Thứ Sáu, 14/12/2007 14:36

Mua bán ngoại tệ: Không thể chờ NH Nhà nước chống lưng

Sau câu chuyện Ngân hàng Vietcombank không thu đổi ngoại tệ của doanh nghiệp với lý do là “do Ngân hàng Nhà nước không mua ngoại tệ”, nhiều DN bày tỏ lo lắng khi thời điểm cuối năm rất cần đồng tiền nội địa để thanh toán. Tuy nhiên vấn đề này lại không hề xảy ra ở các ngân hàng thương mại cổ phần. Kể cả các NHTM Nhà nước như BIDV, Eximbank, việc thu đổi đôla vẫn hoạt động bình thường!

Thời điểm cần thiết phải quản lý tiền tệ và giá cả

Các ngân hàng thương mại BIDV, ACB, EAB, SCB, ABBank, Eximbank, Techcombank… đều cho rằng, chủ trương không phát hành đồng tiền Việt trong giai đoạn này của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - thậm chí phải có giải pháp thu về - là đúng và cần thiết phải làm để giữ giá đồng nội tệ.

“Mặc dù khi thực hiện các giải pháp này, sẽ xảy ra một vài khó khăn khác, song quan điểm chung là cần phải giữ đồng nội tệ để không cho lạm phát tiếp tục gia tăng là chủ trương đúng” - ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn và Kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, BIDV, bày tỏ quan điểm.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Á châu, ông Lý Xuân Hải, cũng cho rằng rất cần phải có sự quản lý này để chống lạm phát.

Các ngân hàng cho rằng, thậm chí đây là việc làm cấp bách để quản lý tiền tệ và giá cả.

Tuy nhiên ông Nguyễn Mạnh cũng cho rằng, NHNN cũng cần chú ý ở mức độ “can thiệp vừa phải”, không nên làm gấp gáp như việc đưa tiền ra ồ ạt vào 6 tháng đầu năm.

Một quy luật đã rõ là các nước mới gia nhập WTO, đồng nội tệ sẽ lên giá. Nhu cầu trao đổi với nước ngoài khá lớn, nên lúc đó đồng nội tệ là một thứ hàng hóa. Vì là hàng hóa nên khi cầu lớn hơn cung thì đồng tiền sẽ lên giá.

Nhưng việc lên giá khi gia nhập cũng chỉ là thời điểm ngắn hạn. Và theo các ngân hàng thương mại (NHTM), lẽ ra trong bối cảnh ấy chỉ cần để thị trường tự điều tiết. Chính vì NHNN đã tham gia điều tiết bằng việc phát hành khá mạnh đồng tiền Việt vào 6 tháng đầu năm, nên mới nảy sinh những  bất ổn về chỉ số giá cả ở cuối năm, mà trực tiếp là chỉ số lạm phát tăng mạnh, có thể sẽ trên hai con số.

“Phát ra ồ ạt, thu về gấp gáp, cả hai đều không ổn, làm cho thị trường méo đi” - Giám đốc một NH nói.

Các NHTM cũng cho rằng không thể phàn nàn việc NHNN không mua ngoại tệ, mà phần lớn NHTM phải tự mình giải quyết.

Bảo vệ khách hàng

Có thể Vietcombank không mua ngoại tệ của DN với lý do NHNN không thu đổi ngoại tệ, riêng các NHTM khác vẫn duy trì việc trao đổi bình thường.

Thực trạng hiện nay ngược lại những năm về trước. Nếu trước kia NH luôn luôn thiếu USD, thì năm nay do lượng lớn tiền đầu tư nước ngoài đổ vào, USD lại bị thừa. Khi cung đã lớn hơn cầu, gặp thời điểm NHNN hạn chế phát hành đồng nội địa để giữ chỉ số tiêu dùng, đã khiến tỷ giá hối đoái biến động theo chiều giảm giá đồng USD. Các NHTM phải tính toán đến lợi nhuận nên không thể mua USD giá cao.

Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là phải bảo vệ quyền lợi DN và giữ khách hàng nên NHTM vẫn phải mua USD.

Tổng Giám đốc ngân hàng ACB cho biết vẫn mua đôla của DN xuất khẩu, và tìm DN nhập khẩu để bán. Cách làm này giúp ACB luôn đảm bảo cho DN đổi được đồng USD, và NH vẫn đảm bảo tỷ lệ đồng ngoại tệ nắm giữ luôn luôn không vượt quá 30% theo quy định của NHNN.

Cách làm của ACB cũng là của các ngân hàng EAB, SCB, ABBank, Eximbank, Techcombank…

Các ngân hàng cho rằng, nếu có bị lỗ, vẫn phải chấp nhận thu đổi để hỗ trợ DN, giữ khách hàng.

“Lời lỗ là ngắn hạn, còn quan hệ khách hàng mới là mục tiêu dài hạn của NH. Vì vậy NH sẵn sàng chịu lỗ chứ không bỏ rơi khách hàng” - ông Lý Xuân Hải nói.

Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, EAB, cho rằng trong tình huống khó khăn nhất, các NHTM không thu đổi được ngoại tệ nhiều, NH sẽ dành quyền ưu tiên cho khác hàng lớn và thường xuyên trước.

Nhiều DN có những cách làm khác như dùng đồng Euro làm trung gian quy đổi, hoặc dùng hàng  đổi hàng để giải quyết tình trạng không bán được USD.

Eximbank có khách hàng bao gồm cả 2 lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu, nên việc trao đổi ngoại tệ thuận lợi hơn.

Không trông chờ Ngân hàng Nhà nước

“Việc kinh doanh trao đổi ngoại tệ các NH cũng phải tự thân vận động, chứ trong cậy vào sự chống lưng của NHNN thì còn gì là kinh doanh” -  Giám đốc Ban Nguồn vốn và Kinh doanh tiền tệ BIDV Nguyễn Mạnh khẳng định.

Đây cũng là ý kiến của hầu hết các NHTM cổ phần.

Ông Mạnh cho rằng chính sách quản lý nội tệ của NHNN có ảnh hưởng đến tỷ giá và hoạt động trao đổi ngoại tệ, song không vì thế mà đổ lỗi hoàn toàn do NHNN, bởi lẽ kinh doanh trao đổi ngoại tệ là tuân theo quy luật thị trường.

Việc trao đổi ngoại tệ và đồng nội địa phụ thuộc vào hai yếu tố chính, đó là giá cả hối đoái và trạng thái ngoại tệ NH đang nắm giữ.

Hiện nay một điều không may cho đồng USD là trên thị trường đã thừa, lại trùng hợp với thời điểm NHNN thu hồi đồng tiền Việt để khống chế tỷ lệ lạm phát, nên tỷ giá hối đoái thấp. Thậm chí, NHNN phải mua USD theo tỷ giá sàn cũng là việc khó khăn. Vì vậy, có nhiều DN đã chấp nhận giao dịch ở mức dưới sàn. Riêng các NHTM cũng do bị giới hạn về tỷ giá hối đoái nên phải chịu thiệt khi mua ngoại tệ để bảo vệ khách hàng của mình.

“Kể cả, khi đã theo quy luật thị trường rồi thì DN cũng không thể kêu ca về việc NH không mua đôla, mà có thể tự tìm nơi tiêu thụ” - Tổng Giám đốc một NH nêu ý kiến như vậy.

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, chuyển đổi ngoại tệ là tình hình ngoại tệ do NH đang nắm giữ. Hiện tại NHNN quy định ngoại tệ do NHTM nắm giữ không được vượt quá 30% tổng số vốn. Các NHTM cho rằng quy định này không ảnh hưởng gì lớn đến việc trao đổi ngoại tệ, vì không mấy khi dự trữ đến hết "room", mà NH luôn luôn tìm nguồn cho đồng đôla lưu thông nhanh chóng.

"Thị trường là phải vận động, tìm kiếm. Có DN bán USD, cũng có DN cần USD. Chứ nếu chỉ trông đợi vào việc mua bán của NHNN thì làm sao chủ động được, trong khi kinh doanh là việc của mình?" - ông Phạm Anh Dũng, Tổng Giám đốc NHTM cổ phần Sài Gòn, SCB, nói.

Bà Vũ Thị Kim Cúc, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng này cũng cho biết SCB không hề bị động bởi "quota" 30%, USD mua vào được nhanh chóng giải phóng, không phải chờ đến NHNN mua cho.

Ông Lưu Đức Khánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình, cho rằng ABBank chưa hề bị chi phối bởi chủ trương hạn chế trao đổi ngoại tệ của NHNN và mức quy định 30% ngoại tệ này. Lượng khách hàng của ABBank lớn, nhu cầu trao đổi, mua bán USD thường xuyên, nên chẳng bao giờ bị lấp đầy "room" đến nỗi bị ứ đọng đôla

Nhìn nhận lại toàn bộ vấn đề, ông Lý Xuân Hải nói: “Khó thì lúc nào chả khó. Hết cái khó này sẽ nảy sinh cái khó khác. Vấn đề là làm thế nào sáng tạo, giải quyết cái khó ấy mới là quan trọng, điều phải tìm kiếm”.

Còn ông Nguyễn Mạnh cho rằng, qua đây các DN cũng cần có biện pháp phòng ngừa rủi ro ngoại hối về tỷ giá. Ông Mạnh cho biết, ở các nước, rủi ro ngoại hối đã có xảy ra. “Đó là quy luật thị trường và Việt Nam khi gia nhập cũng không thể tránh khỏi quy luật” - ông Mạnh cảnh báo.

VNN

Các tin tức khác

>   Nhiều ngân hàng, quĩ tín dụng lao đao (14/12/2007)

>   Sẽ bãi bỏ một số văn bản về thuế (14/12/2007)

>   Thận trọng với cuộc đua “đẩy” vốn (14/12/2007)

>   Ngân hàng Hàng Hải khai trương 3 chi nhánh mới (13/12/2007)

>   Lãi suất tiếp tục tăng (14/12/2007)

>   Vàng, dầu sụt giá, USD phục hồi (14/12/2007)

>   Không thu thuế buôn chuyến (14/12/2007)

>   Báo động nợ đọng thuế: Đến hẹn lại lên! (14/12/2007)

>   Lập Trung tâm tư vấn thông tin Việt Nam tại Đài Loan (14/12/2007)

>   Incombank và Petrolimex hợp tác toàn diện (14/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật