Kết thúc 2007, vẫn tiếp tục lo lạm phát
Tỷ lệ lạm phát năm 2007 xấp xỉ 11-12%, cao hơn các nước trong khu vực những năm gần đây. Điều này khiến các nhà kinh tế giật mình nhìn nhận lại hàng loạt vấn đề liên quan như chính sách tiền tệ, điều hành kinh tế vĩ mô…
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước khoảng trên 10,5-11%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước đạt 8,5%) đã đẩy lạm phát năm 2007 tăng cao. Dự báo CPI năm 2008 sẽ trong khoảng 108,2-108,5% so với năm 2007.
FDI tăng vọt - lợi bất cập hại?
Theo TS Kenichi Ohno (Diễn đàn phát triển Việt Nam VDF): “Đón nhận một lượng vốn lớn từ bên ngoài là nguyên nhân cơ bản của tình trạng lạm phát hiện nay, nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất”.
TS Kenichi Ohno phân tích: Khi mà ngày càng nhiều nước đối mặt với hội chứng dư thừa dòng vốn đầu tư chảy vào, một số bài học có thể gợi lại từ kinh nghiệm xương máu của cuộc khủng hoảng tài khoản vốn vào những năm 1990 và đầu 2000. Vấn đề quan trọng nhất là tình hình kinh tế vĩ mô cần được chẩn đoán chính xác vì nó tác động bởi dòng vốn đầu tư vào, không phải chỉ do tình trạng bất ổn trong nước hoặc khủng hoảng tài khoản vãng lai. Do vậy, cần tránh những biện pháp sai lầm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này. Dòng vốn đầu tư nước ngoài cần được được kiểm soát đúng và điều chỉnh nếu cần thiết trong quá trình tự do hoá tài khoản vốn.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Hiền – nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, FDI đổ vào lúc này là việc khó tránh khỏi vì Việt Nam đang là điểm có môi trường đầu tư rất tốt. Có chính sách đối với lượng FDI lớn cũng là một yêu cầu đặt ra hiện nay. Cơ cấu đầu tư của Việt Nam còn nhiều điểm mất cân đối, như dồn vào đô thị, nhà hàng, bất động sản… Chính phủ cần hướng đầu tư tới những lĩnh vực khác mà mình đang cần như xây dựng hạ tầng, đường xá. Khi đó, đầu tư không phải là một khủng hoảng mà trên thế giới nhiều nước cần những cơ hội đó.
Đồng tình với quan điểm này, ông Kenichi Ohno cho rằng, chính sách điều tiết FDI như một con dao hai lưỡi, vì nếu có quá nhiều can thiệp và kiểm soát có thể lại tạo thành rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và có thể dẫn đến bỏ lỡ các cơ hội thu hút vốn nước ngoài. Việt Nam nên bắt đầu nghiên cứu về các lựa chọn chính sách cụ thể để có thể bình ổn dòng vốn nước ngoài và kiểm soát những rủi ro dẫn đến khủng hoảng tài khoản vốn mà không phải hi sinh các tiềm năng phát triển của mình.
Chính sách tiền tệ còn nhiều việc phải bàn
Một nghiên cứu của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tiến hành phân tích, thống kê đã đi đến những kết luận khá nghi ngờ rằng, những nhân tố tiền tệ có vẻ như trở thành một yếu tố quyết định quan trọng đến lạm phát của Việt Nam những năm qua. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, các cú sốc về giá lương thực và dầu mỏ dường như tồn tại ở Việt Nam lâu hơn ở các nước châu Á khác.
Theo ông Kenichi Ohno (VDF), hiện tại, nhiều nước, trong đó có Việt Nam đang trải qua bùng nổ kinh tế do dòng chảy ngoại tệ vào cộng thêm đầu tư mạnh mẽ và lạm phát hàng hoá. Lạm phát của Việt Nam hiện nay nên được hiểu không phải là một hiện tượng riêng rẽ mà là một hiện tượng quốc tế phổ biến. Một vấn đề nan giải của lạm phát ở Việt Nam là sự thiếu minh bạch của việc định giá cao đồng nội tệ. Tỷ giá hối đoái (REER) giữa đồng Việt Nam và USD luôn có xu hướng tăng. Điều này không có nghĩa là đồng nội tệ đã được tăng giá. Câu trả lời ở đây là do sự giảm giá của USD. Chỉ số REER của Việt Nam sẽ phải tiếp tục giảm nếu Việt Nam muốn duy trì tỷ lệ lạm phát 3,1% (tỷ lệ trung bình giai đoạn 1996-2003 và sau 2004). Thực tế, VND đã được nâng giá 22% trong tháng 11/2007. Như vậy, sự thiếu hụt rõ ràng của định giá cao đồng nội tệ là giả tạo. Đồng Việt Nam đã được tăng giá, nhưng thực tế này đã được “che lấp” bởi sự mất giá của USD.
Lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây, lạm phát ở Việt Nam đã có tốc độ cao. TS Nguyễn Đại Lai-Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng: cụm từ “lãi suất thực âm” lại được nhắc đến. Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng thương mại đang trong tình trạng thiếu tiền đồng nội tệ, thừa USD!
Về những yếu kém trong việc điều hành chính sách tiền tệ, TS Nguyễn Thị Hiền đưa ra dẫn chứng: “Trong thời gian chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua 7 tỷ USD. Tôi cho rằng đây là một giải pháp đột ngột, làm lượng tiền Việt Nam ra quá lớn, khiến lạm phát lên mức không kiểm soát được. Tôi nghĩ rằng, việc bớt lượng ngoại tệ mua vào để tăng dự trữ và kiểm soát lạm phát là điều cần thiết. Nhưng mua như thế nào và trong thời điểm nào lại là điều cân nhắc. Trong khi đó, 6 tháng cuối năm lượng ngoại tệ đổ vào liên tục tăng, nhưng Ngân hàng Nhà nước lại chưa có giải pháp gì để ứng phó với tình hình này. Đó là một sự bị động”.
Việt Nam đang giống Thái Lan năm 1997?
“Những cảnh báo đó là không quá”-TS Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh. “Có nhiều cảnh báo của các chuyên gia trên thế giới nhưng vì Việt Nam không lưu tâm nên bị động. Ví dụ như cảnh báo về ách tắc giao thông đô thị, các chuyên gia đã đưa ra từ rất lâu nhưng chúng ta không có những giải pháp tích cực nên đến nay sa lầy”-TS Nguyễn Thị Hiền nhận xét thêm.
Nguyên nhân gây ra tốc độ lạm phát ở mức cao được ông Nguyễn Đại Lai đề cập đến là công tác điều hành vĩ mô. Do không xác định đúng và đầy đủ nguyên nhân nên Việt Nam đã lạm dụng quá nhiều giải pháp tình thế và không cơ bản để chống lạm phát – bao gồm cả những hy sinh quá mức cần thiết nhưng không hiệu quả từ ngân sách Nhà nước như bù giá vào xăng, vào điện, giảm thuế, giảm phí cho nhiều nhóm mặt hàng và huy động rất đông đảo lực lượng thị trường để can thiệp hành chính làm méo mó các qui luật thị trường.
Cùng chung nhận định này, ông Cao Sỹ Kiêm-Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia cho rằng: Việc quản lý một số mặt hàng để điều chỉnh giá sao cho cho sát với giá thế giới cụ thể là xăng dầu là không sát với thực tế. Nguyên nhân lạm phát là điều hành giá không tốt. Do vậy, những động thái điều chỉnh giá trong thời gian vừa qua bị chệch với thực tế rất nhiều. Ví dụ chúng ta tăng giá bán lẻ trong khi giá thế giới đang giảm. Chính cách điều hành, quản lý đã tạo cho người dân có tâm lý luôn luôn đối mặt với việc tăng giá. Hơn nữa, chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt những hành vi tăng giá bất hợp lý. Nên thời gian qua, đã có một bộ phận tiểu thương tăng giá dịch vụ mà hoàn toàn không có yếu tố thị trường.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, hiện tượng lạm phát của Việt Nam hiện nay là kết quả của 3 yếu tố tác động cùng một lúc: Áp lực chủ yếu từ dòng vốn nước ngoài cỏay vào quá lớn; Tăng trưởng mạnh của đầu tư công cộng (xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông…); những cú sốc ngoại sinh lớn và không thể kiểm soát được từ các thị trường hàng hoá toàn cầu và các bệnh dịch động vật.
Công tác dự báo còn yếu kém
TS Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Ngay từ khi Bộ KHĐT thông báo dự kiến con số đầu tư nước ngoài năm 2007 có thể vượt qua mục tiêu 12 tỷ USD, các nhà kinh tế đã nhìn thấy nguy cơ lạm phát cao trong năm 2007. Rất tiếc các cơ quan trong nước không phân tích thấu đáo để trên cơ sở những dự báo của Bộ KHĐT về FDI đưa ra giải pháp kiểm soát lạm phát tốt hơn, chủ động hơn”.
TS Nguyễn Thị Hiền phàn nàn: “Công tác dự báo kinh tế của Việt Nam còn nhiều vấn đề, không có một dự báo đủ tin cậy, không có sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau để có một dự báo tổng thể. Những doanh nghiệp, nhà sản xuất… rất cần có dự báo. Thời gian tới, công tác này cần được đầu tư tốt hơn. Cụ thể phải có những công cụ dự báo tốt, phối hợp chặt chẽ và chính phủ cần có những trung tâm dự báo tầm cỡ quốc gia”.
Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng vụ Thương mại, dịch vụ và giá cả, Tổng cục thống kê, khẳng định: Bài học rút ra từ tỷ lệ lạm phát năm 2007 là do công tác dự báo còn hạn chế, chưa mang tính chất khoa học. Dự báo của chúng ta mới chỉ theo kinh nghiệm. Các cơ quan nhà nước nên xây dựng công tác dự báo sát với thực tế hơn, khách quan hơn. Các báo cáo không chịu sức ép thành tích thì công tác dự báo, điều hành của Chính phủ chính xác hơn.
CPI 2008 tiếp tục cao?
Ông Nguyễn Đức Thắng nhận định, năm 2008 lạm phát vẫn cao khoảng 8,2-8,5% vì những nguyên nhân của năm 2007 lan sang.
PGS.TS Nguyễn Văn Lịch - Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, áp lực tăng giá trong năm 2008 vẫn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, mức tăng CPI sẽ được kiểm soát do thực hiện chính sách tiền tệ “trung hoà” nhằm hút bớt tiền lưu thông. Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng năm 2008 sẽ có mức tăng thấp hơn so với mức tăng trong năm 2007, vào khoảng từ 7,5-8%.
Nhiều ý kiến khác thì nhận định, trong tháng 1 và tháng 2/2008, CPI sẽ tiếp tục tăng ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng cao hơn tốc độ tăng của các tháng này trong nhiều năm trước. Tết Nguyên đán năm nay sẽ đến vào tuần đầu của tháng 2/2008 nên cực đại CPI năm nay chắc chắn sẽ rơi vào tháng 2. Đây chính là thời điểm giá các loại hàng hoá, dịch vụ phục vụ Tết sẽ tăng cao nhất. Có thể dự đoán CPI tháng 1/2008 sẽ tăng từ 1,2-1,5% và tháng 2 sẽ tăng khoảng 2,5%. Sang tháng 3, các nhu cầu xã hội thay đổi nên có thể dự đoán CPI tháng 3 giảm khoảng 0,5% và chỉ số trượt giá cả quí I/2008 tăng khoảng 4%.
Còn phân tích của Trưởng phòng Phân tích dự báo giá cả thị trường - Phạm Minh Thuỵ (Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả) thì cho thấy, CPI của Việt Nam tháng 12/2008 so với tháng 12/2007 sẽ ở mức 108,5-109,0%./.
VOV
|