Ổn định tài chính - tiền tệ: Phải nhanh như chữa lửa
Xung quanh các giải pháp tài chính - tiền tệ vừa được Chính phủ ban hành để tăng cường chống lạm phát, nhiều chuyên gia cho rằng đã đúng thuốc nhưng cần phải làm ngay. Dưới đây là một số ý kiến.
* PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN (trưởng khoa ngân hàng, ĐH Kinh tế TP.HCM):
Phải triển khai nhanh
Lần đầu tiên Chính phủ xây dựng một "kịch bản" chống lạm phát khá hoàn chỉnh, liên quan đến tất cả bộ ngành. Trong đó, Chính phủ đã thấy rằng chống lạm phát không chỉ là vấn đề tiền tệ, mà liên quan đến nhiều vấn đề như kiểm soát chi tiêu, giảm bội chi ngân sách, nâng cao hiệu quả trong đầu tư công...
Chống lãng phí trong đầu tư công là trọng tâm trong thực hiện mục tiêu chống lạm phát của Chính phủ hiện nay. Nó được đưa lên trước các giải pháp về tiền tệ, một điều chưa từng thấy trước đây.
Đối với lĩnh vực tiền tệ, các giải pháp nêu ra cũng cho thấy có sự phối hợp khá nhịp nhàng giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ mua hết ngoại tệ cho nhà đầu tư, khai thông ách tắc trong việc cung ứng tiền đồng để các dự án đầu tư sớm triển khai cũng như nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện tham gia thị trường chứng khoán.
Trong lĩnh vực chứng khoán, việc chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước mua vào cổ phiếu, cũng như xem xét mở room cho nhà đầu tư nước ngoài là rất cần thiết. Nhưng những giải pháp này phải nhanh chóng thực hiện ngay, kéo quá lâu càng làm mất niềm tin của nhà đầu tư.
Ngoài ra, tôi cho rằng khi tình hình lạm phát bớt căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc nhằm giảm gánh nặng đối với các ngân hàng thương mại.
* TS LÊ ĐĂNG DOANH (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư):
Thắt chặtnhưng phải đúng chỗ
VN đã qua một thời gian tương đối dài tăng trưởng chủ yếu nhờ tăng vốn đầu tư. Hiện nay, mức đầu tư từ ngân sách nhà nước đã ở khoảng 20% tổng GDP. Tổng đầu tư xã hội khoảng 40,2% GDP - một mức cao so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Vì vậy, việc giảm đầu tư công là cần thiết, đặc biệt phải chỉ đúng những địa chỉ không cần thiết, cùng các biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.
Theo tôi, việc cắt giảm vốn đầu tư không có nghĩa là cắt giảm theo chỉ tiêu, cào bằng mà phải "thắt" đúng chỗ. Nếu "thắt" vào chỗ khiến người dân không thể bỏ tiền vào sản xuất kinh doanh, khiến giá cả leo thang thì phải khắc phục ngay. Hay một số khu vực cần vốn đầu tư nhà nước như đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng quan trọng, đầu tư vào các lĩnh vực để đảm bảo tăng trưởng trong tương lai như đầu tư phát triển nguồn cung cấp điện... vẫn cần được ngân sách cung cấp đủ vốn cùng các chính sách kêu gọi đầu tư phù hợp. Còn các công trình chưa cần thiết, đọng vốn quá lâu, thiết kế không còn phù hợp thì nên kiên quyết dừng lại.
Với tình hình kinh tế thế giới biến động nhiều và lạm phát trong nước tăng cao như hiện nay, theo tôi, nên xem xét lại mục tiêu tăng trưởng. Đây là động tác cần thiết để các bộ ngành thống nhất trong công tác điều hành, tránh vừa thắt chặt chi tiêu chỗ này nhưng lại tăng đầu tư chỗ khác để đảm bảo tăng trưởng.
* Ông NGUYỄN THIỆU (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng):
Mạnh mẽ song cần cụ thể hơn
Theo tôi, hướng xử lý các vấn đề tài chính tiền tệ hiện nay theo thông báo của Thủ tướng là mạnh mẽ và đúng hướng. Tuy vậy, một vài điểm còn chung chung. Việc siết chặt chi tiêu công, hạn chế những công trình kém hiệu quả là cần thiết. Câu chữ như thế rất chuẩn nhưng thực tế rất khó tìm những công trình không hiệu quả. Ai chịu nhận công trình của mình là không hiệu quả? Dự án người ta đã trình, đã được duyệt rồi, tiền cũng được giải ngân một phần rồi. Giờ lấy tiêu chí nào là không hiệu quả, chưa cần thiết?
Sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra và không ít lý do sẽ khá hợp lý với các nhà quản lý. Việc giảm đầu tư dàn trải, lãng phí thật ra đã được nói đến rất nhiều nhưng kinh nghiệm cho thấy kết quả không được bao nhiêu nếu không có qui định cụ thể, biện pháp thi hành quyết liệt...
Mục tiêu giảm bội chi ngân sách nhà nước, theo tôi, lúc này là đúng đắn. Tuy nhiên, bên cạnh nó lại có giải pháp "phát hành thêm trái phiếu Chính phủ”. Mục đích phát hành trái phiếu là để bù bội chi ngân sách. Nếu chúng ta đã có chủ trương giảm bội chi ngân sách nhà nước thì việc phát hành thêm trái phiếu lúc này cần được xem xét lại bằng một biện pháp khác. Phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ nên làm nhưng chỉ nên coi như một công cụ giúp giảm đưa VND ra thị trường mua ngoại tệ, không nên coi là cách Chính phủ vay thêm để đầu tư.
Vấn đề bây giờ không phải ở cấp quyết định nữa mà nằm ở cấp thừa hành. Cần có biện pháp tiếp theo để tránh tình trạng mỗi cơ quan hiểu theo một kiểu và làm theo cách khác nhau. Chỉ khi cả Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Ngân hàng Nhà nước... cùng hiểu tinh thần công văn và cùng đi theo một hướng, với các giải pháp có tính phối hợp, đồng bộ cao thì nền kinh tế mới nhận được những hiệu ứng tích cực nhất.
tt
|