Thông tin IPO Vietcombank giúp thị trường đột ngột tăng điểm
Thông tin giá khởi điểm phát hành CP lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) với khởi điểm bằng 10 lần mệnh giá đã khiến thị trường chứng khoán có phản ứng tức thời.
VN-Index phục hồi mạnh với mức tăng 15,61 điểm, một loạt cổ phiếu ngân hàng tăng giá, có những cổ phiếu bị "vét sạch" trong phiên giao dịch ngày 3.12.
Khống chế số lượng cổ phần đăng ký mua
Bên cạnh việc khống chế tỉ lệ mua tối đa của nhà đầu tư nước ngoài không quá 30% khối lượng cổ phần bán đấu giá công khai (tương đương 29.250.000 cổ phần và bằng 1,95% vốn điều lệ), trong đợt IPO này, nhà đầu tư còn bị khống chế cả khối lượng đăng ký mua. Khối lượng cổ phần đăng ký mua khi đấu giá trong nước đối với pháp nhân là 4 triệu cổ phần, đối với thể nhân là 500.000 cổ phần.
Theo con số được Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) công bố tại Quyết định 2900/QĐ-NHNN, giá trị doanh nghiệp (DN) tại thời điểm 0h ngày 31.12.2006 của Vietcombank như sau: Giá trị DN theo sổ sách đã được kiểm toán là 166.952 tỉ đồng. Trong đó, giá trị phần vốn nhà nước tại DN là 10.978 tỉ đồng. Giá trị DN theo đánh giá lại là 243.835 tỉ đồng, trong đó giá trị phần vốn góp của Nhà nước tại DN là 87.861 tỉ đồng.
Vietcombank không thực hiện điều chỉnh lại sổ sách kế toán theo giá trị phần vốn nhà nước tại DN. Giá trị tài sản theo sổ sách của Vietcombank không tính vào giá trị DN là 149,242 tỉ đồng bao gồm: Tài sản không cần dùng (1,175 tỉ đồng), tài sản chờ thanh lý: 0,042 tỉ đồng, số dư bằng tiền của quỹ khen thưởng, phúc lợi: 148,025 tỉ đồng.
Như Lao Động số 281 ra ngày 3.12 đã đưa tin, Vietcombank có vốn điều lệ là 15.000 tỉ đồng. Cổ phần bán đấu giá công khai trong nước trong đợt này bằng 6,5% vốn điều lệ tương đương 97.500.000 cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng.
Mức giá khởi điểm IPO là 100.000 đồng/cổ phiếu. Đối với trái phiếu chuyển đổi của Vietcombank, giá chuyển đổi sang cổ phiếu phổ thông là mức giá đấu thành công thực tế hình thành từ đợt IPO lần này của Vietcombank.
Thị trường phản ứng tích cực
Sau khi một số thông tin ban đầu về đợt IPO của VCB được công bố, thị trường niêm yết đã có những phản ứng rất tích cực. Mặc dù những thông tin về mức giá khởi điểm 100.000đ/CP cũng như khống chế 30% tỉ lệ mua dành cho NĐTNN chưa được phổ biến rộng rãi trong phiên giao dịch nhưng đã kịp phản ánh tác động lên giá một số CP, trong đó nổi bật nhất là nhóm ngân hàng tài chính.
STB trên sàn TPHCM sau một tuần tích luỹ đã tăng ngay 1.000đ/CP. Đáng chú ý là lượng cầu STB đã có dấu hiệu tăng đột biến với xấp xỉ 3,2 triệu đơn vị, tăng 61% so với phiên ngày 30.11. Quy mô lệnh mua vào với CP này cũng đổi chiều rất nhanh với 2.518 CP/lệnh trong khi bán ra chỉ còn 1.294 CP/lệnh.
Đây là tín hiệu khác thường bởi lẽ trong quá trình tăng giá tuần trước, lệnh bán ra với STB được duy trì khá lớn, tạo áp lực cung mạnh. So với mức đỉnh 74.000đ hồi đầu tháng 10, STB chỉ còn cách đúng 4.000đ, tương đương mức phục hồi 61,8%.
Hỗ trợ đằng sau mức tăng giá mạnh ngày 3.12 là khối lượng giao dịch tăng tới 64%, đạt hơn 2,12 triệu đơn vị. Như vậy riêng STB đã đóng góp 26% khối lượng khớp lệnh CP toàn thị trường.
Một mã khác là SSI cũng có mức tăng đột biến 8.000đ/CP, vượt qua ngưỡng giá kháng cự 260.000đ. Trên sàn Hà Nội, ACB tăng 800đ/CP so với giá tham chiếu (giá bình quân). Tuy nhiên nếu so với giá đóng cửa phiên trước, ACB đã tăng 1.500đ/CP, khối lượng khớp lệnh thành công tăng 36%, đạt 230.500 CP.
Cả hai sàn CK đều ghi nhận một phiên giao dịch rất lạc quan với đa số CP tăng giá. VN-Index phục hồi mạnh 15,61 điểm trong khi HaSTC-Index tăng 4,05 điểm.
Một khởi điểm tốt
Theo đánh giá từ các Cty chứng khoán và một số nhà đầu tư, IPO Vietcombank vẫn là sự kiện được quan tâm nhiều nhất của giới đầu tư trong thời điểm này. Nó sẽ tác động mạnh đến CP các ngân hàng và cả các CP khác trên thị trường niêm yết.
Ông Huỳnh Anh Tuấn trợ lý TGĐ Cty chứng khoán ACBS cho biết: Trước đây có dư luận rằng giá khởi điểm của Vietcombank là 80.000đ . Mức giá khởi điểm 100.000đ là khởi điểm tốt, không chỉ cho Vietcombank mà còn góp phần làm "tăng nhiệt" cho thị trường nói chung.
Trong ngày 3.12, nhiều nhà đầu tư đã gọi đến ACBS nhờ tư vấn để mua CP các ngân hàng khác, nhất là Eximbank (EIB). EIB là ngân hàng có thặng dư vốn rất lớn, giá của cổ phiếu này hiện nay chỉ gấp hơn 6 lần mệnh giá. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá các cổ phiếu ngân hàng khác sẽ tăng cao.
Ông Huỳnh Anh Tuấn dự đoán sẽ có rất nhiều tổ chức tài chính và cá nhân đăng ký tham gia đấu giá.
Ông Vũ Hiệp - nhà đầu tư tại Cty chứng khoán Hoàng Gia - nhận xét: Giữa sự kiện IPO Vietcombank và thị trường chứng khoán sẽ còn "tương tác" lẫn nhau. Sự sôi động hay trầm lắng của thị trường những ngày tới sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu Vietcombank, ngược lại, kết quả đấu giá Vietcombank cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu khác trên thị trường.
Và ông đưa ra dự đoán: Giá đấu thành công bình quân của Vietcombank sẽ vào khoảng 140.000đ- 150.000đ.
LĐ
|