Thứ Sáu, 28/12/2007 10:49

Cung tiền và lạm phát

12 là con số được lặp lại nhiều lần khi nói đến lạm phát trong những ngày cuối năm 2007. Theo ước tính mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam vào tháng 12/2007 đã tăng 12,6% so với tháng 12/2006. Đây là mức tăng giá tiêu dùng cao nhất trong vòng 12 năm qua.

 

Lạm phát giai đoạn 1995-2007 tính theo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 so với tháng 12 năm trước. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Lạm phát giai đoạn 1995-2007, tính theo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 mỗi năm so với tháng 12 năm trước. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Đúng là giá lương thực – thực phẩm và giá dầu thế giới đã tăng cao trong năm 2007. Do hai nhóm hàng hóa này đều là những sản phẩm ngoại thương chủ đạo của Việt Nam và đồng thời chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu CPI, đây chắc chắn là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát cao ở Việt Nam trong suốt năm nay.

Nhưng nếu giá lương thực – thực phẩm và giá dầu lửa thế giới là nguyên nhân chính, thì các nước trong khu vực như Thái Lan và Trung Quốc cũng phải chịu sức ép tăng giá tương tự. Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ lạm phát của Việt Nam năm 2007 lên tới 2 chữ số, thì Trung Quốc chỉ chịu lạm phát ở mức 6,5% và Thái Lan 2,9%.

Khác biệt rõ rệt nhất giữa Việt Nam với các quốc gia có lạm phát thấp hơn, như Trung Quốc và Thái Lan, đó là tốc độ tăng cung tiền. Tính tới cuối tháng 6 năm 2007, lượng tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi ngân hàng ở Việt Nam đã tăng tới 21,1% so với đầu năm. Con số tương ứng của Trung Quốc và Thái Lan lần lượt là 10,0% và 1,4%.

Tăng trưởng kinh tế liên tục và ở mức cao đòi hỏi lượng tiền đưa vào lưu thông cũng phải tăng lên tương ứng. Tuy nhiên, khi chênh lệch giữa mức tăng cung tiền và tăng tổng sản phẩm quốc gia (GDP) trở nên quá lớn thì áp lực lạm phát sẽ nảy sinh.

Về mặt nguyên tắc, giá trị tính theo tiền của một mặt hàng luôn bằng lượng nhân với giá. Nếu giá trị tính theo tiền tăng lên, nhưng lượng hàng không tăng hay tăng chậm hơn, thì giá buộc phải tăng. Ta có thể hình dung GDP (sau khi loại bỏ yếu tố trượt giá) là tổng sản lượng sản xuất ra trong năm để phục vụ tiêu dùng cuối cùng, đầu tư hay ngoại thương. Còn mức cung tiền là tổng giá trị tính theo tiền. Mức cung tiền vượt GDP nhiều lần thì lạm phát cao là điều không tránh khỏi.

Như đã được đề cập, cung tiền ở Việt Nam tăng mạnh trong năm 2007 là do vốn nước ngoài chảy vào tăng đột biến, từ đó buộc Ngân hàng Nhà nước phải đóng vai trò người mua ngoại tệ cuối cùng và đưa thêm tiền đồng vào lưu thông. Nhưng lạm phát bùng lên trong năm nay có thể còn bắt nguồn từ mức chênh lệch giữa tăng trưởng GDP và tăng cung tiền của Việt Nam đã ngày một dãn rộng trong vòng 3 năm qua.

So sánh tốc độ tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng GDP của ba nước, lấy năm 2004 bằng 100%. Cung tiền đo bằng M2 (gồm tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng). Nguồn: Thống kê tài chính quốc tế (của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế), riêng số liệu tăng trưởng GDP của Việt Nam và Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2007 được lấy từ nguồn Economist Intelligent Unit.)

So sánh tốc độ tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng GDP của ba nước, lấy mốc năm 2004 bằng 100%. Cung tiền đo bằng M2 (gồm tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng)

(Nguồn: Số liệu Thống kê tài chính quốc tế của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế, riêng số liệu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2007 của Việt Nam và Trung Quốc lấy từ nguồn Economist Intelligent Unit.)

Trong khoảng thời gian 2 năm rưỡi, tính từ đầu năm 2005 cho đến cuối tháng 6 năm 2007, GDP của Việt Nam tăng 22%, còn mức cung tiền mặt cho lưu thông và tiền gửi ngân hàng đã tăng lên đến 110%. Trong cùng giai đoạn này, GDP của Trung Quốc tăng 29%, nhưng mức cung tiền chỉ tăng 50%. Chênh lệch giữa tăng GDP và tăng cung tiền của Thái Lan là hầu như không đáng kể.

Việt Nam tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với Trung Quốc, nhưng tăng cung tiền lại cao hơn rất nhiều. Đó chính là lý do chính để giải thích tại sao lạm phát ở Việt Nam cao hơn hẳn những nước khác. Giá gạo hay giá dầu thế giới có tăng cao bao nhiêu, thì sức ép của các yếu tố này tới lạm phát ở Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan không thể khác nhau nhiều.

VNN

Các tin tức khác

>   Trái phiếu chuyển đổi: Chuyện ở Ta (27/12/2007)

>   Trái phiếu chuyển đổi ACB: Chuyện quá mới! (27/12/2007)

>   Vàng vượt 830 USD/oz, dầu tăng mạnh, USD sụt (27/12/2007)

>   Ngân hàng Nhà nước bị chảy máu chất xám (27/12/2007)

>   Mỗi chỉ vàng tăng gần 20.000 đồng (27/12/2007)

>   Bảng Anh giảm giá mạnh (27/12/2007)

>   “Giá tiêu dùng 2008 còn tăng cao” (27/12/2007)

>   Năm 2008 phải phấn đấu đạt GDP tăng 9% (27/12/2007)

>   Hiệp hội Ngân hàng khuyến cáo không tăng lãi suất tiền gửi (26/12/2007)

>   Ngân hàng Liên Việt chuẩn bị cho việc ra mắt (26/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật