lợi nhuận 2008: Áp lực và kỳ vọng
Không khí ĐHCĐ các công ty đại chúng tuần qua diễn ra hết sức nóng bỏng. 8h30 sáng thứ Bảy (ngày 5/4), hơn 1.000 cổ đông CTCP Phân đạm và Hoá chất dầu khí (DPM) nắm giữ tới 72% tổng số cổ phiếu của công ty này, đã ngồi chật kín Hội trường White Palace, một địa điểm tổ chức hội nghị, hội thảo mới khai trương trên đường Hoàng Văn Thụ (TP. HCM). ĐHCĐ lần đầu của Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm đến gần 90% cổ phần cũng thu hút khoảng 700 cổ đông cá nhân tham dự…
Lo cho túi tiền của mình, dường như các cổ đông đặt cả gánh nặng trách nhiệm lên vai HĐQT và Ban điều hành công ty niêm yết với yêu cầu doanh thu và lợi nhuận cao. Trong khi với diễn biến tình hình kinh tế có nhiều yếu tố không thuận như hiện nay, Ban điều hành các công ty chỉ dám cam kết một mức lợi nhuận kế hoạch “an toàn” nhất.
Theo kế hoạch mà HĐQT Đạm Phú Mỹ trình ĐHCĐ, lợi nhuận trước thuế năm 2008 là 1.190 tỷ đồng, thấp hơn lợi nhuận thực hiện năm 2007 là 1.329 tỷ đồng khiến cho cổ đông hết sức lo lắng. Bà Nguyễn Thị Đào, đại diện CTCK Quốc tế sở hữu hơn 1 triệu cổ phiếu nhận xét, nếu để số lợi nhuận không bằng năm ngoái thì chắc chắn tác động không tốt đến tâm lý cổ đông. Nhất là trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất lợi cho TTCK, DPM lại là một trong những cổ phiếu dẫn dắt thị trường thì con số kế hoạch lợi nhuận còn có thể ảnh hưởng đến thị trường chung. Câu hỏi nhiều cổ đông chất vấn HĐQT là vì sao kế hoạch doanh thu tăng mà lợi nhuận giảm!?
Ông Đinh Hữu Lộc, Chủ tịch HĐQT Đạm Phú Mỹ phân trần, lợi nhuận xây dựng trên các chỉ tiêu an toàn tương đối cao vì “chúng ta đang sống trong thế giới đầy biến động”, lợi nhuận kế hoạch là mức tối thiểu phải đạt được. Ông Lộc cũng bật mí, nếu thị trường không có gì thay đổi, lợi nhuận của DPM năm nay có thể cao gấp rưỡi năm ngoái, nhưng cũng không ai dám chắc chắn rằng, giá phân bón không giảm mà tiếp tục tăng.
ĐHCĐ Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát diễn ra tại Hà Nội tuần trước cũng đứng trước áp lực lớn của cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận lớn hơn con số 720 tỷ đồng nhằm mục tiêu bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược được giá, cũng như hỗ trợ giá cổ phiếu trên sàn trong bối cảnh thị trường khó khăn. Nhưng theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, do là tập đoàn công nghiệp sản xuất những mặt hàng tiêu dùng cơ bản, thiết yếu nên các ngành hàng của Hoà Phát tăng trưởng ổn định, bền vững chứ không có yếu tố đột biến về lợi nhuận. Vì thế, duy trì mức tăng trưởng khá cao (20 - 30%) ở tất cả các ngành hàng đã là nỗ lực lớn của Ban điều hành. “Nếu giao kế hoạch lợi nhuận cao hơn nữa sẽ tạo ra áp lực rất lớn với Ban điều hành, tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng ở mức tối đa”, ông Long nói.
Tại ĐHCĐ Công ty Coteccons, các cổ đông không bằng lòng với kế hoạch lợi nhuận năm 2008 ở mức 120 tỷ đồng, tương đương với số vốn điều lệ, một tỷ lệ lợi nhuận mà nhiều công ty khác mơ ước, vì nó thấp hơn lợi nhuận năm 2007 là 125,38 tỷ đồng. Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons chia sẻ với cổ đông kế hoạch doanh thu tăng mà lợi nhuận không tăng, do lợi nhuận hoàn toàn từ mảng xây lắp. Khoảng 800 tỷ đồng trị giá hợp đồng xây lắp ký từ năm 2007 chuyển sang phải chịu trượt giá nguyên vật liệu. “Có những hợp đồng khi tôi đặt bút ký, một viên gạch giá 500 đồng nay đã tăng lên 1.500 đồng. Hợp đồng đã ký, chất lượng xây dựng không thể thay đổi được. Công ty cũng đàm phán với khách hàng nhưng mức độ chia sẻ chi phí thế nào tuỳ vào thiện chí của khách hàng. Nếu không có biến động giá, chúng tôi có thể đặt kế hoạch lợi nhuận 150 tỷ đồng, thậm chí 180 tỷ đồng”, ông Dương cho biết. Hiện nay, với tất cả hợp đồng ký mới, Coteccons luôn yêu cầu giá nguyên vật liệu tăng 2% là chủ đầu tư phải bù giá ngay trong tháng đó, chứ không phải đến khi kết thúc hợp đồng.
Cũng vì giá nguyên vật liệu tăng cao mà HĐQT Sabeco đã bị cổ đông chất vấn khi đặt kế hoạch doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận lại giảm. Lợi nhuận kế hoạch 2008 của Sabeco là 848,825 tỷ đồng, thấp hơn con số 891,266 tỷ đồng năm 2007. Ông Nguyễn Quang Minh, Kế toán trưởng Sabeco cho biết, lợi nhuận thấp hơn năm 2007 chủ yếu do nguyên liệu đầu vào tăng, như Malt (nguyên liệu chính để sản xuất bia) tăng giá gấp đôi, gạo tăng gấp 2 - 3 lần và dự báo còn tăng nữa, nguyên liệu khác tăng giá gấp 3 - 4 lần.
Những diễn biến của tình hình kinh tế thế giới theo chiều hướng tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam cũng như xu hướng tăng giá đang diễn ra trên toàn cầu khiến cho môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn định. Đây là lý do chính khiến Ban điều hành các công ty luôn tỏ ra “bảo thủ” trong xây dựng kế hoạch, ngay cả các đơn vị mà lợi nhuận 3 tháng đầu năm đạt được rất cao như Hoà Phát, Đạm Phú Mỹ… Trong 3 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Hoà Phát đã thực hiện gần 50% kế hoạch lợi nhuận nhờ dự báo được tình hình tăng giá nguyên vật liệu và dự trữ hợp lý. Còn Đạm Phú Mỹ đã đạt lợi nhuận ước tính gần 500 tỷ đồng trên kế hoạch 1.190 tỷ đồng.
Nhiều cổ đông đã rất thông cảm với Ban điều hành công ty về một kế hoạch kinh doanh an toàn cao, bởi khó có thể mạnh miệng nói trước điều gì xảy ra trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, việc xây dựng một bản báo cáo đẹp để khẳng định những nỗ lực của công ty trong lúc TTCK đang cần những yếu tố để củng cố niềm tin là thật sự cần thiết. Sau những ý kiến thảo luận giữa cổ đông và HĐQT, ĐHCĐ Đạm Phú Mỹ và Coteccons đã thông qua kế hoạch lợi nhuận 2008 bằng với năm 2007, chứ không để con số thấp hơn như ban đầu. Điều này đáp ứng được nguyện vọng của đa số cổ đông và cũng không tạo áp lực quá lớn cho Ban điều hành.
đtck
|