Thứ Bảy, 05/01/2008 08:11

Hy vọng vào cơ chế bình ổn giá xăng, dầu mới

Một đề án về điều hành giá bán lẻ xăng, dầu mới và xây dựng một quỹ bình ổn giá xăng, dầu đang được các bộ, ngành xây dựng để trình lên Chính phủ xem xét. Nếu thành hiện thực, đề án này được hy vọng sẽ là một cơ chế mới đem lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp, Nhà nước và toàn thị trường.

Trong những năm gần đây, các bộ, ngành rất vất vả trong việc điều hành giá xăng, dầu và dường như không có nhiều hiệu quả; cả nước chịu nhiều khó khăn trước tác động của việc tăng giá xăng, dầu liên tục. Điều này biểu hiện rõ nhất trong diễn biến giá cả 2007 và đợt tăng giá xăng dầu với biên độ rất lớn mới đây. Diễn biến mới nhất là giá xăng, dầu trên thế giới đã chạm ngưỡng 100 USD/thùng càng khiến cho những lo ngại về tác động của giá xăng, dầu lớn hơn bao giờ hết. Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ rất mong muốn tìm ra một cơ chế điều hành giá xăng, dầu mới, để các DN chủ động kinh doanh, đồng thời quyền lợi người dân được bảo vệ.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tỏ ra rất tin tưởng, nếu đề án này được xây dựng phù hợp và thực hiện tốt sẽ có tác động tích cực đến bình ổn thị trường xăng, dầu.

Thưa Bộ trưởng, giá xăng, dầu đã lên đến ngưỡng 100 USD/thùng sẽ tiếp tục tác động thế nào đến giá cả trong nước?

- Mặc dù xu hướng tăng giá xăng, dầu đã được tính đến trong điều hành kinh tế năm 2008 tuy nhiên, những diễn biến tăng giá cao và đột biến, có thể lên mức 100 USD/thùng, sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế. Tôi tin rằng, nếu diễn biến 100 USD/thùng là hiện thực chắc chắn sẽ ảnh hưởng quan trọng tới việc điều hành thị trường năm 2008.

Nhất là trong khi chúng ta vẫn nhập khẩu 100% xăng, dầu. Đến giữa năm 2009, khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, mới đáp ứng một phần thôi vì công suất của Dung Quất chỉ có 6,5 triệu tấn trong khi đó hiện cả nước đã dùng đến 13,5 triệu tấn mỗi năm. Vì thế, giá xăng dầu thế giới sẽ là yếu tố ảnh hưởng rất quan trọng tới sản xuất trong nước và thị trường trong năm 2008.

Hiện nay, đang có đề án về điều hành giá bán lẻ mới và xây dựng một quỹ bình ổn xăng, dầu cho các DN. Ông hy vọng gì vào đề án này?

- Hiện nay, đã có đề án đó và Bộ Tài chính đang chủ trì nghiên cứu để trình Chính phủ. Đề án này nếu trở thành hiện thực thì nó sẽ có tác dụng bình ổn ở một mức độ nhất định giá cả xăng, dầu. Tức là đảm bảo cho DN kinh doanh xăng, dầu tiếp tục kinh doanh hiệu quả, không quá bị lỗ; giá cả được ổn định trong một thời gian tương đối để không tác động lớn đến đời sống người dân. Điều này phù hợp với chủ trương thị trường hóa giá cả các mặt hàng quan trọng của Chính phủ, đồng thời đáp ứng yêu cầu ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Việc xây dựng quỹ này liệu có ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam trong WTO?

- Tôi cho rằng chúng ta được phép áp dụng những biện pháp quản lý nền kinh tế trong khuôn khổ các định chế WTO. Theo đó, chúng ta không thực hiện trợ cấp, trợ giá nhưng đồng thời nếu những biện pháp để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thực hiện theo cơ chế thị trường thì những biện pháp đó chúng ta được phép áp dụng.

Quỹ này sẽ được hình thành như thế nào, do ai quản lý và làm sao để kiểm soát lỗ - lãi của DN nhằm đảm bảo khách quan trong quản lý?

- Hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng đề án và tôi nghĩ rằng quỹ này có thể được đặt dưới sự quản lý của cơ quan chức năng liên quan tới điều hành giá cả tiêu dùng trong nước. Với đề án mới này, các DN sẽ chủ động hoàn toàn về giá theo đúng chủ trương của Chính phủ là phải triển khai cơ chế thị trường đối với giá cả. DN sẽ lấy một phần lợi nhuận khi kinh doanh để nộp vào hình thành quỹ. Khi giá dầu thế giới tăng, quỹ sẽ chi ra để bù lỗ cho DN nhằm ổn định giá định hướng cho cả năm. Việc quản lý quỹ và kiểm soát lỗ, lãi của DN sẽ thực hiện theo các quy định của Chính phủ. Bản thân DN phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của mình và các báo cáo của mình.

Giá cả trong nước năm 2008 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Bộ Công thương sẽ có biện pháp gì để kiềm chế tăng giá?

- Về vấn đề này, ngay từ những tháng cuối năm 2007, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phải nghiên cứu và sớm có đề xuất với Chính phủ có những giải pháp ứng phó với biến động giá cả. Đặc biệt là làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình để chủ động có giải pháp.

Một trong những giải pháp là cần phải tăng cường thêm cho công tác điều tra nắm bắt diễn biến thị trường, nhất là những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, những mặt hàng chiến lược như xăng dầu, phân bón, hóa chất.

Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ xây dựng các công trình quan trọng của quốc gia mà chúng ta sẽ phải sản xuất để thay thế nhập khẩu như Lọc dầu Dung Quất, Phân đạm Ninh Bình, các dự án phôi thép. Nếu làm tốt vào khoảng 2010 trở đi chúng ta sẽ chủ động hơn nhiều trong việc tự thu xếp nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Thứ ba, để đề phòng biến động giá cả là phải thúc đẩy sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, giá cả, đồng thời khắc phục những hạn chế trong lưu thông để không xảy ra khan hàng, sốt giá.

Đây là phương án có lợi cho người tiêu dùng

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, nói chung sử dụng quỹ bình ổn là một trong những biện pháp được nhiều nước sử dụng cho nhiều loại ngành hàng khác nhau để giảm những chấn động quá lớn và quá thường xuyên của thị trường.

Chúng ta mong muốn phải tìm ra cơ chế để các DN chủ động kinh doanh, đồng thời người dân được bảo vệ. Đừng để người dân khi tỉnh dậy thấy giá xăng, dầu tăng "giật ngược" hay giảm giá mạnh. Phương án đưa ra là nằm thực hiện mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng. Tất nhiên phương án này còn phải bàn bạc nghiên cứu, tham vấn và thử nghiệm

Phù hợp với đề án của Bộ Tài chính đang soạn thảo, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Xăng dầu cũng đề xuất giải pháp có tính căn bản là các cơ quan quản lý và DN phải được thực hiện đầy đủ Nghị định 55 về kinh doanh xăng, dầu. Theo đó, mặt bằng giá mới cần xác lập phù hợp với thị trường trên cơ sở ấn định thuế nhập khẩu cho cả năm. DN đầu mối phải được trao quyền chủ động trong việc định giá.

Để ổn định tương đối giá bán, Tổng Công ty Xăng dầu kiến nghị hình thành Quỹ dự phòng và bình ổn giá tại DN. Nguồn thu được trích nằm trong kết cấu giá bán. DN sẽ được sử dụng nguồn quỹ này để bình ổn giá cả theo mặt bằng giá đã xác lập và được điều chỉnh phù hợp với biến động thị trường.

VNN

Các tin tức khác

>   Lo giải ngân vốn ngoại (04/01/2008)

>   Mirae Asset hợp tác cùng Southern Bank (04/01/2008)

>   Dầu “lùi một”, vàng “tiến hai” (04/01/2008)

>   Vàng tiếp tục bão giá (04/01/2008)

>   Xăng chưa thể tăng giá (04/01/2008)

>   “Dùng tiền mặt sẽ tạo điều kiện cho tham nhũng” (04/01/2008)

>   Hàng loạt ngân hàng ồ ạt ra đời (04/01/2008)

>   Đề án điều hành giá xăng dầu mới: 17.000 đồng/lít xăng? (04/01/2008)

>   Lạm phát 2008: Các dự báo trái chiều (04/01/2008)

>   Lại 'khát' tiền lẻ cuối năm (04/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật