Thứ Sáu, 14/03/2008 11:23

Gõ cửa thị trường chứng khoán London

Khi diễn biến của TTCK Việt Nam không thuận lợi, không ít doanh nghiệp đã phải gác lại kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh do việc huy động vốn gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp nghĩ đến giải pháp niêm yết song song, để khi khó khăn ở TTCK này có thể huy động vốn trên TTCK khác. Đó là một trong những lý do khiến cuộc hội thảo về cơ hội niêm yết trên TTCK London do Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC) và Sở Giao dịch chứng khoán London (LSE) tổ chức hôm 10/3 đã thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia.

LSE - "trái tim" tài chính thế giới

Hiện có hơn 3.000 công ty thuộc 60 quốc gia đang niêm yết tại LSE với lượng vốn hoá hàng nghìn tỷ USD. Đây là thị trường lâu đời nhất và duy nhất trên thế giới có giá trị vốn hoá của các công ty niêm yết lớn hơn các doanh nghiệp trong nước. Năm 2006 và 2007, LSE đã "qua mặt" TTCK New York về quy mô IPO và huy động vốn. Năm 2007, tại LSE đã có 52 tỷ USD được huy động qua hình thức IPO và 60 tỷ USD huy động qua các hình thức khác. LSE cũng quy tụ nhiều quỹ đầu tư trên thế giới (được quản lý bởi LSE) với nguồn vốn lên đến 43 tỷ USD.

Bà Jane Zhu, Tổng giám đốc LSE khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên LSE có nhiều điểm thuận lợi như có thể huy động vốn một cách dễ dàng, để niêm yết chỉ cần tuân thủ các nguyên tắc của Sở… "Việc giao dịch tại LSE từ 8h sáng đến 5h30, chiều phù hợp với khung giờ làm việc của Việt Nam, nên bạn vẫn có thể vừa xử lý mọi việc trong ngày, vừa theo dõi giao dịch", bà Jane Zhu nói.

TTCK LSE phân cấp thành hai thị trường: Main market (thị trường chính hiện có 1.605 DN niêm yết dành cho các cổ phiếu blue-chip của các tập đoàn lừng danh thế giới) và AIM companies (thị trường dành cho các công ty quy mô nhỏ với tiêu chuẩn niêm yết ít khắt khe hơn, hiện có 1.693 công ty niêm yết). Tại thị trường AIM, các DN có quy mô nhỏ nhưng kinh doanh tốt, quản trị tốt và triển vọng tốt luôn luôn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Theo ý kiến bà Jane Zhu, DN Việt Nam có thể tham gia vào thị trường AIM, nơi các điều kiện về lợi nhuận, chế độ báo cáo kiểm toán, thông tin công bố đỡ khắt khe hơn. Tại thị trường này, khả năng hỗ trợ DN về huy động vốn, quảng bá tên tuổi… cũng không kém thị trường Main market.

Điều kiện niêm yết tại AIM

Để có thể niêm yết tại TTCK AIM, các DN phải được Cơ quan quản lý niêm yết Anh quốc cấp phép. Đồng thời, DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: có vốn hoá từ 2 triệu USD trở lên, làm ăn có lãi, đang niêm yết tại TTCK trong nước, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 20% trở lên, báo cáo kiểm toán do một công ty kiểm toán quốc tế thực hiện (nếu là công ty kiểm toán trong nước thì phải được tổ chức kiểm toán quốc tế chấp thuận).

Khi đi vào giao dịch, công ty niêm yết phải sang London để báo cáo với các nhà đầu tư mỗi quý một lần về tình hình hoạt động, 6 tháng phải có báo cáo chi tiết bằng văn bản. Trong HĐQT cần có một thành viên thông thạo tiếng Anh để có thể giao tiếp trực tiếp với nhà đầu tư. DN cũng cần lập một văn phòng đại diện ở London để làm nơi cung cấp thông tin cho nhà đầu tư tại đây.

Để huy động vốn trên LSE, DN Việt Nam phải có kế hoạch khả thi trong việc sử dụng vốn. Kế hoạch này sẽ được kiểm chứng bởi một công ty kiểm toán uy tín. Theo bà Jane Zhu thì để huy động được vốn, việc minh bạch thông tin và hiện đại hoá cách quản trị cần được DN ưu tiên hàng đầu.

