Dầu “lùi một”, vàng “tiến hai”
Giá dầu thế giới ngày 3/12 giảm nhẹ sau phiên giao dịch gây “choáng” đầu năm, nhưng giá vàng lại xác lập một kỷ lục mới.
Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 2/2008 giảm 44 cent/thùng, tương đương 0,4%, xuống còn 99,18 USD/thùng lúc đóng cửa phiên giao dịch. Trước khi “giảm nhiệt”, giá dầu tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) đã “xuyên thủng” trần 100 USD/thùng, chạm mức 100,9 USD/thùng.
Sáng nay (4/2) theo giờ Việt Nam, giá dầu thô thế giới tăng nhẹ 9 cent/thùng, lên mức 99,27 USD/thùng.
Tại London, giá dầu thô Brent giao tháng 2/2008 giảm 24 cent/thùng, tương đương 0,3%, đóng cửa ở mức 97,60 USD/thùng. Mức giá cao nhất của dầu Brent trong ngày giao dịch hôm qua là 98,50 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ năm 1988. Sáng nay, giá dầu Brent tăng 17 cent/thùng, lên mức 97,77 USD/thùng.
Mức giá 100,9 USD/thùng của giá dầu ngày 3/1 chỉ tồn tại trong chốc lát trước khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo hàng tuần cho thấy dự trữ xăng của nước này không những không giảm như dự báo trước đó mà còn tăng thêm 1,99 triệu thùng, lên mức 207,8 triệu thùng trong tuần qua, đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.
Các nhà máy lọc dầu của nước này cũng đã nâng công suất hoạt động thêm 1,3%, lên mức 89,4%. Dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu sưởi và diesel cũng tăng 569.000 thùng, lên mức 127,2 triệu thùng.
Tuy nhiên, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,06 triệu thùng xuống còn 289,9 triệu thùng, cao hơn so với mức giảm 2,25 triệu thùng dự báo trước đó.
“Dự trữ năng lượng của Mỹ cho thấy có vẻ như thị trường đã có đủ nguồn cung, và như thế, chẳng có lý do gì phải lo ngại về vấn đề thiếu hụt”, nhà kinh tế về khoáng sản và năng lượng Gerard Burg tại Ngân hàng Quốc gia Australia nhận xét.
Trước việc giá dầu có những bước “đột phá” ngay thời điểm đầu năm mới, đại diện của Libya và Qatar, hai nước có thái độ cứng rắn trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) vẫn cho rằng, OPEC không thể giúp “giải nhiệt” cho thị trường dầu vì giá cao là kết quả từ hoạt động thao túng của giới đầu cơ.
Tuy nhiên, Indonesia, thành viên “áp út” của OPEC, lại có thái độ “thân thiện” hơn khi cho biết sẽ đề nghị khối này tăng thêm sản lượng ít nhất 500.000 thùng/ngày trong cuộc họp của khối vào ngày 1/2 tới.
Trái với “thái độ xuống thang” của giá dầu, giá vàng thế giới ngày 3/1 vẫn tăng mạnh và thiết lập một kỷ lúc mới lúc đóng cửa ngày giao dịch.
Giá vàng thỏi giao tháng 2/2008 tại New York tiếp tục được “bổ sung” thêm 9,10 USD/oz, tương đương 1,1%, và “chốt hạ” ngày giao dịch 3/1 ở mức 869,10 USD/oz. Đây là một mức giá đóng cửa kỷ lục từ trước tới nay của giá vàng. Trong ngày, có lúc giá vàng chạm 872,90 USD/oz, chi kém có mức giá cao nhất mọi thời đại 873 USD/oz năm 1980 có 10 cent/oz.
Giá vàng giao ngay theo Kitco.com cũng đóng cửa ngày giao dịch với mức tăng 9,10 USD/oz, tương đương 1,06%, lên mức 866,50 USD/oz, cao nhất từ trước đến nay. Sáng nay, tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay có giảm nhẹ 1,40 USD/oz xuống còn 865,10 USD/oz.
Tại thị trường trong nước, giá vàng tiếp tục phản ánh đúng diễn biến giá vàng thế giới bằng cách vẽ đồ thị đi lên. Vàng SJC tại Hà Nội và Tp.HCM sáng nay niêm yết ở mức 1.655.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.663.000 đồng/chỉ (bán ra), tăng 20.000 đồng/chỉ và 18.000 đồng/chỉ so với sáng qua.
Giá vàng tăng mạnh là do giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới vùn vụt leo thang, gây áp lực lạm phát lớn. Chỉ số hàng hóa do ngân hàng UBS và hãng tin Bloomberg nghiên cứu đã tăng kỷ lục. Trong khi đó, đồng USD ngày 3/1 đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây, với tỷ giá 1 Euro đổi được 1,4781 USD lúc đóng cửa ngày giao dịch.
“Giá vàng cao không chỉ liên quan đến một mình đồng USD. So với tất cả các đồng tiền khác, giá vàng đều tăng. Dường như đây là thời kỳ mà mọi người lo lắng về giá trị của tiền giấy”, nhà phân tích James Vail của ngân hàng UBS nhận xét.
Một số chuyên gia cho rằng, giá vàng có thể đạt mốc 1.000 USD/oz ngay trong quý 1 của năm nay. Tuy nhiên, trong ngắn hàng, giá vàng có thể giảm trong trường hợp USD tăng giá trở lại so với Euro.
TBKTVN
|