Lập công ty bảo hiểm cũng khó như ngân hàng
Trong cơ cấu vốn điều lệ của một doanh nghiệp bảo hiểm, tỷ lệ góp vốn của mỗi cổ đông cá nhân tối đa là 10%, tổ chức là 20%. Việc sở hữu vượt tỷ lệ phải được Bộ trưởng Tài chính chấp thuận trên cơ sở lợi ích quốc gia.
Với trường hợp cổ đông cá nhân, nếu tính cả phần góp vốn của những người có liên quan, tỷ lệ chung được phép tối đa 20% vốn điều lệ.
Trên đây là quy định về cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm do Bộ Tài chính đề xuất và được Thủ tướng chấp thuận về nguyên tắc trong tuần qua.
Về cơ bản, yêu cầu này khắt khe không kém những yêu cầu tương tự trong quy chế thành lập ngân hàng cổ phần mà Ngân hàng Nhà nước ban hành hồi giữa năm nay. Riêng trường hợp cổ đông cá nhân, tỷ lệ trong doanh nghiệp bảo hiểm được phép cao gấp đôi so với ngân hàng.
Trong lúc này, Bộ Tài chính đang hoàn tất dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 46 ngày 27/3/2007 về chế độ tài chính với doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới bảo hiểm, dự kiến đưa ra những quy định chi tiết và khá khắt khe đối với việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo Nghị định 46, yêu cầu vốn pháp định đối với doanh nghiệp bảo hiểm tăng gấp nhiều lần so với trước. Nếu như trước đây muốn có giấy phép kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chỉ cần 70 tỷ đồng thì nay phải cần tới 300 tỷ đồng. Yêu cầu vốn pháp định với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng tăng hơn 4 lần, từ 140 tỷ lên 600 tỷ đồng.
VnE
|