Dễ hay khó?

"Tôi nghĩ, những khó khăn mà DN Việt Nam có thể gặp phải sẽ giống như các DN Trung Quốc trước đây. Trước hết, đó là tính minh bạch trong quản trị và việc công bố thông tin còn hạn chế. Bên cạnh đó, chế độ kế toán, kiểm toán của Việt Nam có một số điểm  khác với chuẩn của thế giới, nên sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để hoàn thiện hồ sơ. Nhưng tôi tin DN Việt Nam sẽ tiếp bước các DN Trung Quốc để ghi danh vào LSE", ông Jack Wong, Giám đốc Phát triển kinh doanh khu vực Đông Á của LSE cho biết.

Hiện có 7 quỹ đầu tư của Việt Nam niêm yết tại LSE, đó là: Indochina Capital, Vietnam HLD Ltd, Vietnam Opportunity Fund, Vinaland, JSM Indochina Ltd, Vietnam Infastucture Ltd, SGL Vietnam. Đây là các quỹ có vốn đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam, tham gia vào các lĩnh vực: đầu tư chứng khoán, bất động sản, hạ tầng...

Ông Matt Gorman đến từ Công ty Luật S.Harwood (đã từng đưa rất nhiều DN lên niêm yết tại thị trường AIM) cho biết, không thể không có luật sư trong quá trình đưa cổ phiếu lên niêm yết. Bên cạnh việc am hiểu "luật chơi" của AIM, luật sư sẽ giúp DN trong quá trình soát xét các điều luật của Anh quốc có phù hợp với mình không, đồng thời đưa ra các khuyến nghị, tránh cho DN đưa ra những lời hứa, lời tuyên bố thiếu tin cậy. "Có thể bạn nghĩ là nhiều nhưng phải có 3 - 4 luật sư tham vấn ở các góc độ khác nhau thì việc niêm yết tại AIM mới hiệu quả và tuân thủ đúng các quy định", ông Matt Gorman nói.

Bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu của Cơ quan quản lý niêm yết Anh quốc và phê chuẩn của TTCK London, các DN cũng phải tuân thủ thêm một số quy định về niêm yết của châu Âu.

Tuỳ thuộc vào quy mô, nhưng để niêm yết tại LSE thì chi phí trung bình cho mỗi DN  khoảng trên 1 triệu USD (hơn 16 tỷ đồng). So với TTCK New York thì chi phí thấp hơn khoảng 30%, nhưng với một số thị trường khác như Singapore hay Hàn Quốc lại cao hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia thì chi phí cao đồng nghĩa với việc DN được sử dụng các dịch vụ về tư vấn, kế toán, kiểm toán tốt và đó cũng là cách để nâng tầm DN khi niêm yết tại LSE.

Trao đổi với ĐTCK, ông Hoàng Đình Lợi, Phó tổng giám đốc CTCK Sài Gòn - Hà Nội cho biết, dưới góc độ tư vấn thì Công ty hoàn toàn có thể hỗ trợ DN niêm yết tại TTCK London. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là từ phía DN như: chi phí niêm yết lớn, khả năng tiếng Anh của lãnh đạo DN hạn chế. Đặc biệt, các dự án phải đủ lớn về quy mô và thuyết minh được tính hiệu quả, tính khả thi mới có thể huy động vốn thành công tại LSE.

đtck

Các tin tức khác

>   Chống lạm phát để chứng khoán đi lên (14/03/2008)

>   Vì sao vàng, CK không lên mức giá như mong đợi? (14/03/2008)

>   Vinamilk áp dụng công nghệ men sống (14/03/2008)

>   Mua cổ phiếu quỹ: Vướng cơ chế! (14/03/2008)

>   Sau sự cố về tin đồn thất thiệt: SSI giúp VN-Index tăng nhẹ (14/03/2008)

>   Cứu chứng khoán, cứu nền kinh tế (14/03/2008)

>   Nhà đầu tư về đâu? (14/03/2008)

>   Bỏ sàn chứng khoán sang 'lướt sóng' vàng (14/03/2008)

>   Báo cáo tài chính đã kiểm toán 2007 – SAP (13/03/2008)

>   ASP: Hủy ý định giao dịch của người có liên quan đến cổ đông nội bộ (13/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật