Thứ Năm, 06/03/2008 07:46

Lựa chọn ưu tiên giữa tăng trưởng và lạm phát?

Tăng trưởng và lạm phát là hai đỉnh có tầm quan trọng hàng đầu của tứ giác mục tiêu (tăng trưởng cao, lạm phát thấp, thất nghiệp ít, cán cân thanh toán có số dư). Nhưng đó là mục tiêu lý tưởng, rất khó nước nào đạt được cùng một lúc, nên cần có sự lựa chọn ưu tiên, tùy hoàn cảnh của từng nước, trong từng giai đoạn, thậm chí trong từng thời gian ngắn.

Trước khi vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể hiện nay của nước ta cần điểm lại cuộc chống lạm phát ở trong nước trước đây và tham khảo cách làm của Mỹ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tiềm ẩn vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 thế kỷ trước, đã cộng hưởng với nhiều yếu tố khác (như sai lầm trong cuộc cải cách giá, lương, tiền, sự sút giảm nguồn viện trợ do sự khủng hoảng của Liên Xô cùng các nước XHCN Đông Âu, cuộc bao vây cấm vận của Mỹ...) đã bùng phát vào cuối những năm 80, đầu những năm 90, với các biểu hiện chủ yếu: kinh tế suy thoái, lạm phát "phi mã" lên tới 3 chữ số, thất nghiệp cao lên tới 2 chữ số, quá nửa dân số sống dưới mức nghèo đói, quá nửa số trẻ em bị suy dinh dưỡng...

Để chống lạm phát, đồng thời với tăng trưởng kinh tế, Nhà nước đã áp dụng cùng một lúc nhiều giải pháp. Về tài chính, tiền tệ có thể tóm tắt bằng mấy chữ: đối với tài chính thì "thu lấy mà chi", đối với ngân hàng thì "vay lấy mà cho vay", đối với nguồn hàng ở trong nước thì "bung ra", hàng nước ngoài thì cho "nhập tiểu ngạch" (đi nước ngoài về được mang theo hàng, ở biên giới thì cho nhập tiểu ngạch). Kết quả từ năm 1992 tăng trưởng kinh tế vượt qua mốc 8%, lạm phát giảm từ trên 67% năm 1990, năm 1991 xuống còn 17,5%, năm 1992 là 5,2%... - có nghĩa là vừa đưa được tốc độ tăng trưởng kinh tế lên, vừa chặn đứng được lạm phát "phi mã".

Đối với Mỹ, một nước có tỷ lệ tiêu dùng trên GDP rất cao, nên đặc biệt quan tâm đến việc kiềm chế lạm phát, đã duy trì lãi suất ở mức khá cao (6,5%) trong nhiều năm liền; nhưng nhờ có đồng tiền cao giá nên tăng trưởng kinh tế dưới thời Tổng thống Clinton và cựu Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan đã liên tục tăng trưởng trong mười năm - một thời kỳ kéo dài hiếm thấy bất chấp chu kỳ thông thường của kinh tế tư bản ngày nay thường chỉ đạt 5 - 7 năm sẽ rơi vào một đợt suy thoái. Nhưng từ năm 2001, sau sự kiện 11.9 cộng hưởng với nền kinh tế rơi vào suy thoái; để chống suy thoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục 11 lần hạ lãi suất xuống còn 1%. Chính mức lãi suất thấp này đã làm cho việc vay tiền ngân hàng dễ dàng để đầu tư vào nhà đất, rồi lãi suất lại tăng lên cho đến 5,25% đã làm cho thị trường nhà đất khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng này lan sang thị trường tài chính đã làm cho kinh tế Mỹ rơi vào nguy cơ suy thoái; buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã liên tục 4 lần hạ lãi suất từ 5,25% xuống còn 3% và có nhiều dự đoán sẽ hạ lãi suất tiếp nữa trong kỳ họp vào 18.3 tới. Khi lãi suất giảm, nước Mỹ lại đứng trước nguy cơ lạm phát, trong khi nguy cơ suy thoái kinh tế chưa chặn được.

Đối với nước ta, tăng trưởng kinh tế là mục tiêu có tầm quan trọng hàng đầu để chống tụt hậu xa hơn về kinh tế, sớm thoát khỏi nước có thu nhập thấp như đã đề ra. Tuy nhiên, qua mấy năm tăng trưởng kinh tế khá cao (trên 8%), lạm phát đã ở mức cao từ năm 2004, năm 2007 đã lồng lên ở mức hai chữ số, bước sang năm 2008, mới qua hai tháng lạm phát đã lên đến 6,02%, bằng gần một nửa mức cả năm 2007, bằng 70% mục tiêu đề ra cho năm 2008; nếu tính theo năm đã lên tới hai chữ số (2 tháng năm nay so với 2 tháng năm trước đã lên đến 14,89%).

