Bài học kinh nghiệm về chỉ đạo, điều hành, quản lý giá
Mục tiêu điều hành giá năm 2007 được Quốc hội đề ra là phấn đấu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế; nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2007 so với tháng 12-2006 tăng 12,63%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Như vậy là mục tiêu kiểm soát giá chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Nguyên nhân đẩy giá tiêu dùng tăng cao do tác động tổng hợp của cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân khách quan đó là: Giá thị trường thế giới liên tục tăng cao trong suốt thời gian từ đầu năm đến nay và vẫn trong xu thế tăng. Trong điều kiện đó, sự tác động của giá thế giới đối với nước ta là khó tránh khỏi và tác động với phạm vi rộng hơn, mức độ mạnh hơn nhiều nước khác, bởi quy mô của nền kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, độ mở của nền kinh tế ở đầu vào nhập khẩu lớn. Trong đó, đáng chú ý là tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu quá lớn, giá lại tăng cao kéo giá trong nước tăng theo. Thiên tai: bão to, lũ dữ kế tiếp nhau tràn về hoành hành trên diện rộng trong những tháng cuối năm đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh ở khu vực Tây Bắc, các tỉnh miền trung và Nam Trung Bộ. Chỉ tính trong tháng 11-2007, thiên tai đã gây thiệt hại ở 15 tỉnh, thành phố thuộc Bắc Trung Bộ và ven biển Nam Trung Bộ về vật chất ước tính lên tới 3.400 tỷ đồng... làm sản xuất đình trệ, cung cầu mất cân đối cục bộ, đẩy giá thị trường tại các khu vực này tăng mạnh, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, giống cây trồng và vật nuôi... Dịch bệnh ở gia súc, gia cầm tái phát, việc khôi phục và phát triển đàn gia súc, gia cầm khó khăn, dẫn đến nguồn cung tăng chậm hơn nhu cầu, đẩy giá thực phẩm tăng.
Cùng với những nguyên nhân khách quan, thì các nguyên nhân chủ quan trong điều hành còn có những thiếu sót đã có tác động trực tiếp đến sự vận động của mặt bằng giá, đó là: chưa dự báo sát được sự biến động của giá thị trường thế giới để có những phản ứng chính sách thích hợp. Việc điều hành chính sách tiền tệ còn có những bất cập, do không dự đoán được hết lượng cung tiền từ dòng vốn nước ngoài vào nhiều, buộc phải mua vào để tăng nhanh dự trữ ngoại hối; trong khi việc điều hành các công cụ tiền tệ để rút tiền từ lưu thông về nhằm trung hòa với lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ chưa thật nhịp nhàng, ăn khớp, đẩy tổng phương tiện thanh toán tăng, tạo sức ép tăng giá, góp phần đẩy giá cả tăng cao, gây sức ép lạm phát. Ngoài ra, còn yếu tố thu nhập của các tầng lớp dân cư tăng và Nhà nước thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số loại hàng hóa, vật tư cơ bản: tăng giá bán điện, giá bán xăng dầu, giá bán than cho các hộ tiêu dùng lớn sản xuất xi-măng, phân bón, giấy, điện... Công tác tuyên truyền về giá chưa tốt. Mặt khác, giá thị trường còn bị tác động của các yếu tố tâm lý khá mạnh trong thời gian vừa qua.
Ðể bình ổn giá, góp phần kiểm soát lạm phát, ngay từ đầu năm Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khai thác và phát huy có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, không để xảy ra mất cân đối cung cầu hàng hóa dịch vụ. Giữ ổn định các lãi suất chỉ đạo của đồng Việt Nam như năm 2006; điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND và ngoại tệ; khống chế dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán; thực hiện nghiệp vụ thị trường mở; phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương theo kế hoạch để rút tiền từ lưu thông về; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư; cắt giảm thuế theo lộ trình cam kết quốc tế; giảm thuế nhập khẩu đối với 20 nhóm hàng có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Tăng cường kiểm soát chi từ Ngân sách Nhà nước. Giãn lộ trình điều chỉnh tăng giá một số hàng hóa dịch vụ theo giá thị trường; giảm giá một số hàng hóa dịch vụ khi điều kiện cho phép. Huy động các nguồn lực của Trung ương, địa phương và cộng đồng để khắc phục kịp thời hậu quả của thiên tai, dịch bệnh. Triển khai việc kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với các sản phẩm có mức giá tăng cao, các mặt hàng được giảm thuế nhập khẩu, nhưng không giảm giá. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng cán bộ, công nhân, viên chức, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng bị thiên tai dịch bệnh...
Những biện pháp trên thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá. Vì vậy, tuy chỉ số giá tiêu dùng kiểm soát được ở mức nêu trên, nhưng vẫn cao, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống; kinh tế vẫn phát triển, nhưng nhân dân chưa phấn khởi do giá tiêu dùng tăng cao. Song, có thể đánh giá, thị trường đã không có đột biến giá xảy ra, góp phần giữ được các cân đối vĩ mô, tạo điều kiện phát triển kinh tế, thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch, bội chi ngân sách được khống chế ở mức cho phép là 5% GDP. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư ở mức cao là cơ sở để ổn định tỷ giá và giá trị đồng Việt Nam so với ngoại tệ. Dự trữ ngoại tệ tăng nhanh và đã đạt khoảng 20 tuần nhập khẩu. Các chỉ số nợ của Chính phủ và nợ của quốc gia ở mức an toàn.
Thực tiễn năm 2007 cho phép chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành như sau:
Thứ nhất, phải thường xuyên theo dõi, cập nhật và nâng cao chất lượng của công tác phân tích dự báo những diễn biến về kinh tế, tài chính nói chung, sự vận động của giá cả thị trường trong và ngoài nước nói riêng tìm ra đúng nguyên nhân để có những phản ứng chính sách thích hợp và tổ chức thực hiện các giải pháp bình ổn giá có hiệu quả là yếu tố quyết định sự thành công của công tác bình ổn giá.
Thứ hai, trong quản lý điều hành giá: phải áp dụng đồng bộ các chính sách, biện pháp tác động tích cực đến mặt bằng giá: giữ vững cân đối vĩ mô, bảo đảm cung - cầu hàng hóa dịch vụ, điều hành có hiệu quả chính sách tài chính tiền tệ; sắp xếp lại hoạt động của thị trường, mạng lưới kinh doanh; kiểm soát độc quyền, liên kết độc quyền về giá, bảo đảm cạnh tranh về giá theo pháp luật; kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, trong chấp hành kỷ luật nhà nước về giá; tuyên truyền chống tâm lý đẩy giá lên cao.
Thứ ba, bình ổn giá phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành, các địa phương, của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Phải xác định vai trò chỉ đạo, tổ chức thực hiện bình ổn giá của chính quyền và các cơ quan chuyên môn ở các tỉnh, thành phố phát huy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn.
Theo dự báo năm 2008, bên cạnh những nhân tố thuận lợi để giá cả thị trường vận động tương đối bình ổn, không có đột biến xảy ra, thì nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường về kinh tế, tài chính, tiền tệ, giá cả và những bất ổn do rủi ro từ các yếu tố địa chính trị, tạo sức ép tăng giá. Tình hình đó sẽ tác động trực tiếp làm tăng giá trong nước đối với những hàng hóa đầu vào quan trọng của nền kinh tế mà nước ta vẫn phải nhập khẩu với khối lượng lớn và hàng hóa xuất khẩu chủ lực của nước ta. Ở trong nước, bên cạnh quyết tâm chính trị phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế khá cao, đòi hỏi phải khai thác mọi nội lực cùng gây sức ép đến mặt bằng giá; nền kinh tế vẫn phải đối phó với nhiều khó khăn thách thức, nhất là những bất ổn của thiên tai, dịch bệnh. Sức cạnh tranh của hàng hóa, của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế chưa cao, hiệu quả kinh tế còn thấp; kết cấu hạ tầng yếu kém, tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh chưa được kiểm soát có hiệu quả; khả năng điều hòa cung-cầu hàng hóa dịch vụ còn hạn chế... luôn là những yếu tố thường trực kéo giá thị trường tăng. Mặt khác, việc tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường, xóa bù lỗ bao cấp qua giá đối với những hàng hóa dịch vụ còn bao cấp; thu nhập của các tầng lớp dân cư tăng; khả năng thu hút vốn đầu tư lớn sẽ làm tăng cầu, gây sức ép đẩy giá tăng.
