Thứ Sáu, 04/01/2008 06:39

Lại 'khát' tiền lẻ cuối năm

Còn khoảng hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán, song ngay từ bây giờ, không ít người đã tính xem sẽ đổi tiền lẻ để mừng tuổi ở đâu. Khảo sát cho thấy, các điểm đổi tiền ở Hà Nội không còn được dồi dào nguồn tiền và phí đổi cũng đắt đỏ hơn năm ngoái.

Dạo qua một vòng các khu vực chuyên đổi tiền lẻ ở Hà Nội như Phủ Tây Hồ, đền Ghềnh, hay một số đền chùa khác vẫn thấy người ta bày nhiều tủ tiền lẻ mới, cũ đủ loại mệnh giá. Song, hỏi ra mới biết, nguồn tiền của họ cũng đã không còn được dồi dào như trước, nhất là các mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, và 10.000 đồng.

Trong khi đó, tại phố chuyên đổi tiền Đinh Lễ, người đổi tiền lẻ ngày càng ít đi. Cả tuyến phố chỉ còn vài người bám trụ. Một phụ nữ tên Hòa làm công việc đổi tiền lâu năm tại khu phố này cho biết, ngoài chuyện bị công an truy quét, nhiều người chuyển sang làm nghề khác vì làm ăn ngày càng khó hơn.

"Mọi năm chúng tôi hay nhập từ các nhà buôn ở khu Phủ Tây Hồ trước Tết một hai tháng. Nhưng năm nay, tới thời điểm này, việc nhập cũng rất khó vì nguồn hàng không nhiều và họ cũng phải để dành cho các mối quen" - chị Hòa cho biết.

Năm nay nguồn tiền lẻ không được mới, nhất là những mệnh giá nhỏ, chủ yếu là tiền cũ được ép phẳng. Theo tiết lộ của một người từng làm nghề đổi tiền ở gần các chùa, hằng năm, vào khoảng tháng 3-4 dương lịch, giới buôn tiền lẻ lại đến các chùa đổi tiền chẵn lấy tiền công đức (đa số là tiền lẻ). Tiền được trao đi đổi lại nên không còn được phẳng và mới nữa.

Mặc dù vậy, để có được một cọc tiền mệnh giá 200 đồng tương ứng với 20.000 đồng, khách phải bỏ ra tới 80.000 đồng. Nếu chấp nhận tiền đã qua sử dụng thì tỷ lệ 2 ăn 1, đổi 40.000 được một cọc 20.000.

Các mệnh giá khác như 500 đồng, 1.000 đồng hay 2.000 đồng, 5.000 đồng giá cũng không hề "mềm", nhất là mệnh giá 500 đồng - loại được các bà đi chùa ưa chuộng - phí đổi lên tới 185.000 đồng ăn 100.000 đồng.

Loại 10.000 đồng cũng rất đắt hàng vì mệnh giá tương đối phù hợp với việc mừng tuổi. Để được một cọc nhỏ (tương ứng 100.000 đồng), người đổi phải bỏ ra 180.000 đồng.

Theo dự đoán của giới buôn tiền, từ nay tới Tết Nguyên Đán, phí đổi sẽ còn được đẩy lên nữa. Ngay từ bây giờ, theo lời chị Hòa, nếu khách muốn đổi tiền lẻ số lượng lớn, từ 10 triệu đồng trở lên, thậm chí phải đặt cọc trước 500.000 đồng từ một đến hai tuần.

Nhiều người dân muốn đến ngân hàng đổi tiền lẻ để mừng tuổi, song cũng không dễ bởi ngay bản thân các ngân hàng còn chưa đáp ứng hết nhu cầu tiền lẻ của doanh nghiệp để chi trả trong hoạt động kinh doanh.

Trao đổi với VnExpress, ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng VPBank cho biết, có thể phải sang đến tuần sau mới có thông báo của Ngân hàng Nhà nước về việc cung ứng tiền lẻ cho các ngân hàng thương mại, nên tới lúc đó mới biết được tình hình thực tế thế nào.

Về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước chỉ cơ cấu lượng tiền lưu thông phục vụ nền kinh tế chứ không phục vụ nhu cầu mừng tuổi Tết. Tuy vậy, thông thường ngành ngân hàng vẫn quan tâm đến nhu cầu vui Tết cho dân và có tăng thêm lượng tiền lẻ.

VnE

Các tin tức khác

>   Vốn kiều bào đầu tư về nước 2007 tăng 8 lần (04/01/2008)

>   ATM Agribank liên tục "từ chối" rút tiền (03/01/2008)

>   Ngân hàng Nhà nước được phép bán chỉ định cơ sở nhà, đất tại Thành phố Hồ Chí Minh (03/01/2008)

>   “Vòng xoáy” lãi suất (03/01/2008)

>   Phía sau những con số kỷ lục về lợi nhuận (03/01/2008)

>   Ngân hàng sau một năm WTO (03/01/2008)

>   Thị trường bảo hiểm: cạnh tranh nảy lửa? (03/01/2008)

>   Không huy động bằng mọi giá (03/01/2008)

>   Kinh tế tăng trưởng làm bùng phát hoạt động ngân hàng (03/01/2008)

>   Lần đầu tiên phát hành trái phiếu ngành Y tế (03/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật