Thứ Ba, 19/02/2008 15:23

Hàng hải Việt Nam: Một năm nhìn lại!

Năm 2007 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với ngành hàng hải Việt Nam. Diễn biến không thuận lợi của thời tiết, giá nguyên - nhiên liệu, vật tư, thiết bị, tiền thuê đất… đều tăng cao; sự cạnh tranh khốc liệt về mọi mặt (công nghệ, trang thiết bị, nhân lực…) giữa các công ty trong ngành và với các đối tác bên ngoài vừa là động lực vừa là thách thức cho sự phát triển của từng công ty và toàn ngành hàng hải nói chung. Tuy nhiên, năm 2007 được đánh giá là năm thành công của ngành hàng hải Việt Nam.

Minh chứng là trong năm vừa qua, khối lượng hàng hoá thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam tăng mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt là những khu vực kinh tế trọng điểm, khối lượng hàng hoá tăng rất nhanh như: Hải Phòng tăng 47,3%, TP. HCM tăng 17,4%... Sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển đạt 181,116 triệu tấn, tăng 17,2%, trong đó hàng container đạt 4.489.165 TEUs, tăng 31,2%; hàng khô đạt 79,444 triệu tấn, tăng 17,2%; hàng quá cảnh đạt 17,113 triệu tấn, tăng 16,1%... Số lượt tàu ra vào cảng biển cũng tăng mạnh, với tổng dung tích 320,176 triệu GT, tăng 18%. Đội tàu biển Việt Nam đã vận tải được 61,350 triệu tấn, tăng gần 20%. Song song với việc phát triển vận tải biển là việc phát triển không ngừng công nghiệp đóng tàu, đạt tốc độ tăng trưởng 73% về sản lượng; đóng mới hạ thuỷ gần 750.000 tấn tàu các loại… Những con số đạt được đã chứng minh một cách đầy thuyết phục về đường hướng phát triển của ngành hàng hải trong năm qua.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, ngành hàng hải đã chú trọng vào việc đầu tư đổi mới đội tàu nhằm tăng tấn trọng tải, tận dụng điều kiện thuận lợi của thị trường là giá cước vận chuyển tăng cao nên hàng loạt công ty vận tải biển đã đầu tư phát triển đội tàu, tiếp nhận và đưa vào khai thác có hiệu quả nhiều tàu đóng mới và các tàu đã qua sử dụng. Hiện nay, đội tàu quốc gia Việt Nam có 1.199 tàu với 2.937.327 GT và 4.384.880 DWT, trong đó có 46 tàu treo cờ phương tiện nước ngoài.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển đội tàu, hàng hải Việt Nam cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển trọng điểm. Hàng loạt chương trình đầu tư trọng điểm đã được tập trung triển khai như: chương trình di dời chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn ra khu vực Cái Mép - Thị Vải; dự án cảng Container Vũng Tàu tại Bến Đình - Sao Mai…

Các công ty hàng hải, đặc biệt là những công ty nhà nước, đã và đang thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động. Chỉ tính riêng các công ty trực thuộc Tập đoàn Hàng hải Việt Nam (Vinalines), trong năm 2007 đã có 4 doanh nghiệp được cổ phần hóa, đó là: Công ty Vận tải biển Việt Nam, Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, Công ty Vận tải biển Bắc và Công ty Inlaco Sài Gòn. Ngoài ra, một số cảng biển như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng, cảng Quảng Ninh cũng đã hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên. Các công ty sau khi chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động đã đạt được những kết quả kinh doanh rất ấn tượng, điển hình là CTCP Vận tải biển Bắc (Nosco). Kết thúc năm 2007, Nosco đạt doanh thu 358,457 tỷ đồng, tăng 92,8%; lợi nhuận trước thuế đạt 50 tỷ đồng, gấp 8,06 lần.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng hải Việt Nam cũng gặp một số khó khăn cần khắc phục, cụ thể như sau:

- Đối với việc phát triển đội tàu, các công ty hàng hải tuy có xu hướng đầu tư tàu có trọng tải lớn nhưng độ tuổi lại già với mục đích giảm thiểu chi phí đầu tư. Trong điều kiện hiện nay, các dự án này có thể mang lại lợi nhuận trước mắt nhưng khó đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài.

- Các dự án đầu tư xây dựng cảng nước sâu đang trong giai đoạn triển khai thực hiện, vì vậy chưa phát huy được hiệu quả đầu tư. Các dự án nạo vét luồng chưa thực hiện đúng tiến độ phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả khai thác của các cảng.

- Ngành hàng hải đang chú trọng đầu tư phát triển đội tàu nhưng lại chưa đầu tư tương xứng lực lượng sỹ quan, thuyền viên và cán bộ quản lý, làm hạn chế hiệu quả khai thác cũng như dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình vận hành đội tàu.

- Trong khi ngành đang đầu tư hàng loạt dự án nhà máy đóng tàu, thì lại chưa đầu tư đúng mức xây dựng nhà máy sửa chữa, nâng cấp tàu biển. Tàu chạy đến kỳ bảo hành, hỏng hóc, tai nạn đều phải mang sang nước ngoài, rất tốn công sức và tiền bạc, làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các công ty vận tải.

Theo quy hoạch của Chính phủ, để đạt chỉ tiêu GDP tăng 8,5%, ngành hàng hải phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng ít nhất 10%/năm. Ngành hàng hải phấn đấu đạt một số chỉ tiêu cơ bản trong năm 2008 như sau: sản lượng hàng hoá tăng 13%, sản lượng vận tải biển tăng 20%... Bên cạnh đó, ngành sẽ khởi công một số dự án trọng điểm như: 2 bến container của Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, 2 bến container của Cảng quốc tế Lạch Huyện, xây dựng bến số 2,3,4 cảng Cái Lân…

Phòng phân tích CTCK Thủ Đô

Các tin tức khác

>   Dự báo lạc quan về kinh tế Việt nam 2008 (19/02/2008)

>   70.000 euro cải thiện chất lượng nước ở TPHCM (19/02/2008)

>   Châu Á tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ lực của VN (19/02/2008)

>   Thị trường bất động sản rúng động (19/02/2008)

>   Việt Nam lọt vào Top 30 nhà xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ (19/02/2008)

>   Đóng 3 tàu chở dầu (19/02/2008)

>   Quan hệ DN và tham tán thương mại chưa có đột phá (19/02/2008)

>   Sơn Kova khánh thành nhà máy mới tại Campuchia (19/02/2008)

>   Bất động sản năm 2008: Hướng đến thị trường lành mạnh, ổn định (19/02/2008)

>   Trình Chính phủ dự án đầu tư 10 tỉ USD (19/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật