Chống lạm phát để chứng khoán đi lên
Judd C. Kinne, phụ trách phát triển kinh doanh khu vực của tập đoàn Tài chính Kim Eng (Singapore), có thâm niên 30 năm lăn lộn ở thị trường tài chính các nước châu Á, đặc biệt các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Ông đã nhiều lần đến Việt Nam. Từ Singapore ông trả lời phỏng vấn TBKTSG về những biến động đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Quan sát từ bên ngoài ông có nhận thấy sự thay đổi trong mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến chứng khoán Việt Nam không? Nó có gì khác so với mối quan tâm năm ngoái?
- Ông Judd C. Kinne: Tất cả thị trường chứng khoán thế giới, nhất là các thị trường mới nổi, đều đang bị tác động ở mức độ khác nhau từ “căn bệnh lây nhiễm tài chính” do cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn ở Mỹ gây nên. Nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động mạnh hơn còn do ảnh hưởng của việc thắt chặt tiền tệ chống lạm phát (với mức sụt giảm 37% kể từ đầu năm đến nay, chứng khoán Việt Nam đang trở thành thị trường có mức sụt giảm mạnh nhất ở châu Á - NV). Tuy nhiên, đã rõ ràng là năm ngoái chứng khoán Việt Nam được định giá quá cao và đầu cơ là đáng kể. Lạm phát cao hơn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu vì chi phí giá thành sản xuất cao hơn đối với các công ty niêm yết, và vì chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay việc định giá chứng khoán đã gần với giá trị thực nên các tổ chức đầu tư nước ngoài trở nên quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam. Bằng chứng là giá trị mua vào ròng của nhà đầu tư nước ngoài hai tuần gần đây tăng lên. Nếu các quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài cởi mở hơn như thuận lợi hóa việc mở tài khoản hay kiểm soát tiền tệ, thì chắc chắn việc mua cổ phiếu của họ sẽ tăng đáng kể.
Ông dự báo như thế nào về dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam năm nay?
- Do năm nay rủi ro trong lĩnh vực quản lý tài sản (financial assets) cao hơn năm ngoái nên vốn từ các quỹ nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ ít hơn. Vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cao, nhưng mức độ giải ngân thấp, chỉ khoảng 4 tỉ đô la Mỹ. Nguyên nhân là các dự án cơ sở hạ tầng triển khai chậm, thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh cao (chẳng hạn giá thuê văn phòng đắt đỏ).
Chính phủ Việt Nam vừa đưa ra cả gói giải pháp để vực dậy thị trường, kể cả mua vào cổ phiếu thông qua Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Ông có nghe nói đến biện pháp này không?
- Cho phép một định chế như SCIC dùng vốn nhà nước để hỗ trợ thị trường đang sụt giảm không bao giờ là một ý tưởng hay. Nhiều nước đã thử “bài” này và kết quả nhìn chung là tiêu cực. Một động thái như vậy trong ngắn hạn có thể nâng đỡ giá cổ phiếu nhưng những yếu tố của một thị trường suy giảm sẽ dần lấy lại quán tính. Cần phải giảm sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào việc xác định giá trị cổ phiếu cả ở hai chiều khi thị trường lên và xuống nhằm đảm bảo cho thị trường vốn phát triển lành mạnh
Chính sách chống lạm phát có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Ông có nghĩ các nhà đầu tư sẽ cân nhắc điều này khi xây dựng chiến lược đầu tư của họ ở Việt Nam? Việc để đồng Việt Nam lên giá, theo ông, là con đường đúng để kiềm chế lạm phát?
- Đúng vậy. Thực hiện chính sách siết chặt tiền tệ là công cụ phổ biến để chống lạm phát và tất yếu làm tăng trưởng chậm lại. Điều này giải thích tại sao chứng khoán thường phải “chịu đau đớn” khi lạm phát tăng lên. Tôi cho rằng đó là kết cục mà Chính phủ cần phải chấp nhận. Lạm phát càng nhanh chóng bị dập tắt từ trong trứng nước bao nhiêu, thì thời kỳ chịu đựng “đau đớn” cho tất cả mọi đối tượng càng ngắn bấy nhiêu! Khi lạm phát đã bén rễ thì chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ phải kéo dài.
Định giá lại tiền đồng cũng là một công cụ thường được sử dụng để chống lạm phát.
Trong trường hợp xấu nhất, cần phải tạm ngưng giao dịch một vài ngày để nhà đầu tư bình tĩnh lại. Phải chăng đó là khả năng cần tính đến, thưa ông?
- Không, tôi không nghĩ thế. Tạm ngưng giao dịch sẽ có ảnh hưởng không tích cực.
Câu hỏi cuối. Tiền đồng lên giá đang làm cho các hoạt động kinh doanh tỷ giá và lãi suất nhộn nhịp hơn trên thị trường tài chính Việt Nam (carry trade). Liệu có phương thức gì để hạn chế một cách thích hợp điều đó?
- Cần có sự phối hợp giữa ngân khố và tiền tệ. Về phía tiền tệ là giảm mức tăng trưởng khối lượng tiền mặt (sự thiếu hụt tiền mặt có thể sẽ thu hẹp carry trade). Về phía ngân khố là tăng hiệu quả, năng suất thu chi để làm sao sự tăng trưởng không phải đánh đổi quá nhiều cho một mức lạm phát thấp hơn.
TBKT SG
|