Thứ Tư, 02/01/2008 20:09

Năm 2008, lãi suất đi theo hướng nào?

Năm 2008, dự báo cuộc đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng sẽ được tăng tốc mạnh mẽ. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước muốn ghìm cuộc đua này lại.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố mức lãi suất cơ bản đồng Việt Nam áp dụng trong tháng 1/2008 là 8,25%/năm, không đổi kể từ tháng 12/2005 đến nay. Các ngân hàng thương mại ngầm hiểu Ngân hàng Nhà nước không muốn mặt bằng lãi suất biến động mạnh để có thể tiếp tục kiểm soát lạm phát.

Lãi suất “nóng, lạnh” theo chứng khoán

Thị trường tín dụng năm 2007 có ba mốc đáng nhớ. Đó là vào tháng hai, các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất VND do thị trường chứng khoán “bốc hỏa”. Khi đó, nhiều người dân rút tiền tiết kiệm để đổ vào chứng khoán, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng và cạnh tranh với kênh đầu tư chứng khoán.

Sang tháng tám, thị trường chuyển biến theo hướng ngược lại khi thị trường chứng khoán trở nên trầm lắng. Các công ty chứng khoán, các công ty niêm yết và những nhà đầu tư cá nhân chùn chân, “hè nhau” đem gửi tiền ngân hàng. Nhiều đơn vị dư vốn đành phải hạ lãi suất để từ chối bớt tiền gửi.

Đến tháng mười một, lãi suất nhích lên trở lại khi các ngân hàng cần vốn ngắn hạn để cho doanh nghiệp vay vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh vào cuối năm. Thay vì tăng lãi suất liên tục sẽ phá vỡ cam kết thực hiện lãi suất thỏa thuận trong Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng tung ra nhiều chiêu khuyến mãi để tăng nhanh vốn huy động.

Chẳng hạn, ở ngân hàng Eximbank, sau khi tung ra chương trình khuyến mãi trúng vàng, chỉ từ giữa tháng mười hai đến nay đã thu hút trên 800 tỉ đồng tiền gửi, so với mục tiêu ban đầu thu hút 2.000 tỉ đồng trong vòng ba tháng.

Có siết cho vay bất động sản?

Các chuyên gia ngân hàng dự báo mặt bằng lãi suất vẫn đứng ở mức cao hoặc tăng nhẹ trong tháng 1/2008 khi nhu cầu vốn từ các doanh nghiệp vẫn cao cho kỳ kinh doanh Tết Nguyên đán.

Hiện nay, trong các ngân hàng đã có sự lo ngại Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát cho vay bất động sản sau khi kềm cặp cho vay chứng khoán.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, xác nhận Ngân hàng Nhà nước đang rà soát việc cho vay bất động sản của các ngân hàng và xem xét lại tỉ lệ trích lập rủi ro cho vay bất động sản.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng để đảm bảo an toàn, cho vay bất động sản chiếm khoảng 10% tổng dư nợ của ngân hàng là “chấp nhận được”. Trong khi đó, thực tế cho thấy ở một số ngân hàng cổ phần, đặc biệt những ngân hàng có qui mô còn nhỏ, tỉ lệ cho vay bất động sản đã vượt 20% tổng dư nợ.

Khó chấp nhận biện pháp hành chính

Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra một tỉ lệ nào đó để áp đặt các ngân hàng như Chỉ thị 03 nhằm kiểm soát cho vay chứng khoán thì rất khó cho các ngân hàng.

Theo ông, hiện nay các ngân hàng quốc doanh đang chiếm thị phần lớn đối với khách hàng công ty, ngân hàng cổ phần chỉ có cách xoay qua cạnh tranh giành khách hàng cá nhân, mà đối tượng khách hàng này chỉ có hai sản phẩm chính là cho vay bất động sản và cho vay tiêu dùng.

Nếu Ngân hàng Nhà nước siết cho vay bất động sản, nguồn vốn của ngân hàng không còn lối ra, chắc chắn mặt bằng lãi suất sẽ hạ xuống. Nhưng với bất động sản cho dù giảm giá đến thế nào thì nhà cửa thế chấp vẫn còn đó.

Hơn nữa, bất động sản có liên quan đến nhiều ngành kinh tế khác, đặc biệt là thời gian gần đây vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào bất động sản là rất lớn, tăng trưởng kinh tế có phần đóng góp rất lớn từ thị trường bất động sản. Vì vậy sẽ là “tai hại” nếu Ngân hàng Nhà nước lại có thêm một “Chỉ thị 03” áp dụng cho bất động sản.

Theo các ngân hàng, sẽ khó lòng tìm được sự ủng hộ của thị trường nói chung và các ngân hàng nói riêng nếu Ngân hàng Nhà nước siết cho vay bất động sản thông qua việc đưa ra một tỉ lệ khống chế cho vay bất động sản đối với một ngân hàng.

Biện pháp này mang tính hành chính, thậm chí làm thay và can thiệp quá sâu vào hoạt động của ngân hàng thương mại. Các chuyên gia cho rằng có thể kiểm soát cho vay bất động sản thông qua việc xét lại tỉ lệ trích dự phòng rủi ro cao hơn đối với tín dụng bất động sản. Việc này không ảnh hưởng lớn đến thị trường như đã làm với chỉ thị về cho vay chứng khoán.

* Các chuyên gia ngân hàng lưu ý người dân khi đi vay tiền ngân hàng cần hỏi kỹ về phương thức thanh toán. Nếu là khoản vay tiêu dùng tín chấp, các ngân hàng thường áp lãi suất theo dư nợ ban đầu vì rủi ro đối với cho vay tiêu dùng khá cao. Theo cách tính này, lãi suất cho vay tín chấp tiêu dùng thực tế lên đến 1,25-1,35%/tháng, mặc dù các ngân hàng quảng cáo chỉ khoảng 0,85-0,9%/tháng.

TT

Các tin tức khác

>   Giá USD mất mốc 16.000 VND (02/01/2008)

>   Sacombank – Chi nhánh Hoa Việt triển khai sản phẩm mới (02/01/2008)

>   Vàng, dầu, USD nhẹ nhàng khép lại năm “bão tố" (02/01/2008)

>   Xu hướng mở rộng của ngân hàng ngoại tại Việt Nam (02/01/2008)

>   Venezuela thay tiền mới (02/01/2008)

>   Lãi suất cơ bản VND tiếp tục ở mức 8,25%/năm (02/01/2008)

>   "Không có chuyện thay cách tính CPI!" (02/01/2008)

>   Phát hành trái phiếu Chính phủ đầu tư cho y tế (02/01/2008)

>   Có thể trao quyền định giá xăng cho doanh nghiệp (01/01/2008)

>   Bảo Việt bán bảo hiểm qua hệ thống của HSBC (01/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật