Lãi suất tiết kiệm "đè" chứng khoán
"Đầu tư lâu dài chỉ cần hơn lãi suất tiết kiệm là ổn rồi" - đó là quan điểm của nhiều nhà đầu tư trong năm 2007 khi lãi suất tiết kiệm trung bình chỉ khoảng 8%/năm. Nhưng hiện nay, khi lãi suất tiết kiệm đến mức 12%/năm, nhiều nhà đầu tư đua nhau chọn gửi tiết kiệm thay vì "chơi" chứng khoán.
Đầu tư dài hạn lỗ nặng
Chị Nga, một nhà đầu tư tại TP.HCM kể, tháng 6.2007 khi cổ phiếu (CP) ngân hàng giảm mạnh, chị quyết định mua vào 20 CP Ngân hàng Phương Đông (OCB) với giá 9 triệu đồng/CP và 100 CP Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với giá 12 triệu đồng/CP với ý định đầu tư lâu dài. Với mức giá trên, các CP này đã mất giá tới hơn 40% so với đầu năm 2007 nên chị yên tâm với việc đầu tư của mình. Nhưng việc mất giá không dừng lại ở đó mà tiếp tục giảm bất chấp các thông tin về lợi nhuận và quy mô của các ngân hàng này. Đến đầu năm 2008, nghĩa là sau gần 1 năm đầu tư lâu dài, không chịu nổi đà mất giá này, chị Nga chấp nhận cắt lỗ bán ra CP Eximbank với giá 4,5 triệu đồng (trước đó đã tụt xuống ngưỡng 3,7 triệu đồng/CP). "Tính cả 20% CP phát hành thêm, tôi vẫn bị lỗ 60%" - chị Nga than.
Một nhà đầu tư khác mua CP VIC với giá 180.000 đồng/CP cũng cho biết, khi thị trường sụt giảm, nhiều người khuyên chị không nên bán ra mà chuyển sang đầu tư lâu dài để tránh lỗ. Nhưng kể cả khi VIC phát hành thêm CP cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 (2 cổ phiếu cũ được mua 1 CP mới) - một mức rất hấp dẫn - thì chị "lỗ vẫn hoàn lỗ". "Tôi bỏ ra 90 triệu đồng mua 500 CP VIC. Giờ đóng thêm 2,5 triệu đồng để mua CP thưởng thì tổng cộng tôi đã bỏ ra 92,5 triệu đồng và có được 750 CP. Tính theo mức giá khoảng 90.000 đồng/CP hiện nay thì tôi chỉ thu về được chưa tới 70 triệu đồng, lỗ hơn 20 triệu đồng. Tôi chỉ mong hòa vốn chứ chẳng mong bằng được lãi suất tiết kiệm như mọi người vẫn nói" - nhà đầu tư này nói.
Tiết kiệm "hút" vốn
Chứng khoán sụt giảm mạnh trong khi lãi suất tiết kiệm của ngân hàng hiện quá hấp dẫn. Đặc biệt, các ngân hàng cạnh tranh huy động tiền gửi thông qua việc lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn như hiện nay đã khiến không ít nhà đầu tư chọn gửi tiết kiệm thay vì đầu tư CP. Theo nhà đầu tư tên Hòa tại sàn Đại Việt, chị mới rút hết số tiền còn lại trong tài khoản là 236 triệu đồng để chuyển sang gửi tiết kiệm với lãi suất 1%/tháng. "Không phải tính toán gì, mỗi tháng cũng được hơn 2 triệu đồng tiền chợ. Cả năm vừa rồi càng chơi chứng khoán, càng thấy thâm hụt vốn" - chị nói. Trả lời câu hỏi phải chăng chị muốn "đoạn tuyệt" với chứng khoán, chị Hòa cho biết, chứng khoán sụt giảm quá mạnh nên chị tạm thời dừng lại để bảo toàn vốn. Khi nào thị trường "tai qua nạn khỏi", chị sẽ quay lại đầu tư.
CP mất giá quá nhanh, nhiều nhà đầu tư lâu dài kỳ vọng vào việc chia cổ tức của các doanh nghiệp để cứu vãn phần nào thiệt hại của mình. Tuy nhiên, kỳ vọng này cũng bị các doanh nghiệp làm thất vọng. Hàng loạt doanh nghiệp công bố không chia cổ tức bằng tiền mặt mà bằng CP thưởng. "Ai cũng biết CP cũng là tiền nhưng trong thời điểm hiện nay, CP giá rẻ lại khó bán. Đó là chưa kể hầu hết các nhà đầu tư lâu dài như chúng tôi đều coi CP thưởng như cách vớt vát lại giá CP đã mua trước đó mà thôi" - một nhà đầu tư nói. Với những doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt thì mức chia cũng khiêm tốn, hầu hết ở mức 1.000 - 1.500 đồng/CP. Mức 2.000 đồng/CP khá hiếm và mức cao hơn gần như không có. Cả năm "bấm bụng" nhìn CP mất giá, cuối năm lại được chia cổ tức quá "bèo" nên nhiều nhà đầu tư quyết định tạm thời chia tay chứng khoán để chuyển sang tiết kiệm.
Nguồn vốn đầu tư lâu dài đã và đang có xu thế chọn tiết kiệm làm kênh đầu tư. Trong ngắn hạn, việc này cũng gây ảnh hưởng nhất định đến nguồn cầu của thị trường chứng khoán. Nói như giới đầu tư thì "tiết kiệm đang góp tay làm hại chứng khoán".
tn
|