Thị trường bảo hiểm: cạnh tranh nảy lửa?
Năm 2007 được ghi nhận là năm tiếp tục thành công của các DN ngành bảo hiểm, mặc dù sức ép cạnh tranh đang đến rất gần. Nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao, với nhiều cơ hội từ việc gia nhập WTO mang lại là những tiền đề, cơ sở quan trọng để ngành bảo hiểm Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, bước vào năm 2008, nhiều thách thức đang đặt ra đối với các DN bảo hiểm Việt Nam.
Đầu tư 2,5 tỷ USD trở lại nền kinh tế
Theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm tăng nhanh trong năm qua. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng đầu năm 2007 tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2006, cao nhất trong 5 năm qua, năm 2007 ước đạt 8.350 tỷ đồng, tiến gần tới chỉ tiêu 9.000 tỷ đồng đề ra cho năm 2010 trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm 2003 - 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 9 tháng đầu năm 2007 tăng 12% so với cùng kỳ năm 2006, cao nhất trong 3 năm qua, năm 2007 ước đạt 9.500 tỷ đồng.
Đạt được kết quả trên là do các DN bảo hiểm tích cực đưa ra thị trường những sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, tăng thêm sự lựa chọn cho người tham gia bảo hiểm như: bảo hiểm y tế điều trị chất lượng cao, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm khả năng trả nợ của người vay nợ, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm trách nhiệm của chủ DN... Đến nay, đã có tới 720 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ và 130 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trên thị trường. Đây là yếu tố hứa hẹn việc tăng trưởng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong giai đoạn tới.
Việc DN bảo hiểm tích cực tăng thêm dịch vụ gia tăng cho khách hàng tham gia bảo hiểm bằng những hoạt động hỗ trợ như: cứu nạn, cứu hộ miễn phí; sửa chữa xe không thuộc phạm vi bảo hiểm và bảo dưỡng xe được giảm phí; thẻ ưu tiên điều trị tại các bệnh viện có uy tín… đã thể hiện tính hơn hẳn của việc mua bảo hiểm của các DN bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam so với mua bảo hiểm của các DN bảo hiểm nước ngoài chưa có mặt tại Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh khi thực hiện cam kết WTO.
Trong năm 2007, nhiều DN bảo hiểm đồng loạt tăng vốn bằng mức pháp định (300 tỷ đồng đối với DN bảo hiểm phi nhân thọ và 600 tỷ đồng đối với DN bảo hiểm nhân thọ) và một số DN còn đăng ký tăng vốn cao hơn vốn pháp định làm tăng tiềm lực tài chính, tăng mức giữ lại, giảm đáng kể phần phải tái bảo hiểm ra nước ngoài, tăng cường năng lực đầu tư vào nền kinh tế. Tổng vốn chủ sở hữu của các DN bảo hiểm lên tới trên 15.000 tỷ đồng, trong đó Bảo Việt dẫn đầu với 6.800 tỷ đồng. Việc tăng vốn tạo điều kiện cho các DN bảo hiểm mở rộng hoạt động sang các dịch vụ tài chính khác như thành lập ngân hàng (Bảo Việt), CTCK (Bảo Minh), công ty tài chính (PVI, Prudential)…
Không chỉ đẩy mạnh doanh thu từ việc bán sản phẩm, các DN bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế bằng vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ ước tính gần 40.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD, trong đó gần 90% mua trái phiếu chính phủ và gửi ngân hàng.
Đối mặt với cạnh tranh
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm cho biết, với mục tiêu năm 2008 nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trên 8,5%, thu nhập của người dân tiếp tục được nâng lên. Cùng với đó, tỷ lệ đầu tư toàn xã hội duy trì ở mức cao cũng là điều kiện để bảo hiểm phi nhân thọ phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, thách thức lớn nhất đối với DN bảo hiểm Việt Nam là từ thời điểm 1/1/2008, thực hiện lộ trình cam kết WTO, các DN nước ngoài sẽ được tham gia kinh doanh sản phẩm bảo hiểm bắt buộc như: bảo hiểm trách nhiệm chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm của người kinh doanh thủy nội địa, bảo hiểm cháy nổ.
Khó khăn thứ hai là các DN bảo hiểm phải cải cách cơ chế quản lý và kinh doanh để phù hợp với những quy định mới. Chẳng hạn, vốn pháp định phải tăng lên đối với DN bảo hiểm phi nhân thọ là 300 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ là 600 tỷ đồng; các chức danh quản lý trong DN đều phải đảm bảo điều kiện có thâm niên công tác, chứng chỉ đào tạo… Một khó khăn nữa không thể không nói đến, theo ông Lộc, đó là việc mở cửa sâu rộng hơn nữa của nền kinh tế, nhiều DN bảo hiểm nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Trên thực tế, theo ông Lộc, chưa bao giờ các DN bảo hiểm quan tâm tới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực như hiện nay. Nhiều DN bảo hiểm quy mô lớn đều có trung tâm đào tạo để cập nhật kiến thức, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên; cử cán bộ đi đào tạo nghiệp vụ và quản lý tại các cơ sở trong và ngoài nước nhằm đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn. Đồng thời, các DN bảo hiểm tập trung mọi khả năng hiện có để phát triển công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ khách hàng ngày một hiệu quả hơn. Đây là minh chứng sinh động cho việc các DN đã cảm nhận được sức ép của hội nhập và đang tìm lối đi cho riêng mình.
ĐTCK
|