Thận trọng với cuộc đua “đẩy” vốn
Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm, đồng thời giải quyết bài toán vốn khả dụng dư thừa, gần đây nhiều ngân hàng đã tung các chiêu thu hút khách hàng vay vốn. Ngoài việc nâng cao hạn mức cho vay, kéo dài thời hạn trả nợ và hạ lãi suất đối với tín dụng bất động sản, các ngân hàng bắt đầu tăng “bơm” tiền cho vay tiêu dùng tín chấp và thế chấp dưới hình thức trả góp; lãi suất tương đối mềm và thời gian trả nợ linh hoạt, tùy thuộc vào khả năng cũng như thu nhập của người vay.
Chẳng hạn, Ngân hàng An Bình mới đây đã liên kết với nhiều chủ đầu tư kinh doanh bất động sản để đẩy thêm vốn cho khách hàng vay ưu đãi mua nhà ở, với hạn mức vay tối đa 90% tổng nhu cầu vốn. Thậm chí, khách hàng có thể vay tối đa 80% giá trị tài sản đảm bảo trong 30 năm, đồng thời được bảo hiểm tử kỳ dư nợ tín dụng (bảo hiểm nhân thọ). Khách hàng vay vốn tại An Bình để mua nhà ở đều được ưu đãi thời gian ân hạn trả nợ gốc trong 3 năm và có thể chọn nhiều cách trả nợ linh hoạt như: nợ gốc trả đều hàng tháng, quý hoặc trả tăng dần theo từng 1/4 thời hạn vay.
Tính đến ngày 26/11, dư nợ cho vay mua nhà, đất của An Bình đã vượt qua 1.200 tỷ đồng trên tổng dư nợ ước tính là 5.200 tỷ đồng. Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của An Bình cho biết, hiện nhu cầu mua nhà của người dân đang tăng cao. Tính đến hết tháng 11, đã có 1.500 khách hàng vay vốn của An Bình mua căn hộ trả góp. An Bình sẽ liên kết với nhiều chủ đầu tư dự án, nâng cao giá trị khoản vay, lãi suất cạnh tranh để thu hút khách hàng. Ngoài ra, An Bình còn tung ra các sản phẩm tín dụng tiêu dùng tín chấp đáp ứng nhu cầu cuối năm như liên kết với CTCP Thế giới di động tài trợ vốn cho khách hàng mua máy tính xách tay (laptop). Số tiền dao động từ 10 - 50 triệu đồng trong thời gian 3 năm, lãi suất 0,98%/tháng.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) có sản phẩm tín dụng dành cho DN vừa và nhỏ, nhằm phục vụ thương mại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Theo đó, kể từ đầu tháng 12, các DN có nhu cầu sẽ được OCB hỗ trợ vốn, với lãi suất ưu đãi 0,95%/tháng, giảm hơn 0,1%/tháng so với trước đó.
Mới đây, ACB cho vay tiêu dùng trên 300 triệu đồng, sau khi nâng hạn mức cho vay tiêu dùng tín chấp lên 250 triệu đồng/hồ sơ. Khách hàng vay chi tiêu, sửa chữa nhà xưởng, văn phòng, mua sắm thiết bị máy móc thiết bị… có thể vay trên 300 triệu đồng trong thời hạn tối thiểu là 36 tháng, lãi suất cố định từ 0,95% đến 1,01%/tháng…
Có thể nói, so với đầu năm, các khoản vốn cho vay của nhiều ngân hàng gần đây đã được cải thiện nhiều về thời gian, lãi suất và giá trị cũng như tiến trình giải quyết hồ sơ, phần nào hỗ trợ được khách hàng có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia trong ngành, nếu không thận trọng và kiểm soát chặt chẽ các khoản tín dụng thì nguy cơ rủi ro gia tăng.
Các chuyên gia cho rằng, việc khan hiếm tiền đồng gần đây chỉ là nhất thời và khó có thể kéo dài, hiện vốn khả dụng tại nhiều ngân hàng vẫn còn dư thừa và đang tìm cách đẩy nhanh đầu ra khiến dư nợ tín dụng tăng vọt. Chỉ tính riêng khu vực TP.HCM, trong 11 tháng của năm 2007, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng đạt xấp xỉ 356.000 tỷ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm trước. Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM, ông Hồ Hữu Hạnh cho biết, với mức tăng trưởng tín dụng gần xấp xỉ 70% so với năm trước của các ngân hàng trên địa bàn hiện nay là quá cao.
Nhưng với cách làm của nhiều ngân hàng đang áp dụng vào các sản phẩm tín dụng (bất động sản, vay tiêu dùng…) hiện nay, cộng thêm việc chào mời lãi suất để thu hút khách hàng tăng dư nợ chưa hẳn đã an toàn, trong đó đáng chú ý là các khoản tín dụng tín chấp nguy cơ gia tăng rủi ro cao vì không có tài sản đảm bảo. Hiện một số ngân hàng Việt Nam, chẳng hạn như SHBank đã nâng khoản vốn cho vay tín chấp lên đến 300 triệu đồng, trong khi các ngân hàng nước ngoài vẫn chỉ ở giới hạn 200 triệu đồng/bộ hồ sơ (cụ thể là HSBC). Tuy nhiên, ông Hạnh cũng thừa nhận, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng đang mang lại nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng trong vay vốn.
Trước tình hình tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2007 đang ở mức cao, dự kiến cuối năm 2007 đạt mức trên 34%, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có công văn đề nghị các ngân hàng giảm dư nợ tín dụng bằng cách kiên quyết không nới lỏng điều kiện vay vốn. Ngoài ra, VNBA đề nghị các ngân hàng nâng cao chất lượng thẩm định, rà soát các dự án xin đầu tư, nhu cầu vay vốn thuộc mọi thành phần kinh tế trước khi quyết định cho vay. Đối với những hợp đồng tín dụng đã đến hạn hoặc quá hạn, cần có giải pháp thu hồi nợ để góp phần giảm dư nợ tín dụng, giảm áp lực cho lạm phát trong tháng 12 và quý I/2008.
ĐTCK
|