“Giải pháp” SCIC hết hiệu nghiệm
Ngay sau khi có thông tin Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ mua vào một số cổ phiếu, thị trường đã có vài phiên hồi phục trở lại. Tuy nhiên, “lá bùa” SCIC đã nhanh chóng hết hiệu nghiệm.
Có thể nói, thành công lớn nhất của SCIC là hỗ trợ vấn đề tâm lý cho các nhà đầu tư khi thị trường lao dốc không phanh.
Bởi ngay sau thông tin SCIC sẽ mua vào một số cổ phiếu, nghĩa là lúc SCIC chưa có hành động cụ thể gì, thị trường đã có phiên tăng mạnh trở lại. Tại các sàn giao dịch thời điểm này, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân tỏ ra lạc quan bởi suy nghĩ “nhà nước” đã vào cuộc. Nhưng vài phiên hồi phục đầy tính tâm lý cũng nhanh chóng qua đi. Cả tuần vừa qua, VN-Index liên tục đi xuống, trượt qua ngưỡng 600 điểm một cách chóng vánh. Đóng cửa tuần qua, VN-Index đã xuống còn 545,68 điểm. Tiếng thở dài lại tràn ngập các sàn giao dịch, các nhà đầu tư gom hàng vì kỳ vọng SCIC ra tay “cứu” thị trường, đã chuyển sang thất vọng.
Một chuyên gia tài chính chứng khoán tại TP.HCM phân tích, bản thân SCIC cũng chỉ là công ty nắm sở hữu vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp chủ yếu bằng cổ phiếu, cổ phần chứ không nắm giữ nhiều tiền mặt. Vì vậy, SCIC không thể “trường vốn” để “cứu” thị trường trong lâu dài. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư và các tổ chức lớn đều hiểu rõ điều này nên đã tận dụng cơ hội thị trường phục hồi để xả hàng. Còn các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ chờ đợi mãi không thấy SCIC công bố mua vào bao nhiêu, mua cổ phiếu nào thì ngay lập tức cũng đành chấp nhận lỗ để ra hàng dù chỉ mới mua vào vài phiên trước đó. Đây là lý do khiến thị trường lại nhanh chóng sụt giảm. “Khi thị trường phụ thuộc vào vấn đề tâm lý của các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì những biện pháp tình thế chỉ giải quyết được một vài phiên mà thôi” - chuyên gia này nói.
Theo một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, hành động điều tiết thị trường hay nói nôm na là “cứu” thị trường bằng cách mua vào hay bán ra cổ phiếu là việc của các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán... Còn SCIC là một doanh nghiệp chứ không phải là một quỹ điều tiết thị trường nên việc SCIC đứng ra mua vào cổ phiếu không thể có tác động như mong muốn. Bên cạnh đó, SCIC là doanh nghiệp nhà nước nên việc “nhảy vào” này được hiểu là sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường chứng khoán. Mà dùng cách này dù với mục đích gì cũng khiến cho các nhà đầu tư lo ngại hơn là vui mừng.
Từ một góc nhìn khác, ông Huy Nam, chuyên gia tài chính chứng khoán đặt vấn đề, SCIC cũng chỉ là một nhà đầu tư, năng lực tài chính có được bao nhiêu để “cứu” thị trường theo cách mua vào chứng khoán? Thậm chí, nếu SCIC thực sự đủ lực thì cũng rất có thể sẽ tiến hành mọi việc theo kiểu công chức. Nghĩa là lọc ra một danh sách các cổ phiếu như kiểu quy hoạch đất đai và sẽ dẫn đến tình trạng quy hoạch chỗ nào chạy theo chỗ đó. “Có thể nói, bây giờ thị trường đang thử thách lại SCIC. Nếu SCIC tham gia với mục đích bình ổn thì phải mạnh về năng lực tài chính và ra vào hợp lý. Nhưng xét về mặt điều tiết thị trường thì SCIC không hề có kinh nghiệm. Nếu có kinh nghiệm đi chăng nữa thì không chỉ một “nhà đầu tư nhà nước” có thể bình ổn được mà phải vận động cả thị trường tham gia mới có hy vọng” - ông Nam nói. Một số ý kiến lại cho rằng, vì là doanh nghiệp, SCIC cũng coi lợi nhuận là quan trọng nhất và “biết đâu SCIC cũng đang lướt sóng, cạnh tranh với chính các nhà đầu tư chứ không phải thực hiện mục đích ban đầu là hỗ trợ thị trường”.
Đến thời điểm này có thể nói, “giải pháp” SCIC đã hết hiệu nghiệm và thị trường lại tiếp tục những phiên mất điểm mạnh. Khó khăn và cơ hội vẫn tiếp tục thử thách bản lĩnh của các nhà đầu tư.
tn
|