Thị trường bất động sản rúng động
Ngày 18.2, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) tổ chức họp mặt toàn thể gần 700 hội viên. Bao trùm không khí buổi họp mặt đầu năm là dồn dập các thông tin bất lợi khiến giới kinh doanh nhà đất rúng động.
Về phía lãnh đạo TP cũng bày tỏ những ưu tư, lo lắng về cơn sốt giá nhà đất trong thời gian qua và nguy cơ vỡ bong bóng giá nhà đất.
Liều thuốc quá nặng!
Ông Lê Hoàng Châu - Phó Chủ tịch Horea cho rằng, vấn đề thời sự nhất hiện nay là cơn sốt nhà đất. Điều này khiến cho hàng vạn người nghèo ngày càng xa vời với giấc mơ sở hữu một chỗ ở.
Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có những can thiệp ở cấp vĩ mô như chỉ đạo xây dựng thuế luỹ tiến đánh vào nạn đầu cơ bất động sản; Ngân hàng Nhà nước rút hơn 20.000 tỉ đồng khỏi dòng lưu thông tiền tệ (tín phiếu)...
Cũng theo lời ông Lê Hoàng Châu: "Đây là liều thuốc quá mạnh, khiến cho các hội viên Horea lo lắng về tương lai của thị trường BĐS".
Bên lề buổi họp mặt, TGĐ một NHTM lớn ở TPHCM cho biết: "Giới ngân hàng bị rúng động bởi thông tin rút hơn 20.000 tỉ đồng ra khỏi dòng lưu thông, trong hoàn cảnh khan hiếm VND. Đặc biệt đối với các ngân hàng có tỉ lệ dư nợ cho vay đầu tư vào bất động sản ở mức cao. Điều này đặt các ngân hàng dưới một áp lực nặng nề phải đẩy nhanh tiến trình thu hồi nợ cho vay nếu không muốn bị đổ vỡ".
Cũng theo TGĐ này: "Với cái đà này, trong tương lai chắc chắn sẽ có một làn sóng ồ ạt rút vốn khỏi thị trường BĐS dẫn đến vỡ bong bóng giá BĐS".
Dưới góc độ là người đứng đầu chính quyền TP, ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TPHCM đã bày tỏ những ưu tư xung quanh cơn sốt giá nhà đất.
Theo ông Lê Hoàng Quân: "Thời gian gần đây, thị trường BĐS bắt đầu nổi lên, giá BĐS nóng từng ngày. Điều này đã hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào thị trường BĐS TP. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý toàn cục, các nhà quản lý không khỏi lo lắng.
Đại bộ phận người dân vẫn còn thu nhập thấp, mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 VN mới thoát khỏi nhóm các nước kém phát triển. Trong khi đó, giá cho thuê văn phòng của VN lại xếp hạng thứ 17 thế giới.
Điều này đã đặt ra cho lãnh đạo phải thấy được kinh nghiệm về giá bong bóng nhà đất ở Mỹ. Hậu quả là Chính phủ Mỹ đã phải "bơm" 165 tỉ USD để vực dậy thị trường BĐS"...
Còn ông Huỳnh Trương Phất - Phó TGĐ Cty cổ phần Kiến Á thì cho rằng: "Vấn đề bong bóng giá nhà đất là chuyện nóng và đáng ngại nhất trong tình hình kinh tế hiện nay".
Quá đà với bất động sản
Theo một chuyên gia, tổng dư nợ cho vay đầu tư vào BĐS trong hệ thống ngân hàng trên địa bàn TPHCM có thể đạt đến 40.000 tỉ đồng (số liệu cuối năm 2007 là 36.000 tỉ đồng). Sở dĩ cơn sốt nhà đất lần này kéo dài qua 3 năm 2006-2008 bất chấp các chính sách điều tiết vĩ mô là do có sự hậu thuẫn của hệ thống ngân hàng.
Sự hà hơi tiếp sức bền bỉ của hệ thống ngân hàng cho kênh đầu tư BĐS đã làm lệch kênh đầu tư. Không chỉ trong nước, tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố trong năm 2007 đạt hơn 2 tỉ USD thì có đến 80% đầu tư vào BĐS.
Sự đồng loạt đổ vốn đầu tư vào kênh BĐS đã đẩy giá nhà đất trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng bình quân 300% chỉ trong vòng chưa đến 15 tháng làm hình thành bong bóng giá nhà đất.
Cũng theo các chuyên gia, đã có bong bóng thì sẽ có nguy cơ vỡ bong bóng. Đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng giá nhà đất gây phản ứng dây chuyền trong nền kinh tế, việc siết chặt tín dụng cũng như nhiều biện pháp kinh tế khác trong hoàn cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết.
Ông Lê Hoàng Châu - Phó Chủ tịch Horea đề nghị: "Thay cho việc đánh thuế luỹ tiến vào nạn đầu cơ BĐS, Nhà nước nên áp dụng thuế tài sản như cách làm của Singapore. Đối với nhà để ở thuế 4%/năm; đối với nhà đất mua để dành, kinh doanh áp dụng thuế suất 12%/năm".
Ông Châu cũng kiến nghị một loạt các chính sách khác để phát triển lành mạnh thị trường BĐS trong thời gian tới.
lđ
|