ÐỂ thực hiện mục tiêu: Bình ổn giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, khuyến khích cạnh tranh về giá theo pháp luật để tăng hiệu quả, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế về giá; phấn đấu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế cần áp dụng đồng bộ các biện pháp sau:
Thứ nhất, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ mọi vướng mắc về cơ chế, chính sách, về thủ tục hành chính, triển khai quyết liệt những nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 đã đề ra để phát huy mọi nguồn lực và các lợi thế so sánh của đất nước giành kết quả cao nhất trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Chủ động điều hành để giữ vững các cân đối kinh tế vĩ mô (hàng hóa - tiền tệ, thu - chi ngân sách, sản xuất - tiêu dùng, tích lũy - tiêu dùng...) trong mọi tình huống. Triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 23/2007/CT-TTg ngày 31-10-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2007 và phục vụ Tết Mậu Tý và cả năm 2008.
Thứ hai, Nhà nước cùng doanh nghiệp chủ động có biện pháp nâng cao sức cạnh tranh của từng mặt hàng, của toàn bộ nền kinh tế, thông qua việc tạo môi trường thuận lợi nhất để phát huy có hiệu quả các nguồn lực. Ðẩy mạnh việc đổi mới công nghệ, tổ chức ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giảm định mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu; giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Thứ ba, tổ chức có hiệu quả hơn việc dự báo sự vận động của giá cả thị trường trong nước và trên thế giới, chủ động triển khai các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
Tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Chuyển mạnh từ hình thức định giá, phê duyệt giá sang áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá đối với hàng hóa chi từ ngân sách Nhà nước. Thực hiện điều hành giá theo lộ trình giá thị trường; xóa độc quyền về giá cùng với việc sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh, xóa bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp trong năm 2008 đối với giá bán các loại dầu, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn... Thực hiện phương châm: Tính đủ giá, trợ giúp người khó khăn (cả người sản xuất và người tiêu dùng bằng các chính sách của Nhà nước để giảm tác động bất lợi khi giá thị trường tăng. Ðiều hành giá hàng nhập khẩu, trước hết là giá xăng, dầu theo phương thức "Phòng, chống rủi ro về giá cả", ngăn ngừa những biến động đột biến trên thị trường.
Thường xuyên kiểm soát độc quyền; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quy chế tính giá; đăng ký giá, kê khai và niêm yết giá, hiệp thương giá theo quy định.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt dưới sự giám sát, điều tiết của Nhà nước theo nguyên tắc thị trường thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ. Dự báo sát thực và kiểm soát tốt các luồng tiền tệ trong nền kinh tế. Kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng của nền kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát được lạm phát.
Thứ năm, điều hành có hiệu quả chính sách tài khóa thông qua các biện pháp quản lý thu chi ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách, thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng và phân bổ cơ cấu đầu tư hợp lý, xử lý tốt quan hệ giữa đầu tư cho các dự án dài hạn và các dự án có nhu cầu cấp thiết, sớm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao, góp phần ngăn ngừa lạm phát cơ cấu. Hệ thống kho bạc Nhà nước, ngay từ những tháng đầu năm tăng cường kiểm soát chi tiêu từ nguồn ngân sách Nhà nước, nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản, chi hội nghị tổng kết, thi đua, khen thưởng... để loại trừ những khoản chi sai chế độ, vượt định mức.
Thứ sáu, tiếp tục xây dựng và vận hành thông suốt các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường dịch vụ, thị trường công nghệ. Thực thi các biện pháp thúc đẩy hoạt động của thị trường chứng khoán phát triển bền vững, lành mạnh, hoàn thiện mạng lưới kinh doanh, bảo đảm lưu thông thông suốt, nhất là đối với các loại vật tư hàng hóa quan trọng. Khẩn trương củng cố và phát triển các chợ đầu mối phát luồng bán buôn nông sản thực phẩm; bảo đảm nguồn hàng đủ lớn và ổn định; kiểm tra xử phạt các hành vi lũng đoạn thị trường, liên minh độc quyền tăng giá bất hợp lý.
Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh hàng hóa không bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá, chấp hành kỷ luật nhà nước về giá. Cùng với tăng cường công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách giá, biện pháp điều hành của Nhà nước, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.
Nguyễn Tiến Thỏa
Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính
|