Đứng trước nguy cơ lạm phát cao, Chính phủ trong kỳ họp tháng 2.2008 đã yêu cầu tập trung cao nhất cho mục tiêu tăng trưởng và chống lạm phát; ngày 3.3, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản về việc tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008. Tác giả bài này cho rằng mục tiêu ưu tiên cần lựa chọn vào lúc này (những tháng đầu năm) là kiềm chế lạm phát; từ quý III trở đi sẽ chuyển sang ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Kiến nghị này được đề xuất dựa trên các căn cứ sau đây:

Trước hết, mức lạm phát đã quá cao, ngay từ đầu năm là rất có hại, tác động đến tâm lý của người dân. Do lạm phát cao, các nhà có vốn đầu tư đã không đưa vốn vào đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh (đầu tư trực tiếp), làm cho một lượng vốn lớn của xã hội đang chạy lòng vòng hết thị trường chứng khoán (mà lại chủ yếu là thị trường thứ cấp - là thị trường của những người chơi chứng khoán, chứ không phải là thị trường sơ cấp - thị trường tăng vốn cho doanh nghiệp), hoặc chôn vào thị trường bất động sản, hoặc mua vàng bỏ ống, hay gửi tiết kiệm (nhưng chủ yếu rút từ nơi có lãi suất thấp sang gửi ở ngân hàng có lãi suất cao). Tình hình trên cũng làm cho khá nhiều doanh nghiệp không tập trung vào sản xuất kinh doanh mà ôm vào hay chuyển sang đầu tư tài chính là lĩnh vực không chuyên nghiệp, lại rất dễ rủi ro.

Để chống lạm phát, bên cạnh biện pháp tăng cung hàng hóa, kiềm chế việc tăng giá những hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình trước đây dự kiến tăng như than, điện, xi măng, sắt thép, viện phí, học phí..., cần chú ý thực hiện các biện pháp cấp bách, đồng bộ. Nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư, nhất là lĩnh vực đầu tư công; xem xét lại những công trình, dự án đọng vốn quá lâu, công trình đầu tư kém hiệu quả, đình hoãn những công trình chưa thật hiệu quả, không đủ thủ tục, chưa rõ nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng dự trữ bắt buộc, tiếp tục áp dụng biện pháp mua tín phiếu ngân hàng Nhà nước bắt buộc như đã công bố, thực hiện chính sách lãi suất thực dương. Phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước (bằng đồng VN và bằng ngoại tệ) để hạn chế tình trạng đô la hóa, hút tiền nhàn rỗi về, giảm áp lực lạm phát, tăng dự trữ quốc gia. Mở rộng biên độ giao dịch ngoại tệ lên gấp đôi, gấp ba mức hiện tại.

Thực hiện các biện pháp chống lạm phát cùng với tốc độ tăng giá tiêu dùng từ tháng 3 trở đi đến hết quý II, quý III thường thấp sẽ làm giảm bớt sức ép lạm phát, tạo ra tâm lý tốt trong xã hội, nguồn vốn xã hội sẽ chuyển sang đầu tư trực tiếp, khi đó tăng trưởng kinh tế sẽ cao lên. Hơn nữa, đối với Việt Nam tăng trưởng kinh tế thường cao lên trong quý III, đặc biệt là quý IV. Kết quả cả năm sẽ vừa kiềm chế được lạm phát, vừa tăng trưởng được kinh tế.

tn

Các tin tức khác

>   Sở giao dịch NHNo&PTNT Việt Nam tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm cá nhân (05/03/2008)

>   Nhà đầu tư tiếp tục gom vàng khi giá giảm nhiệt (06/03/2008)

>   Chủ tịch FED thúc giục có thêm biện pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhà đất (05/03/2008)

>   Lãi suất USD sẽ tiếp tục được đẩy lên cao (05/03/2008)

>   ANZ giới thiệu sản phẩm tiết kiệm không kỳ hạn với lãi suất hấp dẫn (05/03/2008)

>   Lãi suất: quốc doanh đua theo cổ phần (05/03/2008)

>   Hờ hững USD (05/03/2008)

>   Giá vàng giảm mạnh (05/03/2008)

>   Những câu hỏi từ hiện tượng hạn chế đổi ngoại tệ (05/03/2008)

>   HSBC được thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam  (05/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật