Thứ Năm, 27/12/2007 10:45

“Giá tiêu dùng 2008 còn tăng cao”

Hỏi chuyện ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê).

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mức tăng giá của năm nay và dự báo của ông về CPI sang năm?

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2007 so với tháng 12/2006 tăng 12,63%. CPI năm 2007 so với năm 2006 tăng 8,3%. Chỉ số tháng 12 năm nay so với tháng 11 tăng 2,91% trong khi tổ điều hành dự báo chỉ ở mức 1,5%, đây là con số khá lớn.

Khi giá cả tăng cao, tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng nhưng chịu tác động mạnh nhất là những người làm công ăn lương. Mặc dù Chính phủ vừa có quyết định tăng lương tối thiểu, nhưng tôi cũng đồng ý với nhận xét là “giá chạy trước lương”.

Theo tôi dự báo, năm 2008 sẽ vẫn còn nhiều nhân tố tiếp tục gây lạm phát, ví dụ như giá đầu vào của một số sản phẩm đang thuộc lộ trình xoá bỏ bao cấp của Nhà nước. Hiện nay, xi măng đã “rục rịch” tăng giá.

Chúng tôi ước tính, CPI năm 2008 có thể tăng từ 8,2-8,5% so với năm 2007. Trong khi đó, chuyên gia của IMF lại dự đoán là trên 10%.

Đâu là nguyên nhân khiến chỉ số giá tăng cao như vậy, thưa ông?

Có bốn nguyên nhân khách quan.

Thứ nhất, giá thị trường thế giới tăng mạnh dẫn đến giá cả trong nước tăng theo. Thứ hai, trong những tháng đầu năm, Tết Nguyên đán và nhiều lễ hội diễn ra trong cả nước, nhu cầu và sức mua có khả năng thanh toán tăng mạnh, gây sức ép tăng giá nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch, đi lại, vui chơi, giải trí.

Thứ ba, thiên tai diễn biến phức tạp. Thứ tư, năm nay Trung Quốc cũng đang chịu lạm phát khá cao, đồng Nhân dân tệ lên giá có ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả nhiều nước và bao gồm cả nước ta.

Ngoài ra, chỉ số giá tăng cao còn xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan. Nhà nước thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số loại vật tư đầu vào cơ bản của nền kinh tế. Chính sách điều hành tiền tệ đã tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều làm tăng cung ngoại tệ, gây sức ép tăng giá đồng VND, đồng thời góp phần làm tăng tổng phương tiện thanh toán. Nhu cầu có khả năng thanh toán tăng cao: tiền lương, tiền thưởng, lượng kiều hối đều tăng; nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn đầu tư phát triển trong nước tăng; thu nhập của nông dân tăng do giá nông sản-thực phẩm tăng...

Ngoài những nguyên nhân trên, giá cả năm nay còn bị tác động bởi các yếu tố thuộc về tâm lý, sự lợi dụng biến động của thị trường, của việc điều chỉnh giá của Nhà nước để tăng giá bất hợp lý...

Những nhân tố trên đã tác động làm cho chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp đã điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, kịp thời cả về hành chính, kinh tế của Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp thì chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng đầu năm còn có thể tăng cao hơn.

Nhiều quan điểm cho rằng cách tính CPI của chúng ta hiện nay là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, ý kiến của ông là gì?

Phương pháp tính CPI được Tổng cục Thống kê đang thực hiện là áp dụng thep phương pháp luận quốc tế trong tài liệu hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và cũng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Từ trước đến nay, khi công bố CPI cả năm, chúng ta thường sử dụng CPI của tháng 12 báo cáo so với tháng 12 năm trước, cách sử dụng gốc so sánh này là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi đánh giá tỷ lệ lạm phát của cả năm nên dùng CPI cả năm báo cáo so với năm trước, tức là so sánh bình quân CPI của 12 tháng năm báo cáo với bình quân CPI của 12 tháng năm trước.

CPI theo gốc so sánh này mới thực sự phản ánh sự biến động giá cả thị trường qua một năm và chúng được sử dụng để loại trừ yếu tố giá cho các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp được tính bằng giá trị theo giá thực tế hàng năm.

Vì vậy, từ năm 2008, chúng ta sẽ tính chỉ số giá tiêu dùng theo một gốc, dùng bình quân cả năm 2008 so với cả năm 2007. Khi đánh giá tình hình lạm phát năm nay, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng con số là 12,63%, nhưng sang năm, con số này sẽ được thay bằng số bình quân cả năm.

Chúng ta rút ra được bài học gì về công tác dự báo giá cả?

Công tác dự báo của chúng ta chưa được chuẩn lắm, tính khoa học chưa cao, chủ yếu mang tính kinh nghiệm. Các cơ quan nhà nước nên có công tác dự báo tốt hơn, khách quan hơn, không chịu một sức ép nào. Khi mức dự báo cao được đưa ra có thể giúp Chính phủ có những biện pháp triệt để hơn để điều hành giá cả.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Năm 2008 phải phấn đấu đạt GDP tăng 9% (27/12/2007)

>   Hiệp hội Ngân hàng khuyến cáo không tăng lãi suất tiền gửi (26/12/2007)

>   Ngân hàng Liên Việt chuẩn bị cho việc ra mắt (26/12/2007)

>   IFC không ngừng mở rộng vai trò tại Sacombank (26/12/2007)

>   Nới rộng biên độ tỉ giá: Ngân hàng dễ thở khi cung USD thừa (26/12/2007)

>   Giá xăng dầu sẽ ít biến động? (26/12/2007)

>   Vụ án lừa đảo tại NH Quế Đô: Làm rõ vai trò tổng giám đốc (26/12/2007)

>   Từ 2008: Lương công chức trả qua ngân hàng (26/12/2007)

>   Kiểm điểm ở Agribank phải làm lại vì 'chưa nghiêm' (26/12/2007)

>   Lợi nhuận VIB Bank đạt gần 450 tỷ đồng (26/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật