Phía sau những con số kỷ lục về lợi nhuận
Chưa năm nào các doanh nghiệp trong ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam lại gặt hái được nhiều thành công như năm 2007. Mức lợi nhuận thu về của các ngân hàng khiến nhiều người phải kinh ngạc, vì có những ngân hàng đạt hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận, vượt xa so với năm 2006 cũng như kế hoạch đã đề ra cho cả năm.
Tính đến gần hết tháng 12/2007, lợi nhuận trước thuế của hai ngân hàng có quy mô lớn nhất trong khối cổ phần là ACB và Sacombank đã vượt mức chỉ tiêu mới nhất đề ra. Cụ thể, Sacombank đạt trên 1.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (kế hoạch là 1.400 tỷ đồng). ACB cho biết, mức lợi nhuận sẽ chạm 2.000 tỷ đồng trước ngày 31/12/2007, vượt hơn 400 tỷ đồng so với kế hoạch.
Eximbank, DongA Bank, ABBANK, VietA Bank, VIB Bank, VP Bank, Techcombank… cũng là những ngân hàng đã gặt hái được khá nhiều thành công trong năm 2007. Đến hết tháng 12/2007, VIB Bank ước đạt 450 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2006 và đạt 128,57% kế hoạch cả năm. Là một trong những ngân hàng vừa mới được chuyển đổi quy mô hoạt động nhưng mức lợi nhuận trước thuế mà ABBANK thu về trong năm 2007 tăng 280% so với năm 2006, đạt 226 tỷ đồng. Eximbank dự kiến đạt trên 700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; VPBank dự kiến đạt lợi nhuận trên 300 tỷ đồng. Những con số trên cho thấy, bức tranh của ngành ngân hàng Việt Nam đầy tiềm năng và siêu lợi nhuận.
Chính vì thế mà trong những ngày đầu năm 2007, giá cổ phiếu ngân hàng tuy đã tăng cao nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn không ngần ngại bỏ vốn đầu tư. Thực tế, các ngân hàng đã nhanh chóng công bố việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm vào đầu quý IV/2007. Mức lợi nhuận tăng cao đến nỗi một số ngân hàng đã thay đổi chỉ tiêu dự kiến để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Chẳng hạn như, Sacombank đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận từ 1.200 tỷ đồng lên 1.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận đạt được với những con số kỷ lục trên chủ yếu thu về từ mảng kinh doanh nào của ngân hàng là câu hỏi được nhiều người quan tâm, nhất là các nhà đầu tư chứng khoán. Một chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, nguồn thu góp phần lớn vào lợi nhuận của ngân hàng trong năm qua là từ kinh doanh chứng khoán. Nắm bắt được cơ hội giá chứng khoán lên trong khoảng thời gian đầu năm 2007, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng bỏ vốn đầu tư. Một phần vốn đầu tư trực tiếp vào các cổ phiếu trên cả TTCK tập trung và phi tập trung bên cạnh việc đầu tư thông qua công ty chứng khoán trực thuộc. Một số nhà băng góp vốn đầu tư vào các lĩnh vực trong và ngoài ngành bằng cách mua cổ phần như Sacombank mua cổ phần của Hữu Liên Á Châu, ACB mua cổ phần của Eximbank…
Lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán đã góp phần rất lớn vào nguồn thu của ngân hàng. Đối với ACB, lợi nhuận thu về từ kinh doanh chứng khoán trong 9 tháng năm 2007 đã đóng góp hơn 300 tỷ đồng, chiếm gần một phần tư trong tổng lợi nhuận của Tập đoàn trong cùng khoảng thời gian. Với Sacombank, ngoài hoạt động của ngân hàng mẹ, nguồn lợi nhuận có sự đóng góp lớn từ các công ty con, như CTCK SBS, Công ty liên doanh Quản lý quỹ VFM, Công ty Sacombank-Leasing…
Theo các chuyên gia, năm 2007 được xem là năm thuận lợi cho ngành ngân hàng phát triển. Một phần là do cổ phiếu ngân hàng lên giá mạnh, tạo điều kiện cho các ngân hàng phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Từ đó, các nhà băng dễ dàng hơn trong việc mở rộng quy mô hoạt động và đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển và tăng trưởng khá mạnh, ngân hàng có thêm nhiều cơ hội phát triển các dịch vụ ăn theo. Chẳng hạn như cho vay cầm cố chứng khoán, repo cổ phiếu… Nhiều nhà băng đã tranh thủ mở công ty chứng khoán để "bành trướng" và tiến tới xây dựng tập đoàn đa ngành nghề.
Mặc dù vậy, khó khăn mà các ngân hàng gặp phải trong thời gian qua cũng không phải là ít. Ví dụ, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã tăng lên gấp đôi, hạn chế dòng vốn đầu ra của các nhà băng và làm gia tăng chi phí đầu vào. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tuy an toàn nhưng luôn được xem là thấp hơn so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng... Các ngân hàng không thể giảm mạnh lãi suất khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng. Ngược lại, ngân hàng còn phải chạy đua gia tăng lãi suất huy động tiền gửi để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Thêm vào đó, dịch vụ cho vay cầm cố vừa ra đời và được xem là mảng tín dụng tiềm năng đem lại lợi nhuận cao cho ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước siết chặt bằng Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN. Nhiều ngân hàng đã gặp khó khăn khi Chỉ thị 03 ra đời vì dư nợ cho vay cầm cố đã vượt quá mức quy định là 3% trên tổng dư nợ. Để thu hồi nợ vay, các ngân hàng đã phải cắt giảm lãi suất cho vay để nâng tổng dư nợ, tạo điều kiện điều chỉnh tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố về ngưỡng cho phép.
Một số ngân hàng đã "thất thu" trong mùa "bội thu" của năm 2007. Thông thường, doanh thu của các nhà băng tăng cao dịp cuối năm, vì nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao, kéo theo lãi suất đầu ra đi lên. Nhưng thực tế, trong năm 2007 vốn khả dụng của ngân hàng luôn trong tình trạng dư thừa, do nhu cầu vốn của doanh nghiệp tại các ngân hàng không còn cao như trước. Để huy động vốn cho các dự án sắp triển khai cũng như mở rộng quy mô, doanh nghiệp thường nghĩ đến thị trường chứng khoán. Chứng khoán phát triển trong hai năm qua đã tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp huy động vốn. Thậm chí, khi nguồn vốn huy động về chưa sử dụng hết, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến ngân hàng nhờ giữ hộ. So với những năm trước, hoạt động cho vay của ngân hàng đang thu hẹp dần. Riêng với mảng dịch vụ, tuy các ngân hàng trong nước đã nỗ lực phát triển các dịch vụ tài chính cá nhân trong thời gian gần đây nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu và mức lợi nhuận thu về từ dịch vụ chỉ chiếm một phần rất khiếm tốn trong tổng lợi nhuận đạt được. Đơn cử, ACB là một trong những nhà băng đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển dịch vụ trong hơn hai năm qua, nhưng lợi nhuận thu về chỉ chiếm trên 20% trong tổng lợi nhuận của năm 2007.
ĐTCK
|