Giao dịch cổ đông nội bộ: có đáng ngại?
Khoảng thời gian nửa năm vừa qua đã chứng kiến nhiều thăng trầm của TTCK và một điều cũng không kém phần nổi bật là việc bán ra ồ ạt của nhiều cổ đông nội bộ. Một số NĐT cho rằng, đây là hành động “phản bội” lại DN; một số khác lại mạnh bạo cho rằng, đây là hành vi làm giá. Tuy nhiên, nhìn từ một khía cạnh khác, việc “cạn túi” cổ phiếu của cổ đông nội bộ không phải không mang ý nghĩ tích cực.
Cổ đông nội bộ có làm giá?
Tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT của một DN niêm yết lớn đã “hùng hồn” tuyên bố: “Tôi bắt các thành viên HĐQT và ban kiểm soát bán cổ phiếu ra đấy, vì thời gian này, giá cổ phiếu công ty lên ghê quá, nóng quá rồi”. Và quả thực, suốt hơn 1 tháng nay, NĐT liên tục thấy thông tin đăng bán của các cổ đông nội bộ và người có liên quan của công ty đó. Tuy nhiên, việc bán ra ồ ạt này chỉ làm cho cổ phiếu này ngừng tăng giá, chứ không làm cho giá thị trường rơi vào tình trạng thê thảm, bởi nguyên nhân tăng giá của mã cổ phiếu này chủ yếu do việc công ty có một khoản đầu tư, với mức thu lợi nhuận bằng cả năm hoạt động.
Tuy nhiên, không có nhiều công ty có may mắn như vậy. Trên cả hai sàn Hà Nội và TP. HCM, giá của một số cổ phiếu đã giảm mạnh và rất ít khả năng sẽ “ngóc đầu” trở lại. Giải thích cho việc bán ra cổ phiếu ào ạt khi cổ đông nội bộ công bố thông tin bán ra, hầu hết NĐT cho rằng, cổ đông nội bộ còn không giữ, mình còn niềm tin nào để giữ?
Và để giá cổ phiếu không tiếp tục bị giảm một cách thê thảm do tác động tâm lý từ việc bán ra của cổ đông nội bộ trong khoảng thời gian nào đó (mà DN tự đưa ra), ban lãnh đạo cam kết sẽ không bán cổ phiếu ra. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: liệu các cổ đông đó có thể giữ được cổ phiếu trong bao lâu? Không lẽ chỉ vì tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông mà họ phải tự “hy sinh” quyền lợi của mình?
Nhưng dù thế nào đi nữa, NĐT vẫn có xu hướng phản ứng mang tính “nhạy cảm cao” với các thông tin trên. Và vì vậy, một số NĐT tỉnh táo hơn thắc mắc, liệu có chuyện làm giá để mua vào thông qua việc công bố thông tin giao dịch của cổ đông nội bộ?
Một minh chứng dễ thấy là việc công bố thông tin thay đổi giá phát hành và quyết định mua vào của Ban lãnh đạo Quỹ VF1 đã khiến không ít người tự hỏi, đây có phải là một hành vi làm giá? Điều này còn bị nghi ngờ nhiều hơn khi kết thúc thời hạn công bố thông tin, không một chứng chỉ quỹ VF1 nào được mua như dự kiến. Tất nhiên, rất khó để đi đến kết luận, Ban lãnh đạo VF1 có thực sự vô can hay không, nhưng điều này còn có thể suy rộng ra với nhiều cổ phiếu khác.
Người Việt Nam có câu: “Thả con săn sắt, bắt con cá sộp”. NĐT có quyền nghi ngờ, liệu ban lãnh đạo công ty có cố tình cấu kết với một vài cá nhân, tổ chức để công bố thông tin bán cổ phiếu, với số lượng khoảng vài chục ngàn, để làm giá thị trường giảm xuống, trong khi các đơn vị, cá nhân kia tranh thủ gom vào?
Việc để cho tâm lý dễ bị “dẫn dụ” của NĐT trong nước, nhất là NĐT cá nhân chính là điều kiện thuận lợi để cho các NĐT lớn áp dụng cách thức làm giá trên. Thực tế là, mỗi khi có thông tin bán ra của cổ đông nội bộ, giá cổ phiếu đó ngay lập tức giảm mạnh. Sau đó, chỉ một thời gian, mọi thứ trở thành quá khứ và bị lãng quên một cách nhanh chóng. Một ấn tượng tiếp theo chính là việc các NĐT bị hấp dẫn trở lại khi thấy cầu trên thị trường ngày một tăng nhanh. Như vậy, phải chăng tâm lý e ngại của các cổ đông đã giúp một đợt “làm giá” thành công mỹ mãn?
Phản ứng giao dịch cùng chiều có thái quá?
Không chỉ có giao dịch của các cổ đông nội bộ, mà giao dịch của các cổ đông lớn cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định đầu tư của cổ đông hiện hữu khác. Tuy nhiên, ai sẽ là người thiệt nhất nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra?
Như đã phân tích ở trên, hành động bán ra ồ ạt khi có giao dịch của cổ đông nội bộ (tất nhiên là không có biến động từ hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của DN) sẽ chỉ tạo cơ hội cho các NĐT đủ bản lĩnh “lướt sóng” một cách thành công. Ngược lại, việc tăng mua ồ ạt hoặc giao dịch mua vào thành công của các cổ đông lớn lại tạo “hưng phấn” cho cổ đông mới sẵn sàng vào cuộc và đẩy giá lên cao, trong khi mọi chuyện vẫn chỉ có thế.
Ông Đào Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán, UBCK cho rằng, chính phản ứng thái quá của cổ đông hiện hữu khiến giá cổ phiếu giảm mạnh khi cổ đông nội bộ bán ra đã khiến cho ban lãnh đạo của DN phải tìm cách lách luật. Họ hoàn toàn có thể nhường nhau lần lượt “ra khỏi HĐQT” để bán hết cổ phần, trong khi không ảnh hưởng giá cổ phiếu giao dịch trên sàn.
Với xu hướng ngày càng có nhiều hơn giao dịch của cổ đông nội bộ, thiết nghĩ, việc NĐT cần phải có cái nhìn chuyên nghiệp để tránh bị chi phối là cần thiết. Các thành viên ban lãnh đạo, ban kiểm soát... có thể cam kết không bán ra trong một vài tháng, thậm chí một năm (sau khi hết thời gian hạn chế chuyển nhượng) nhưng không ai có thể đảm bảo rằng, họ không bán ra trong một thời gian dài. Hơn nữa, mức độ tốt, xấu của DN không thể phụ thuộc vào lời cam kết trong một vài tháng. Quyết định sáng suốt hay không phụ thuộc vào suy nghĩ và cách thức phản ứng của NĐT, nhưng điều quan trọng là không nên để tiền trong túi ra đi chỉ vì những e ngại, suy luận thiếu logic.
ĐTCK
|