Mua cổ phiếu quỹ: Vướng cơ chế!
Trước thực trạng chứng khoán rớt giá quá sâu, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã kiến nghị được mua vào cổ phiếu quỹ nhưng lại vướng những quy định của SSC và HoSE
Hàng loạt công ty niêm yết đã đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ từ nguồn vốn thặng dư và tiền nhàn rỗi chưa sử dụng như: Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) mua 300.000 cổ phiếu, Công ty Cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM) mua lại 650.000 cổ phiếu, Công ty Cổ phần Lilama 10 (L10) mua 100.000 cổ phiếu...
Quy định “vênh” nhau
Theo ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch CLB Các công ty niêm yết, việc mua vào của các công ty niêm yết càng nhanh sẽ càng kích cầu thị trường. Tuy nhiên, theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), doanh nghiệp (DN) phải đăng ký với SSC trong vòng 3 ngày và nếu được SSC chấp thuận thì sau 10 ngày mới được thực hiện giao dịch. Thời gian như vậy là quá lâu trong khi thị trường chứng khoán đang có nhiều biến đổi thất thường. Một quy định khác của SSC cũng hạn chế hoạt động mua vào của DN là giới hạn lượng giao dịch trong mỗi phiên phải thấp nhất là 3%, cao nhất là 5% lượng cổ phiếu đã đăng ký mua. Trong khi đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) lại “đẻ” thêm một quy định khác là lượng mua không được vượt qua 10% của phiên liền kề trước.
Ông Tâm phân tích: Nếu một DN đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu quỹ thì trong mỗi phiên, họ phải mua ít nhất 30.000 cổ phiếu – nhiều nhất là 50.000 cổ phiếu. Nếu phiên giao dịch trước, DN này mua với số lượng tối đa là 50.000 cổ phiếu thì HoSE quy định phiên tiếp theo họ chỉ được mua 10% trong tổng số cổ phiếu đã mua của phiên trước, tương ứng với 5.000 cổ phiếu. Như vậy là có sự “vênh” nhau giữa quy định của SSC và HoSE.
Quy định phải phù hợp với tình hình thị trường
Ông Lê Nhị Năng, Phó Tổng Giám đốc HoSE, thừa nhận HoSE cũng đã nhận thấy sự bất hợp lý trong quy định trên. Vì vậy, HoSE đang tiến hành sửa đổi. Mặt khác, về thời gian để DN được giao dịch kể từ khi đăng ký, HoSE cũng thấy rằng như vậy là quá lâu. Nhiều DN đã đăng ký với SSC và được mua vào cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, nếu HoSE không linh hoạt giải quyết thì có lẽ đến thời điểm này vẫn chưa có DN nào được mua vào.
Theo ông Tâm, việc SSC quy định giới hạn mua vào của các công ty niêm yết ở mức 3%-5% nhằm hạn chế những tiêu cực, hiện tượng làm giá của các DN. Nhưng nó chỉ hợp lý trong điều kiện thị trường chứng khoán đang hoạt động bình thường. Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính, SSC nên tạo cơ chế thoáng cho các DN thực hiện mua vào. Về thời gian, SSC nên cho phép DN mua vào trong vòng 3 ngày. Đồng thời, nên giới hạn lượng mua vào từ 2%-10%. Tuy nhiên, giới hạn này chỉ tạm thời trong một thời gian ngắn đến khi nào thị trường bình ổn trở lại. Đồng thời, HoSE nên bỏ hẳn quy định chỉ được mua không quá 10% khối lượng giao dịch phiên trước. Một chuyên gia chứng khoán cho rằng SSC nên nghiên cứu xem việc tạo cơ chế thoáng như trên có tác động tốt đến thị trường hay không. Nếu có thì nên tạm thời thay đổi nhưng cần có biện pháp hạn chế những tiêu cực có thể nảy sinh.
“Vỡ” kế hoạch tăng vốn
Theo quy định tại Nghị định 14/2007/NĐ-CP, từ ngày 1-1-2009, tất cả các DN niêm yết trên HoSE phải hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên mức tối thiểu 80 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng quy định trên có nguy cơ bị “vỡ” kế hoạch. Chính việc phát hành ồ ạt, thi nhau tăng vốn điều lệ đã khiến thị trường mất cân đối cung – cầu. Nếu từ nay đến cuối năm, 50 DN còn lại trên HoSE tiếp tục phát hành để hoàn thành mục tiêu tăng vốn thì sẽ làm loãng cổ phiếu, phát hành ồ ạt mà chưa có kế hoạch kinh doanh và sử dụng nguồn vốn hợp lý thiệt hại rất lớn. Để bình ổn thị trường, các chuyên gia cho rằng SSC nên dãn thời gian tăng vốn điều lệ cho các DN, ít nhất phải đến năm 2010.
NLĐ
|