Cơn lốc tăng lãi suất và hệ lụy...
Lãi suất huy động vốn của các ngân hàng đang liên tục tạo ra những đỉnh cao mới. Chương trình "Tiết kiệm siêu lãi suất" với mức lãi suất có kỳ hạn lên tới 12%/năm của Ngân hàng Đông Nam Á tưởng chừng đã là đỉnh điểm. Thế nhưng, với kỳ hạn 12 tháng là 13,8%/năm, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn tiếp tục tạo ra cú sốc cho thị trường lãi suất và khiến các ngân hàng khác không thể ngồi yên.
Diễn biến tình hình lãi suất trong vòng 1 tháng nay đã được nhiều người nhận định là một hiện tượng "chưa từng thấy" trong lịch sử lãi suất tiền gửi ở Việt Nam. Các kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ, lãi suất tăng cao nhưng việc thu hút vốn cũng không phải dễ dàng. Hiện tại, nhà đầu tư đang có quá nhiều cơ hội lựa chọn để đồng tiền sinh lời: thị trường vàng đang rất hấp dẫn với mức giá tăng cao liên tục, chứng khoán "phá đáy" tạo cơ hội mua vào cổ phiếu với giá rất rẻ ...
Có ý kiến cho rằng, việc cho vay hết cỡ trong năm 2007 với mức tăng gần 130% so với năm trước, là nguyên nhân khiến 2 tháng đầu năm 2008, một số ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần đang ở trong tình trạng căng thẳng VND. Nhìn lại thì thấy năm 2007 cũng là năm huy động vốn khá dễ dàng của các ngân hàng, thậm chí có thời điểm trong năm ngoái, hệ thống ngân hàng còn có tình trạng thừa vốn VND. Công bố các mục tiêu huy động vốn của hầu hết ngân hàng đều tăng từ 30% đến trên 50% vào thời điểm đó. Huy động nhiều, đương nhiên các ngân hàng phải đẩy mạnh các hoạt động cho vay (chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng)… mà không chú ý đúng mức đến cơ cấu danh mục đầu tư và cân đối sử dụng vốn. Thậm chí, một chuyên gia ngành ngân hàng còn đánh giá, vì "cơn lốc" lợi nhuận, một số ngân hàng cổ phần đã quên mất bài học quản trị thanh khoản, khi mạo hiểm sử dụng tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn khá lớn… Những tháng cuối năm 2007, nhiều ngân hàng đã đua nhau đưa ra các chương trình cho vay tiêu dùng, cho vay lĩnh vực bất động sản với kỳ hạn khá dài và hấp dẫn, có những mức vay có kỳ hạn lên tới 20 năm.
Thời điểm này, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, các ngân hàng cổ phần vẫn đảm bảo thanh toán; nhưng thực tế, nhiều ngân hàng đang đau đầu vì thiếu hụt vốn và phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng, tham gia đấu thầu vốn trên thị trường mở để bổ sung vốn, tăng cường vốn huy động trên thị trường (tăng lãi suất) và hạn chế tín dụng. Hiện tại, đã có khá nhiều ngân hàng cổ phần phải thông báo dừng cho vay ở một số lĩnh vực tiêu dùng…
Câu chuyện về cuộc đua lãi suất tín dụng hiện nay khiến nhiều người nhớ đến "cuộc đua" đưa ra các chính sách thu hút vốn đầu tư những năm trước đây. Từ khi Chính phủ phân cấp cho các địa phương quyền hạn lớn hơn đối với FDI, đã xảy ra hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là cuộc chiến "trải thảm đỏ khuyến khích đầu tư", tác động tiêu cực đến phúc lợi xã hội của địa phương tiếp nhận FDI, do những ưu đãi không cần thiết chỉ vì để cạnh tranh với địa bàn lân cận… Cơn lốc tăng lãi suất huy động cũng sẽ gây ra những hệ luỵ chẳng kém cho hệ thống ngân hàng nói riêng và cả hệ thống tài chính - ngân hàng nói chung, trong một tương lai không xa.
đtck
|